Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023?

Nhĩ Anh| 19/04/2023 09:21

Trong bối cảnh tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái”, xung đột tại Ukraine tiếp diễn..., tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn...

Ngày 18/4, trường Đại học Thương mại đã tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2022 với chủ đề “Cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam”.

Đây là báo cáo nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm và là báo cáo lần thứ 5 nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua, trong đó nhấn mạnh vào những vấn đề nổi bật trong năm và đề xuất các chính sách liên quan.

Về triển vọng năm 2023, Báo cáo cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực do tăng trưởng của của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái” khi nhiều quốc gia buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với hàng loạt vấn đề phát sinh khác như gián đoạn chuỗi cung ứng, đà tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất…

Trong nước, áp lực lạm phát đối với nền kinh tế vẫn rất lớn do độ trễ của gói phục hồi và dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát ở một số quốc gia chưa bền vững. Rủi ro với doanh nghiệp vẫn gia tăng trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài giảm, dòng tiền dần cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Ở kịch bản cơ sở, Báo cáo nhận định đây là kịch bản dễ xảy ra nhất với dự báo kinh tế thế giới triển vọng lạc quan, xung đột Nga – Ukraina hạ nhiệt và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các tác thương mại lớn của Việt Nam gây ra ít ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 có thể đạt 6,56% và mức lạm phát bình quân của năm khoảng 3,35%.

Ở kịch bản cao, Báo cáo giả định kinh tế thế giới diễn biến tích cực hơn dự báo của các tổ chức quốc tế, từ đó, tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của kịch bản này có thể đạt 7,02% và lạm phát bình quân của năm khoảng 4,12%.

Ở kịch bản thấp, nhóm nghiên cứu dự báo tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6,12% do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; sự suy suy giảm mạnh của các nền kinh tế lớn cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục dai dẳng, gia tăng áp lực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023? - Ảnh 1

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2022 - Cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do GS.TS Đinh Văn Sơn chủ biên cùng với các nhà khoa học trong và ngoài trường thực hiện.

Báo cáo được kết cấu gồm 4 phần chính:

Phần 1: Tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022, trong đó nêu bật bức tranh toàn cảnh và những nét nổi bật về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam.

Phần 2: Thương mại Việt Nam 2022, đánh giá về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, thị trường và chủ thể tham gia thương mại; phương thức, loại hình và nhượng quyền thương mại; phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mặt hàng, thị trường, chính sách quản lý và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.

Phần 3: Thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022, trình bày bối cảnh thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam như sự trỗi dậy của Trung quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ucraina và các lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, phần này tập trung phân tích thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam như Thương mại và đầu tư quốc tế; Thị trường tài chính tiền tệ; Cấu trúc ngành và liên ngành kinh tế; Cấu trúc vùng kinh tế; Hệ sinh thái số và xã hội số và vấn đề an ninh lương thực.

Phần 4: Dự báo kinh tế, thương mại và hàm ý chính sách cho Việt Nam năm 2023.

Trên phân tích, đánh giá thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam những năm qua, cũng như xu hướng của nền kinh tế, biến động về chính trị thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam, phần này của báo cáo đã đưa ra những dự báo về kinh tế, thương mại và một số hàm ý chính sách áp dụng cho Việt Nam năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài liên quan
  • PAPI 2022: Phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế
    Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" (PAPI) năm 2022 được công bố ngày 12/4 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của dịch COVID-19. Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; xếp thứ 2 là Bình Dương với 47,4488 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO