Kiểm soát rủi ro, ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

N.Tân| 10/11/2022 14:09

Mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh, trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới đây, không ít các doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tái cơ cấu trái phiếu đến hạn.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu kém lạc quan, hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế, đã có sự dịch chuyển dòng vốn ở một số ngân hàng từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sang cho vay lĩnh vực khác.

Nằm trong nhóm ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hiện sở hữu 43.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm gần 12% so với quý trước và giảm mạnh đến 43,3% so với mức 76.800 tỉ đồng trái phiếu hồi cuối quí 1-2022.

Tương tự tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), báo cáo tài chính mới nhất cho thấy giá trị trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng này sở hữu đã giảm từ mức 27.589 tỉ đồng cuối quý 1 xuống còn 23.274 tỉ đồng khi kết thúc quí 2 và tiếp tục giảm còn 22.300 tỉ đồng cuối quí 3. Như vậy, so với quý đầu năm, TPBank đã giảm hơn 19% giá trị trái phiếu nắm giữ.

Một ngân hàng khác cũng ghi nhận biến động rõ nét trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank). Giá trị danh mục trái phiếu doanh nghiệp sở hữu tính đến cuối quí 3-2022 giảm 46,6% kể từ đầu năm. Số dư trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của HDBank là 5.400 tỉ đồng, chỉ chiếm hơn 1% tổng tài sản.

Việc các ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm này không quá khó hiểu. Bởi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp những tháng cuối năm đặc biệt tăng cao khi Tết Nguyên đán lại khá sát với Tết Dương lịch, trong khi đó room tín dụng hiện không còn nhiều. Vì vậy, muốn có dư địa để cho vay ra thì ngân hàng ắt sẽ phải giảm bớt nguồn tín dụng vào trái phiếu.

Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian trước đây phần lớn là dưới hình thức riêng lẻ, thiếu xếp hạng tín nhiệm, báo cáo tài chính kém minh bạch…

Mặc dù các khoản đầu tư của ngân hàng đều được thẩm định kỹ lưỡng nhưng trong bối cảnh nhiều biến động, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, nguy cơ trả nợ cũng có vấn đề nên ngân hàng chỉ giảm bớt lượng trái phiếu sở hữu, giảm bớt rủi ro. Nhất là với trái phiếu doanh nghiệp đã đến hạn thanh toán, ngân hàng cũng tìm cách thu hồi nợ, đảm bảo hạn chế nguy cơ gia tăng nợ xấu, ổn định sức khỏe của ngân hàng.

Trong báo cáo về triển vọng thị trường trái phiếu, FiinRatings đánh giá rủi ro của tín dụng trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng hiện nay là rất thấp. Dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9-2022 đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021.

Trong số đó, nếu không tính các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỉ đồng và các nhà phát hành bất động sản là 455.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30-6-2022. FiinRatings nhận định, mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng.

Nguồn: FiinRatings

Theo TTXVN

Bài liên quan
  • 8 nhiệm vụ của ngành Ngân hàng triển khai chiến lược kinh tế số
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 1887/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát rủi ro, ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO