Tin tức

IDS tổng kết hoạt động năm 2023 với nhiều kết quả tích cực

CVP 29/12/2023 07:28

Viện Chiến lược phát triển kinh tế số vừa tổng kết hoạt động năm 2023 với nhiều kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực, gồm hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; góp ý chiến lược chính sách, pháp luật; kết nối hợp tác và đầu tư; an sinh xã hội...

Cùng với việc bổ sung nhân sự, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, IDS tiếp tục thực hiện các hoạt động mũi nhọn gồm tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp ý xây dựng các chính sách có liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế số. Ngoài ra, hoạt động kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp… cũng được chú trọng thực hiện. Cũng trong năm 2023, IDS đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động an sinh xã hội để thực hiện những dự án có ý nghĩa với cộng đồng.

Trong năm 2023, hoạt động chuyên môn của IDS tập trung vào hai nhóm vấn đề chính, gồm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật để ứng dụng khoa học – công nghệ vào chuyển đổi số nền kinh tế.

ids-dong-chu-tri.png
IDS đồng chủ trì tổ chức tọa đàm khoa học “Tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia”

Tháng 5/2023, IDS phối hợp cùng Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, báo Sài Gòn giải phóng tổ chức tọa đàm khoa học “Tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia” nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia. Tham dự tọa đàm có nhiều ĐBQH, đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, fintech và viễn thông. Các nội dung thảo luận tại tọa đàm liên quan đến chính sách, pháp luật ứng dụng công nghệ mới trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

hoi-thao-khoa-hoc.jpg
Ban lãnh đạo IDS chủ trì hội thảo nghiệm thu đề tài khoa học về “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”

Viện đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp. Hội thảo khoa học lần 1 đã được tổ chức đầu tháng 7/2023 tại TP.HCM; hội thảo lần 2 tổ chức online vào tháng 9/2023.

hydrogen.jpg
IDS chủ trì toạ đàm khoa học “Năng lượng mới [Hydrogen/Ammonia xanh] - Xu hướng toàn cầu và Triển vọng ngành kinh tế mới của Việt Nam”

Trong tháng 9/2023, tại Hà Nội, Viện tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Năng lượng mới [Hydrogen/Ammonia xanh] - Xu hướng toàn cầu và Triển vọng ngành kinh tế mới của Việt Nam”. Tham gia tọa đàm có đại diện các cơ quan hoạch định chính sách của Quốc hội, Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số tập đoàn năng lượng, dầu khí, hóa chất, khoáng sản Nhà nước và tư nhân trong nước; một số tập đoàn năng lượng tái tạo quốc tế; các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Với sự tham gia của các đại biểu thuộc mọi thành phần trong nền kinh tế, chủ đề của toạ đàm đã được bàn thảo dưới nhiều góc độ đa dạng như trình độ công nghệ, xu hướng thu hút đầu tư hydrogen xanh của các quốc gia trên thế giới; kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phát triển ngành kinh tế mới này tại Việt Nam…

dong-nai.jpg
TS. Trần Văn – Viện trưởng IDS dẫn đầu đoàn công tác kết nối đầu tư tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cũng trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu về Hydrogen/Ammonia xanh, cuối tháng 9, IDS đã tổ chức hoạt động kết nối đầu tư trong lĩnh vực này tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 ban lãnh đạo IDS cũng tích cực tham gia nhiều sự kiện do các cơ quan, đơn vị tổ chức, nhằm góp ý hoàn thiện, sửa đổi các cơ chế, chính sách có liên quan đến chuyển đổi số trong nền kinh tế.

nhnn.jpg
Lãnh đạo IDS phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Đầu tháng 8, Viện tham gia hội thảo về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại TP.HCM. Tại hội thảo, lãnh đạo IDS có bài tham luận về quy định ứng dụng công nghệ mới, ngân hàng số, ngân hàng internet, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cuối tháng 8, lãnh đạo IDS tham gia trình bày tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do báo Sài Gòn giải phóng tổ chức trước thềm Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2023 do UBND TP.HCM chủ trì.

Giữa tháng 10, Hội đồng Khoa học Viện tham gia chủ trì “Diễn đàn doanh nghiệp VACOD-Bến Tre về hỗ trợ phát triển bền vững” do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam tổ chức.

dh-dai-nam.jpg
TS. Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng khoa học và TS. Hoàng Văn Ninh – Phó Viện trưởng IDS tham gia hội thảo quốc tế do Trường ĐH Đại Nam tổ chức

Cuối tháng 11, lãnh đạo Viện tham gia chủ trì hội thảo quốc tế “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam” do Trường Đại học Đại Nam tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp fintech.

Giữa tháng 12, lãnh đạo IDS có tham luận về chuyển đổi số quốc gia tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức tại Hà Nội.

Với các hoạt động chuyên môn trong năm 2023, có thể khẳng định IDS tiếp tục tập trung nghiên cứu về chuyển đổi số nền kinh tế theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều bài báo có nội dung khoa học được viết và đăng trên các tập chí chuyên ngành và các tờ báo có uy tín của Trung ương và địa phương.

diem-truong-vuot-lu.jpg
IDS kết nối và đồng khởi xướng chương trình thiện nguyện xây dựng điểm trường vượt lũ tại tỉnh Hà Tĩnh

Ngoài hoạt động chuyên môn và kết nối hợp tác đầu tư, IDS đã trở thành cầu nối để khởi xướng hoạt động an sinh xã hội nhằm mang lại những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Cụ thể là phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, báo Tuổi Trẻ, Ví điện tử Momo, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM, tham gia cuộc vận động tài trợ “Điểm trường vượt lũ” cho Hà Tĩnh. Với quy mô xây dựng 30 điểm trường và 60 căn nhà tình thương, chương trình đã hỗ trợ hiệu quả và thiết thực cho học sinh vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai lũ lụt ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh.

Dự kiến trong năm 2024, IDS tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và thúc đẩy việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan đến chuyển đổi số. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu về chuyển đổi số nền kinh tế và có các công trình, bài viết tương ứng với các chuyên đề nghiên cứu trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.

picture1.jpg
Góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số quốc gia, ngành và lĩnh vực tiếp tục là hoạt động mũi nhọn của IDS

Nghiên cứu, đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung một số dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV có liên quan đến nội dung chuyển đổi số quốc gia, ngành và lĩnh vực.

Tiếp tục tham gia góp ý, xây dựng Luật các Tổ chức tín dụng và Nghị định hướng dẫn liên quan nhằm thúc đẩy sớm hình thành khung khổ pháp lý cho việc thành lập và triển khai ngân hàng số nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp, dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

picture3.jpg
IDS tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và DN fintech nói riêng kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước, với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành để hoạch định chiến lược, chính sách

Trong năm 2024, IDS dự kiến tổ chức một số hội nghị/ hội thảo/tọa đàm khoa học, sự kiện chuyên đề liên quan đến một số chủ đề như: số hoá hoạt động bán lẻ; vai trò của cơ sở dữ liệu người dùng đối với hoạt động của các công ty fintech; phủ sóng thanh toán không dùng tiền mặt tại một số địa phương, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người theo chiến lược phát triển tài chính bao trùm… và những vấn đề khác mà các doanh nghiệp fintech quan tâm thúc đẩy. Ví dụ các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bao gồm cả các hoạt động liên quan bảo hiểm, quản lý tài sản, tài chính cá nhân, đầu tư chứng khoán…

Hỗ trợ cộng đồng fintech kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động fintech, với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành để tăng cường phối hợp hoạch định chiến lược chung cho hoạt động của fintech trong tương lai.

picture2.jpg
Các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học mới sẽ được IDS xúc tiến triển khai trong năm 2024

Ngoài các đề tài khoa học đang trong quá trình nghiên cứu, IDS hướng tới việc thực hiện một số nghiên cứu định lượng để ước tính giá trị kinh tế mà hoạt động của cộng đồng fintech tạo ra hoặc giúp tiết kiệm cho nền kinh tế; những đóng góp cụ thể của cộng đồng fintech trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

CVP


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
IDS tổng kết hoạt động năm 2023 với nhiều kết quả tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO