Không vì sợ lạm phát mà thắt chặt chính sách

TS. Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS| 06/07/2022 20:30

Khác với thế giới, diễn biến tình hình kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy chưa có dấu hiệu của tình trạng đình lạm (đình trệ lạm phát). Vì vậy, không nên thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát như hầu hết các nước phát triển và một số nước đang phát triển đã thực hiện. Thay vào đó, phải kiểm soát tốt các bất ổn tài chính, tiền tệ, bảo đảm hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được diễn ra thông suốt.

Áp lực chỉ số giá của Việt Nam khác thế giới

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tăng mạnh chủ yếu do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, chứ không đến từ yếu tố tiền tệ như lạm phát các năm 2007-2008 và 2011-2012. Về phía cầu tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi thận trọng của tiêu dùng trong nước và chưa đủ sức tạo áp lực làm tăng mạnh chỉ số giá tiêu dùng.

Đây là hai biểu hiện cho thấy điểm khác biệt rất lớn giữa biến động  của Việt Nam so với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Theo đó, chỉ số giá của Việt Nam tăng do giá năng lượng và một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng; trong khi các nước đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, hệ quả của chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để ứng phó với đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh sau khi bình thường mới nền kinh tế, giá cả năng lượng và lương thực, thực phẩm tăng cao do xung đột quân sự Nga-Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài.

Do khác biệt như vậy, nên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam cần được đặt trong cân đối hàng hóa - tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các chính sách tiền tệ và tài khóa phải hướng được dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Do áp lực chi phí sản xuất tăng hiện nay đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên cần tránh thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì nếu tăng lãi suất, chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ tăng theo, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng đồng thời khiến cho các thông điệp về chính sách của Chính phủ đối với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế trở nên không rõ ràng (tăng lãi suất nhưng lại triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%).

Chính phủ đã có thời gian dài duy trì được tỷ lệ lạm phát ở mức thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao hàng năm, từ đó đã tạo được niềm tin trong công chúng về mục tiêu và khả năng kiểm soát lạm phát tốt hơn giai đoạn 2007-2008 và 2011-2012. Điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục duy trì và củng cố niềm tin của công chúng về khả năng can thiệp của Chính phủ để ổn định giá trị của đồng tiền. Nếu doanh nghiệp và người dân lo ngại tỷ lệ lạm phát vượt quá khả năng kiểm soát của Chính phủ thì kỳ vọng lạm phát sẽ chuyển từ vùng thấp sang vùng cao, tạo ra vòng xoáy tiền lương và lạm phát, góp phần làm lạm phát tăng và gây ra khó khăn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần tăng cường công tác truyền thông về mục tiêu và các biện pháp của Chính phủ đối với công tác điều hành giá, điều hành chính sách tiền tệ để tạo ra sự đồng thuận trong công chúng.

Cần chủ động theo dõi, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là ở các khâu trung gian, tránh để tái diễn tình trạng như giá thịt lợn năm 2020, đồng thời tăng cường công tác dự báo, chủ động ứng phó với các cú sốc về phía cung như thiên tai, dịch bệnh có thể khiến cho sản lượng sản xuất bị thu hẹp, thiếu hụt hàng hóa mang tính chất cục bộ lan ra phạm vi rộng. Cần tăng cường công tác dự trữ quốc gia và can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường khi cần thiết.

Ưu tiên lớn nhất là hỗ trợ DN phục hồi

Tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao so với các năm trước cho thấy tín hiệu nền kinh tế đang tiếp đà phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý III do nền của quý III năm ngoái thấp. Tuy nhiên, nếu đặt trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua là tăng trưởng bình quân 6,5-7% thì khả năng cao khó đạt được mục tiêu (trừ trường hợp đặt riêng năm 2021 như đã làm với năm 2020 của giai đoạn 2016-2020).

Trong tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2022, động lực đến chủ yếu từ hoạt động công nghiệp, đặc biệt là chế biến chế tạo. Tuy nhiên trong quý III, động lực này sẽ bị ảnh hưởng do chi phí nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao, do đó cần đẩy mạnh ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch (đón khách quốc tế) để san sẻ gánh nặng cho khu vực công nghiệp.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tiến triển trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 nhưng phải nhìn nhận thấu đáo số liệu này vì các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (và các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) sẽ cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm tùy vào từng ngành nghề và điều kiện thị trường mới có thể đạt mức công suất dự kiến.

So với CPI thì chỉ số giá sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng trong sản xuất đều tăng cao hơn nhiều (lần lượt là 5,11% và 6,38%). Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới một số ngành sử dụng nguồn năng lượng này, nên cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía Nhà nước và gián tiếp tới các chủ thể kinh tế. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó đồng ý với phương án giảm về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ đối với các loại nhiên liệu này. Để chủ động ứng phó với khả năng giá xăng dầu còn tiếp tục tăng, cần chủ động xây dựng phương án để trình ra Quốc hội giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện ảnh hưởng vòng hai của giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển chưa lớn, nhưng sẽ mạnh hơn trong hai quý cuối năm. Nếu ảnh hưởng vòng hai đủ lớn, áp lực lạm phát vào quý IV sẽ lớn, nhưng tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm khả năng cao vẫn nằm trong mục tiêu không quá 4%. Nhìn chung, giá lương thực thực phẩm tại Việt Nam chưa tăng cao như nhiều quốc gia khác do chúng ta chủ động tốt về sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, giá điện hơn 3 năm nay chưa được điều chỉnh tăng. Đây là cơ sở tốt để trong ngắn hạn có thể giảm thiểu được tác động của biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác do Nhà nước kiểm soát giá tới đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trung hạn trở đi, (đặc biệt là sang năm 2024), đây là các yếu tố được dự báo sẽ tạo ra áp lực đối với công tác điều hành giá của Chính phủ.

So với thời kỳ trước đây (2007-2008 và 2011-2012), hệ thống tổ chức tín dụng đã có sự cải thiện trong công tác quản trị doanh nghiệp và kiểm soát rủi ro tín dụng, nguồn vốn đã được gia tăng (ngoại trừ các tổ chức tín dụng yếu kém phải thực hiện phương án cơ cấu lại). Vì vậy, không nên quá lo ngại việc duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay sẽ gây ra rủi ro lớn cho hệ thống. Điểm thuận lợi nữa là thị trường cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản tăng mạnh (có tình trạng đầu cơ) trong hai năm 2020 và 2021 đã được điều chỉnh ngay từ trong quý I/2022, nên thời điểm hiện nay chưa phải là áp lực quá lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa. Ưu tiên nhất hiện nay đối với công tác điều hành là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Không vì sợ lạm phát mà thắt chặt chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO