Gia cố động lực tăng trưởng kinh tế từ thị trường nội địa

Ngọc Khanh| 02/11/2022 21:03

Trong 3 quý đầu năm, thị trường nội địa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Để kinh tế bứt tốc trong quý cuối năm và củng cố nền tảng cho năm 2023, các giải pháp điều hành cần tập trung vào việc hỗ trợ tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Các động lực bên ngoài giảm tốc rõ rệt

Tại Bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2022 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, WB đánh giá trong mức tăng trưởng GDP kỷ lục của Việt Nam quý III/2022 (đạt 13,7% so cùng kỳ năm trước), khu vực dịch vụ đã đóng góp lớn và hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng tốt trong quý cuối năm. Cụ thể, ngành dịch vụ đạt tăng trưởng cao nhất ở mức 18,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,5 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng GDP quý III. WB cũng lưu ý, ngoài tiêu dùng nội địa thì một số ngành sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại đáng kể từ đầu quý III trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn.

Cụ thể, đối với khu vực sản xuất, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp quý III đạt mức tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số nhóm hàng thế mạnh của doanh nghiệp trong nước đã có dấu hiệu chậm lại từ đầu quý III, như may mặc, đồ gỗ nội thất, thép, phân bón, trong khi ngành xơ sợi đã chậm lại từ quý II và vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

gia co dong luc tang truong o thi truong noi dia
Cần tập trung vào việc hỗ trợ tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất của các doanh nghiệp trong nước

Đối với xuất khẩu, kim ngạch quý III cũng chậm lại so với quý II. Xu hướng giảm tốc của xuất khẩu đang rõ nét hơn qua số liệu mới cập nhật của Tổng cục Hải quan. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng trong tháng 9/2022 đều suy giảm so với tháng trước, trong đó ghi nhận xu hướng giảm mạnh ở hầu hết các nhóm hàng có kim ngạch lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện… Kim ngạch sụt giảm ở các nhóm mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất nhiều (hàng may mặc giảm 31,9%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ giảm 21%...); và cả nhóm hàng do doanh nghiệp FDI sản xuất chiếm đa số (như điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 7,7%). Tốc độ xuất khẩu chậm lại rõ đối với các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN; trong khi thị trường Trung Quốc trong quý III vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Về vốn đầu tư nước ngoài, cả vốn giải ngân và đăng ký tăng thêm trong quý III đều giảm so với quý trước. Cụ thể, vốn giải ngân giảm 4,8% trong khi vốn đăng ký tăng thêm của các dự án hiện hữu giảm hơn 40%. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng hạn chế mở rộng kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện nhiều biến số khó lường. Dự báo trong bối cảnh biến động mạnh của các đồng tiền mạnh trên thế giới, rủi ro tỷ giá và lãi suất sẽ còn ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2022.

Trước tình hình đó, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá: “Các động lực tăng trưởng từ bên ngoài đang giảm tốc rõ rệt hơn. Bối cảnh đó buộc chúng ta phải củng cố lại các động lực từ thị trường nội địa, vì đây mới là các yếu tố mà chúng ta có thể chủ động cải thiện được”.

Cần chính sách tài khóa chia lửa nhiều hơn

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng tiêu dùng nội địa sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ nay cho đến hết tháng 1/2023. Sức mua trên thị trường chuyển biến tích cực do tâm lý người tiêu dùng không còn căng thẳng vì dịch Covid-19 nên sẽ tập trung ăn Tết, chơi Tết bù cho các năm trước. Ngoài ra, Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch cũng là một động lực kích thích sức mua trong những tháng tới. Năm nay, sức tiêu thụ của người dân tăng cao so với cùng kỳ 2 năm trước bởi các thành phố lớn đều đang phục hồi tốt sau đại dịch.

Mặc dù vậy, nếu xét về quy mô thì sức mua trên thị trường nội địa vẫn chưa thể quay trở lại như mức trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Trong báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ gửi Quốc hội, 9 tháng năm 2022, sức mua thị trường trong nước được khôi phục trở lại nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp. Việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn do sau một thời gian dịch bệnh, thu nhập của người dân bị giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc phục hồi hoạt động dẫn đến phục hồi tiêu dùng cũng rất khó.

Trong khi người dân vẫn còn nhiều e ngại và tâm lý tiết kiệm còn rất lớn trước những rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra, thì lạm phát vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất có thể kéo lùi sự phục hồi sức mua trong 2 tháng cuối năm và giai đoạn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Bởi theo WB, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng từ 2,9% trong tháng 8 lên 3,9% trong tháng 9, mặc dù dịch vụ vận tải không còn là yếu tố chính gây ra lạm phát do giá xăng dầu đã giảm. Ngược lại, CPI trong tháng tăng chủ yếu do tác động vòng 2 của giá xăng dầu đã rõ nét hơn. Bên cạnh đó, giá cả trong một số lĩnh vực đang tăng lên, như dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giá thuê nhà… Lạm phát giá lương thực thực phẩm cũng bắt đầu tăng trong tháng 9 và dự báo tiếp tục tăng trong 3 tháng tới do yếu tố mùa vụ.

NHNN đánh giá lạm phát hiện thấp hơn mục tiêu nhưng xu hướng tăng lạm phát đã hình thành và áp lực thời gian tới khá lớn. Bối cảnh thực tế cho thấy, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng tiếp tục tạo sức ép lớn lên kinh tế vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Lạm phát cũng sẽ làm gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân.

Các chuyên gia đánh giá, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước; góp phần định hình và neo giữ kỳ vọng lạm phát, hướng tới việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Lúc này, trong điều kiện nền kinh tế chưa hồi phục đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ yếu đi, chính sách tài khóa cần chủ động phát huy vai trò hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh này, chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước khuyến nghị, việc đầu tiên cần làm là đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Theo báo cáo của Chính phủ, sau 9 tháng triển khai mới giải ngân được hơn 61.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của chương trình, cho thấy tốc độ thực hiện rất chậm chạp.

Bên cạnh đó, ông Phước lưu ý, thị trường vốn nước ta (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh, cũng làm giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và đẩy gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế lên vai hệ thống ngân hàng. Vì vậy, cần tạo ra một thị trường thông suốt, công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Gia cố động lực tăng trưởng kinh tế từ thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO