Bức tranh giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm có nhiều điểm trái nghịch. Trong khi nhiều địa phương tăng tốc giải ngân cao, thậm chí trên 30% thì vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, tính đến hết quý 1, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ. Đáng lưu ý, hiện vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, trong khi nhiều địa phương tăng tốc hoàn thành tốt nhiệm vụ với tỷ lệ giải ngân đạt cao, thậm chí trên 30%.
Trong hơn 73.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giải ngân trên cả nước này, vốn trong nước giải ngân khoảng 72.232 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân khoảng 960 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.
Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%). Trong đó, vốn trong nước đạt 10,64%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 đạt 12,66%; còn vốn nước ngoài đạt 3,43%, cao hơn cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 0,99%.
Theo Bộ Tài chính, hiện có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao, như: tỉnh Tiền Giang giải ngân được 1.653 tỷ đồng, đạt 31,1% tổng kế hoạch vốn được giao và đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng giao, hiện Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao; đuổi theo sát nút là Bến Tre có tỷ lệ giải ngân đạt 30,05%; tiếp đó là: Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).
Thông tin tại cuộc họp giao ban quý 1/2023, đại diện Bộ Giao thông vận tải, cho biết đến cuối tháng 3 đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ (khoảng 14%).
Như vậy, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%) và là một trong hai bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.
Bên cạnh đó, có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%. Đáng quan ngại, dù gần hết quý 1 nhưng vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, gồm: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ...
Nêu rõ nguyên nhân việc giải ngân chậm trong quý 1/2023, trao đổi gần đây, bà Mai Thị Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết các bộ, ngành, địa phương đầu năm đều tập trung hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán.
Cùng với đó, sau khi được giao vốn, các đơn vị đều đang phân bổ chi tiết cho các dự án và tập trung công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Chương trình phục hồi năm 2023 cũng được bố trí vốn lên tới 100.000 tỷ đồng nhưng việc hoàn thiện thủ tục đầu tư cũng rất chậm.
Một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt vừa qua, nhiều dự án trọng điểm vướng mắc về nguồn vật liệu, chính là những nguyên nhân “cản đường” giải ngân những tháng đầu năm.
Cũng theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 3, hiện có 27/49 bộ, cơ quan trung ương và 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.
Cụ thể, tổng số vốn đã phân bổ gần 683.600 tỷ đồng, đạt 96,68% kế hoạch vốn Thủ tướng giao (707.044,198 tỷ đồng); trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng giao là 48.488 tỷ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 635.100 tỷ đồng, đạt 89,83% kế hoạch Thủ tướng giao.
Như vậy, theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là trên 71.941 tỷ đồng, chiếm 10,17% kế hoạch Thủ tướng giao; trong đó, vốn trong nước là 70.532,661 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.408,378 tỷ đồng.
Phân tích cụ thể hơn, Bộ Tài chính cho biết trong số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ hết, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và truyền thông (88,48%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (87,94%), Bộ Tài chính (86,58%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (85,88%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,21%), tỉnh Hưng Yên (81,57%), Bộ Y tế (79,02%), tỉnh Tuyên Quang (76,64%)...
“Vốn trong nước chưa phân bổ hết chủ yếu là các dự án thuộc chương trình phục hồi chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023; một số dự án thuộc chương trình mới được Thủ tướng giao chi tiết kế hoạch vốn tại Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 8/3/2023 hiện đang được các bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục đề triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023”, Bộ Tài chính đánh giá.
Về nguyên nhân hơn 1.400 tỷ đồng vốn nước ngoài chưa phân bổ hết, Bộ Tài chính nêu rõ vướng mắc tại một số địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay; Đắk Nông chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ và đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư; hay Quảng Ninh đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết.
Với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, hiện có 38/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn 16/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, bởi một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư...
Qua công tác kiểm tra số vốn đã được các đơn vị phân bổ, Bộ Tài chính phát hiện nhiều đơn vị phân bổ cho dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư như tại Bộ Xây dựng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hay Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt.
Thậm chí, Ban Quản lý Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam phân bổ kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án không được giao vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, một số dự án bố trí vốn kế hoạch năm 2023 vượt kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng giao như tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Hậu Giang; có những dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, như tại Hưng Yên, Hà Nội, Bạc Liêu, Hà Giang, Hải Phòng…
Do vậy, với số vốn chưa đủ điều kiện phân bổ, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.
Còn với các dự án được các bộ, cơ quan trung ương phân bổ đúng quy định, Bộ Tài chính phê duyệt dự toán để kịp thời có vốn giải ngân cho các dự án...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam