Trong dài hạn, việc cấp phép ngân hàng số phải được tiến hành thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn của Việt Nam và xu hướng quốc tế, kết hợp rà soát các luật liên quan, đặc biệt là Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi… gắn với đề án tái cơ cấu hoạt động ngân hàng trong thời gian tới...
Ngày 24/11, tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc” do Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức ở TP.HCM, các chuyên gia đánh giá, mô hình ngân hàng số đang được các quốc gia xây dựng và phát triển rất đa dạng. Việt Nam không thể áp dụng hoàn toàn mô hình của bất cứ quốc gia nào mà việc cấp phép ngân hàng số phải được tiến hành thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật liên quan.
Ngân hàng là ngành số hoá mạnh mẽ nhất
TS. Trần Văn - Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đưa ra một ví dụ về trường hợp Hàn Quốc năm qua đã xây dựng luật ngân hàng số họ gọi là “internet-only bank”. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù khác gồm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong lĩnh vực ngân hàng, fintech; nền tảng Open Banking hoạt động từ năm 2019 và cơ sở dữ liệu mở MyData hoạt động từ năm 2022 đã thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở quốc gia này.
Hiện nay tốc độ tăng trưởng của DN fintech Hàn Quốc cũng tương đương thế giới, bình quân khoảng 23,4%/năm giai đoạn 2011-2021. Nếu như năm 2011 chỉ có 62 DN thì đến năm 2021 đã có 506 DN. Trong số đó có 3 DN đã được cấp phép thành lập ngân hàng số (internet-only bank) là KT với K-bank, Toss với Toss bank và Kakao với Kakao bank. Các ngân hàng internet-only này có cổ đông lớn là ngân hàng truyền thống, DN fintech bị giới hạn nắm giữ tối đa 34% vốn, chỉ được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường mạng và không có bất kỳ một chi nhánh, phòng giao dịch vật lý nào. Các ngân hàng số này chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp mà ngân hàng chưa chú trọng, bị hạn chế về số lượng và quy mô dịch vụ thanh toán, tiết kiệm và cho vay.
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam, ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngân hàng là ngành tiến hành số hoá mạnh mẽ nhất trong nền kinh tế và những nỗ lực này cũng đã được Chính phủ, người dân ghi nhận. Cũng theo ông Dương Quốc Anh, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên thế giới đang diễn ra theo 3 xu hướng chính. Thứ nhất, các ngân hàng truyền thống áp dụng công nghệ số để cải tiến các quy trình nghiệp vụ của mình. Thứ hai, các fintech, bigtech tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính. Thứ 3 là sự ra đời của các ngân hàng số hoàn toàn.
Tại Việt Nam, xu hướng mạnh nhất là các ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để số hóa các hoạt động của mình. Nhờ đó hiện nay khách hàng đã có thể thực hiện hầu hết các hoạt động nghiệp vụ trên kênh số. Dẫn số liệu của NHNN, ông Quốc Anh cho hay, hiện nay doanh thu của các ngân hàng trên kênh số đã đạt 30%; trong đó riêng dịch vụ thanh toán hầu hết đã được số hoá. Đặc biệt, khoảng 70% các món vay có giá trị nhỏ của các công ty tài chính đã được giải ngân trên kênh số hóa.
Về quy mô giao dịch thì 5 năm vừa qua hệ thống ngân hàng đã có sự tiến bộ nổi bật. Trước đây trong 1 ngày chỉ có 50.000 giao dịch thanh toán qua ngân hàng nhưng hiện nay lên đến 8 triệu giao dịch/ngày, tương đương 40 tỷ USD. Cùng với đó các ngân hàng và trung tâm thanh toán đã kết nối liên thông và thời gian giao dịch được tính bằng giây. Vì giao dịch tiến hành nhanh với chi phí thấp, nên hoạt động thanh toán hầu như miễn phí cho người dùng. Còn về ứng dụng công nghệ thì các ngân hàng Việt Nam đã áp dụng hầu hết công nghệ mà Hàn Quốc đã và đang áp dụng từ Big Data, AI, Cloud… thể hiện sự tiến bộ rất lớn.
Ông Dương Quốc Anh cho biết thêm, không chỉ ngân hàng mà các công ty Fintech tham gia vào lĩnh vực này cũng phát triển rất nhanh. Hiện nay có tới trên 10 doanh nghiệp Fintech lớn cung cấp các dịch vụ liên quan tài chính tiền tệ, song tiềm năng vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo năm 2020 của NHNN, có khoảng 72% Fintech Việt Nam hoạt động trên cơ sở phối hợp với ngân hàng; chỉ có 14% tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới và 14% có sản phẩm cạnh tranh với các ngân hàng. Cùng với đó, mô hình ngân hàng số hoàn toàn là chưa có.
Xét trong điều kiện hiện tại, ông Dương Quốc Anh kiến nghị, hướng đi khả thi của Việt Nam là tạo khuôn khổ để Fintech hoạt động phối hợp với ngân hàng, khuyến khích, tạo điều kiện liên kết, hợp tác giữa Fintech với ngân hàng triển khai số hóa và phát triển ngân hàng số.
Không thể “bê” nguyên mô hình quốc tế
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, Hàn Quốc là trường hợp khá đặc biệt vì quá trình làm luật để xây dựng ngân hàng số rất nhanh và quyết liệt. Ngoài Hàn Quốc thì một số quốc gia trên thế giới cũng đang có những định hướng riêng trong phát triển ngân hàng số. Điển hình là sự phát triển của các “neo-bank”, có nghĩa là ngân hàng kiểu mới. Theo đó những công ty Fintech hay công ty có lợi thế về người dùng, công nghệ, thông qua hợp tác với ngân hàng truyền thống để có giấy phép hoạt động ngân hàng. Mô hình này hiện diện nhiều ở châu Âu, Mỹ, và cũng đã xuất hiện ở châu Á.
Tuy nhiên theo góc nhìn của ông Dũng thì đây chưa phải ngân hàng hoàn chỉnh do lĩnh vực hoạt động hạn chế, chủ yếu thực hiện các nghiệp vụ thanh toán, phát hành thẻ. Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý của các tổ chức này cũng chưa rõ ràng, khó mở rộng hoạt động ra phạm vi quốc gia hay toàn cầu.
Ông Dũng cũng lưu ý, việc phát triển ngân hàng số tại các quốc gia đều nhằm thực hiện những mục tiêu chính sách cụ thể. Ví dụ Singapore xác định thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đặc biệt là tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận tín dụng; cùng với đó là bao phủ một số mảng mà ngân hàng truyền thống chưa hoạt động hiệu quả như ngân hàng bán buôn, thanh toán xuyên biên giới. Dựa trên các mục tiêu đó, NHTW tham vấn công chúng và cân nhắc để ban hành khuôn khổ cấp phép ngân hàng số, đồng thời xác định rõ số lượng các ngân hàng số được cấp phép ngay từ đầu; chẳng hạn xác định cấp 2 giấy phép cho ngân hàng bán lẻ và 2 giấy phép cho ngân hàng bán buôn, quá trình thực hiện rất kỹ dựa trên mục tiêu chính sách và lợi ích quốc gia, với các điều kiện ràng buộc cụ thể như phải có sự tham gia của các ngân hàng có vốn Nhà nước, hoặc phải có trụ sở đặt tại Singapore…
Liên hệ với Việt Nam, ông Dũng lưu ý, trong ngắn hạn bối cảnh Việt Nam rất khác so với các nước, không thể bê nguyên một mô hình nào để áp dụng. Chúng ta đang ở giai đoạn tái cơ cấu hoạt động ngân hàng đến năm 2025, trong đó có giải pháp nghiên cứu, rà soát các luật liên quan, và nghiên cứu mô hình ngân hàng số. “Trong ngắn hạn tôi nghĩ vẫn phải tạo thuận lợi cho ngân hàng truyền thống để số hoá các hoạt động nghiệp vụ”, ông Dũng chia sẻ.
Trong dài hạn, việc cấp phép ngân hàng số phải được tiến hành thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn của Việt Nam và xu hướng quốc tế, kết hợp rà soát các luật liên quan, đặc biệt là Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi… gắn với đề án tái cơ cấu hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Khi thiết lập khuôn khổ này phải xác định 3 mục tiêu chính sách lớn: Thứ nhất, việc thành lập ngân hàng số phải phục vụ cho mục tiêu tài chính toàn diện. Hiện nay Việt Nam còn một nhóm người chưa có tài khoản ngân hàng, một nhóm khách hàng nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận tín dụng một cách đầy đủ, và việc thành lập ngân hàng số phải bao phủ được nhóm đối tượng này. Thứ hai, khắc phục sự thiếu hiệu quả trong hoạt động ngân hàng, như ngân hàng bán buôn, thanh toán xuyên biên giới. Thứ ba, phát triển ngân hàng số phải gắn với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng.