Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong bối cảnh động lực tăng trưởng truyền thống đang dần cạn kiệt, kinh tế số có thể trở thành động lực tăng trưởng mới quan trọng.
Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh lần 6 diễn ra trong các ngày 23 - 24/11, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đây được coi là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh mới nhất hiện nay.
Các chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo |
Đây là một trong các hoạt động thường niên và năm 2023 này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 150 bài nghiên cứu từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, và giảng viên tới từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Cộng hoà Séc, Canada, Pháp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Vương quốc Anh. Thông qua đánh giá chặt chẽ về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, hơn 80 bài đã được lựa chọn để trình bày trong 22 phiên thảo luận đồng thời ở đa dạng các lĩnh vực như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, marketing, khoa học công nghệ và kinh tế vi mô. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách chia sẻ những phát kiến mới nhất và xây dựng đối thoại về các nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện.
Hội thảo lần thứ 6 này có sự chia sẻ của 3 đại diện quốc tế gồm: Giáo sư Ippei Fujiwara, Đại học Quốc gia Úc với chủ đề “Xây dựng mô hình kinh tế Việt Nam”; Giáo sư Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng Phát triển châu Á với chủ đề “Fintech, tài chính toàn diện và nắm bắt kiến thức tài chính: Những điều chúng ta biết”; Giáo sư Roman Matousek, Đại học Queen Mary thuộc Đại học London với chủ đề “Sự mong manh của tài chính sau đại dịch COVID-19: Bài học từ các nền kinh tế phát triển.”
Đồng thời, có sự trao đổi, thảo luận của 3 diễn giả: TS Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Trao đổi kiến thức REK, Trường Đại học Thành Đô, Việt Nam; TS Dương Hải Long, Giám đốc mảng Khoa học Dữ liệu, Công ty FuturProof Technologies, Hoa Kỳ và PGS.TS Bình Bùi từ Đại học Macquarie, Úc phát biểu tại buổi thảo luận cấp cao với chủ đề “Kinh nghiệm và chiến lược trong việc đăng bài ở các tạp chí quốc tế uy tín”.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, các bài viết trong Hội thảo sẽ có cơ hội được đăng trong các tạp chí đối tác thuộc danh mục ISI và Scopus. "Chúng tôi sẽ có Ấn phẩm Đặc biệt cho hội thảo ở các tạp chí đối tác: Thái Lan và Kinh tế Thế giới (Scopus) và Tạp chí Kinh tế và Phát triển (xuất bản bởi Emerald). Đặc biệt, từ những hiểu biết sâu rộng của các diễn giả và các nhà nghiên cứu, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những kiến thức đây đủ hơn trong các vấn đề đương đại về kinh tế, quản trị, và kinh doanh..." - GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc Hội thảo |
Rủi ro tài chính gia tăng sau dịch bệnh COVID-19
Chia sẻ về bối cảnh kinh tế toàn cầu, GS. Roman Matousek, Đại học Queen Mary thuộc Đại học London (Vương quốc Anh) nhấn mạnh rằng, một kỷ nguyên đang được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng tài chính tái diễn mà các nhà kinh tế gọi là “những khoảnh khắc của Minsky”.
“Minsky moment” được đặt theo tên của nhà kinh tế học Hyman Minsky, đề cập đến sự kết thúc của một chu kỳ bùng nổ kinh tế và chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ kéo dài của nhiều quốc gia. Sự sụp đổ đột ngột của thị trường tài chính xảy ra trong giai đoạn nền kinh tế đang ngập trong nợ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 cũng được coi là một khoảnh khắc Minsky, được kích hoạt bởi vụ sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ. Tại thời điểm bước ngoặt đó, bất kỳ sự kiện gây bất ổn nào như lãi suất gia tăng có thể buộc các nhà đầu tư bán tháo tài sản để lấy tiền mặt trả nợ, từ đó kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên thị trường.
GS. Roman Matousek cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch COVID-19 dù khác nhau về nguồn gốc nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng gây ra sự bế tắc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Do COVID-19, thâm hụt của chính phủ đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Theo ghi nhận, nợ toàn cầu, bao gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình lên mức cao kỷ lục 307.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Cũng theo vị chuyên gia này, gánh nặng nợ chính phủ trung bình của các thị trường mới nổi và các nước thu nhập trung bình sẽ vượt mức 78% GDP vào năm 2028, so với mức chỉ hơn 53% một thập kỷ trước đó.
“Nhiều thị trường mới nổi nhỏ hơn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng khi họ phải vật lộn với tác động của lãi suất cao của Mỹ đối với tình hình tài chính vốn đã mong manh của mình”, ông Roman Matousek nêu rõ.
Trước khủng hoảng và các dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang gia tăng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, các ngân hàng đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, tỷ lệ nợ xấu cao. Lãi suất tăng cao cũng tăng gánh nặng nợ cho nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, kinh tế toàn cầu suy giảm và nền kinh tế Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Trong khi đó GS. Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ABDI) thì nhấn mạnh về việc fintech đang thay đổi nền tài chính theo những cách cơ bản, từ quản lý đầu tư đến huy động vốn cho đến chính hình thức tiền tệ. Công ty trong lĩnh vực fintech đã tháo dỡ các rào cản và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thách thức sự hiểu biết truyền thống về cách thức hoạt động của tài chính.
Việt Nam đẩy mạnh kinh tế số gia tăng năng suất lao động
Giới thiệu chuyên gia, diễn giả quốc tế tham dự Hội thảo |
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh lần thứ 6, các chuyên gia đánh giá kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp. Bởi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên, địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tăng 1 đồng sẽ kích thích các ngành khác của nền kinh tế tăng lên 0,3 đồng; nhóm ngành truyền thông và nội dung số tăng sản lượng một đồng, kích thích các ngành khác tăng sản lượng 0,39 đồng; sản lượng nhóm ngành dịch vụ công nghệ thông tin tăng một đồng làm tăng sản lượng các ngành khác 0,28 đồng.
Các chuyên gia nhận định, kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số ngày càng dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định, nếu không, dù được trang bị công nghệ tối tân đến đâu, trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể tăng được năng suất lao động, hiệu quả lao động.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dân số Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong phân bố tuổi với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Dự báo, năm 2035 - 2037, Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ, nếu người dân không được trang bị kiến thức và làm việc trong môi trường số với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì khi bước vào già hóa dân số sẽ thiếu lao động trầm trọng, tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Dịp này, GS.TS Tô Thành Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Tại Hội thảo, nhiều diễn giả, chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về kinh tế số và nhận thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp". Và, "Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt", ông Trung nhấn mạnh./.