Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 từ 6-6,5% có thể xem như đã trong tầm với, song vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp.
Kết quả tăng trưởng GDP quí 3 và ba quí đầu năm 2024 có lẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là khi bão Yagi đổ bộ đầu tháng 9, gây thiệt hại nặng nề. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quí 3 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,7%) và khớp với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng 6. Tính chung chín tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, khu vực dịch vụ tăng 6,95%.
Như vậy, dù gặp khó khăn do bão lũ, nền kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)… Đặc biệt, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…
Với diễn biến này, không còn phải quá lo về việc đạt mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu khác của năm nay. Trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ cho cuộc thảo luận về chủ đề này vào ngày 9-10, Ủy ban Kinh tế cho biết, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được trung ương, Quốc hội cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ước cả năm thu ngân sách nhà nước tăng 10,1% so với dự toán.
Bên cạnh đà tăng trưởng ấn tượng của GDP, Ủy ban Kinh tế cho rằng có nhiều vấn đề cần đánh giá sâu sắc hơn để nhìn nhận đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng…
Xuất, nhập khẩu hàng hóa và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao là điểm sáng, theo Ủy ban Kinh tế. Tính chung chín tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 578,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%, xuất siêu đạt gần 20,79 tỉ đô la. Tổng vốn FDI (gồm vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) trong chín tháng đạt hơn 24,8 tỉ đô la, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện chín tháng ước đạt 17,34 tỉ đô la, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của nước ta.
Bên cạnh đà tăng trưởng ấn tượng của GDP, Ủy ban Kinh tế cho rằng có nhiều vấn đề cần đánh giá sâu sắc hơn để nhìn nhận đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tiên là tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực cao hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm. Tính chung chín tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703.400 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023; nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,8%, thấp hơn so với mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thành tố chính của cầu tiêu dùng là doanh thu bán lẻ hàng hóa (chiếm 77,2%) chỉ tăng mức “vừa phải” 7,9%, cho thấy sức cầu tiêu dùng trong nước còn yếu.
Về đầu tư, ngoại trừ vốn khu vực FDI tăng 10,7%, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giảm tốc mạnh trong khi vốn đầu tư của khu vực tư nhân tiếp tục tăng thấp. Cụ thể, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước đạt 1.336.900 tỉ đồng, chiếm 55,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 7,1%, bằng gần một nửa mức tăng trưởng của giai đoạn 2015-2019. Trong khi đó, vốn khu vực nhà nước đạt 664.700 tỉ đồng, chiếm 27,5% và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn. Bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường trong chín tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.
Thực tế, theo phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức, cả từ bên ngoài và nội tại của nền kinh tế. Trên thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc xuất khẩu trong khu vực giữa bối cảnh chịu tác động từ những biến động khó lường của thế giới cũng như yêu cầu thay đổi của thị trường nhập khẩu về xanh hóa, phát triển bền vững. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may, đứng trước khó khăn thiếu lao động do năm 2023 phải thu hẹp sản xuất, lao động về quê hoặc tìm được việc làm mới không quay trở lại. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây ra biến động lao động.
Cùng với đó là thách thức từ tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những năm qua tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng hạ hạn mức cho vay và nâng tỷ lệ thế chấp. Tỷ giá tăng mạnh khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán lẻ. Thị trường bất động sản không ổn định và có xu hướng tăng giá cao, dẫn đến tạo áp lực cao về chi phí mặt bằng đối với doanh nghiệp.
Thêm vào đó, thương mại điện tử nước ngoài, nhất là các nước có vị trí liền kề với Việt Nam, đang phát triển mạnh và có nhiều ưu thế: chuyển phát nhanh, giá thành rẻ, hệ thống kho bãi, logistics, thông quan qua các cửa khẩu thông minh, chính sách thuế tốt…, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ngành bán lẻ.
Thị trường tài chính, tiền tệ cũng tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao. Đến cuối tháng 6-2024, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là 795.500 tỉ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Giá nhà chung cư, giá đất nền tại một số địa bàn tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân. Tình trạng đấu giá đất ở mức gấp nhiều lần giá khởi điểm rồi bỏ cọc tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng…
Vài “lát cắt” trên đây cho thấy, dù Chính phủ có thể đạt 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2024 thì trong thực tế những vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn tồn tại dai dẳng, chưa được khắc phục triệt để. Và thêm một câu hỏi dù đã cũ nhưng vẫn cần được đặt ra: Kinh tế tăng trưởng là điều đáng mừng nhưng trên thực tế liệu người dân có được hưởng những thành quả mà sự tăng trưởng này mang lại?