Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, không riêng ở Việt Nam mà tại hầu hết các thị trường khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả các trung tâm hàng đầu như Indonesia, Thái Lan, trong năm 2024 không ghi nhận thêm kỳ lân nào...
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có trên 3.800 công ty khởi nghiệp (startup), trong đó có 4 kỳ lân (công ty được định giá trên 1 tỷ USD), bao gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis. Số lượng các startup tăng đều đặn qua các năm, song để một công ty đạt giá trị trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam không phải điều dễ dàng.
Trong 3 năm trở lại đây, khi dòng vốn sụt giảm liên tục, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Việt Nam hiện chưa ghi nhận thêm kỳ lân mới kể từ khoảng tháng 12/2021.
Ghi nhận dữ liệu do DealStreetAsia tổng hợp nửa đầu năm 2024, bức tranh đầu tư hệ sinh thái khu vực Đông Nam Á nhìn chung không có nhiều tín hiệu lạc quan. Tài trợ vốn mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 2,29 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 - mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Số lượng giao dịch cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 340 trong giai đoạn này.
Dòng vốn “lao dốc”, đặc biệt khan hiếm các vòng đầu tư giai đoạn cuối, khiến tình trạng “khan hiếm” kỳ lân diễn ra tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Theo số liệu cập nhật đến đầu tháng 10 của Tracxn, trong năm 2024 Malaysia chưa ghi nhận thêm kỳ lân mới. Quốc gia này hiện có hơn 17,6 nghìn công ty khởi nghiệp, trong đó có 2 startup đạt định giá trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Philippines, thị trường hiện có hơn 9 nghìn công ty khởi nghiệp với 3 kỳ lân, trong năm nay cũng không có thêm bất kỳ công ty khởi nghiệp kỳ lân mới nào. Kỳ lân mới nhất của Philippines là Voyager Innovations chính thức tham gia danh sách vào khoảng tháng 4/2022. Thái Lan có hơn 10,3 nghìn công ty khởi nghiệp, trong đó danh sách kỳ lân chỉ có 4 cái tên. Đến thời điểm này, tình hình kỳ lân tại Thái Lan và Indonesia cũng ảm đạm tương tự.
Thị trường duy nhất xuất hiện thêm kỳ lân tính đến thời điểm này trong năm 2024 là Singapore. Tháng 9/2024, Singapore chính thức đón chào thêm một kỳ lân mới, đó là Công ty thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn Silicon Box, sau khi công ty này huy động thành công 220 triệu USD sau vòng gọi vốn Series B. Hiện nay, Singapore đang có hơn 34,3 nghìn công ty khởi nghiệp, trong đó có 28 startup đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Kết quả này đã giúp Singapore dẫn đầu về số lượng kỳ lân trong khu vực Đông Nam Á, bỏ xa hàng loạt các quốc gia trong khu vực.
Riêng tại Việt Nam, theo Tracxn, tổng vốn tài trợ cho các startup công nghệ trong nửa đầu năm 2024 đã giảm đến 52,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có xu hướng tài trợ khởi nghiệp giai đoạn đầu thay vì triển khai vốn cho các vòng Series B trở đi trong 6 tháng đầu năm 2021. Tình hình này cho thấy khả năng xuất hiện thêm kỳ lân trong năm nay tại Việt Nam không mấy khả quan.
Cách đây 3 năm, năm 2024 từng là thời điểm hoàng kim của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi, tổng vốn đầu tư mạo hiểm thậm chí chạm trần (1,4 tỷ USD). Số lượng các startup cũng vì thế tăng nhanh và 2 kỳ lân đã ra đời trong cùng một năm (Sky Mavis và MoMo).
Sky Mavis chính thức trở thành kỳ lân vào ngày 5/10/2021 sau khi huy động tài trợ thành công vòng Series B trị giá 152 triệu USD. Sau đó, cuối tháng 12/2021, MoMo cũng chính thức trở thành kỳ lân sau khi huy động được vòng tài trợ Series E trị giá 200 triệu USD, nâng định giá công ty lên 2 tỷ USD.
Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2019, sau khi được rót 300 triệu USD – mức đầu tư cao kỷ lục thời điểm đó từ GIC và Softbank, VNPAY đã chính thức trở thành kỳ lân thứ hai của Việt Nam.
Nhận định về tình trạng khan hiếm kỳ lân hiện nay của Việt Nam, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư mạo hiểm VinVentures, khẳng định: “Việc không xuất hiện thêm kỳ lân không chứng tỏ thị trường đang chững lại. Việt Nam không thiếu những startup tiệm cận kỳ lân, chỉ là cần thêm thời gian để ươm tạo. Nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, khan hiếm nguồn vốn, việc các startups Việt Nam có thể hoạt động ổn định, giữ nguyên định giá đã là một thành công trong thời điểm này”.
Trên thực tế, thời gian để một startup chạm định giá 1 tỷ USD thường mất ít nhất 5 năm, trong khi đó thực tế thị trường khởi nghiệp Việt Nam mới chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2019. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ cần thêm vài năm tới để đón thế hệ kỳ lân tiếp theo.
Theo dự đoán của bà Lê Hàn Tuệ Lâm, trong tình hình khó đoán như hiện nay, thị trường có thể sẽ còn khó khăn thêm trong một vài năm tới, có thể phải mất 3 - 5 năm Việt Nam mới đón thêm kỳ lân mới. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chỉ trong 1-2 năm tiếp theo, những startup có hoạt động bứt phá sẽ ghi danh kỳ lân thứ 5, thứ 6 trong danh sách kỳ lân của Việt Nam.
Hiện nay, fintech đang là “mảnh đất” tạo ra nhiều kỳ lân nhất của Việt Nam (một nửa số kỳ lân thuộc lĩnh vực fintech), đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực luôn hút nhiều vốn đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tài nguyên cơ hội của các lĩnh vực khác còn rất nhiều. Để một công ty Việt Nam đạt giá trị 1 tỷ USD là không dễ, trong khi lĩnh vực fintech đã có hai cái tên dẫn đầu, các kỳ lân mới có khả năng sẽ rải đều trong những lĩnh vực khác, bao gồm Edtech, công nghệ vận tải...
Báo cáo của Tracxn 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận các công ty trong lĩnh vực công nghệ vận tải và logistics chứng kiến mức tăng vốn đầu tư lên tới 940%, từ 3 triệu USD nửa đầu năm 2023 lên 31,2 triệu USD nửa đầu năm 2024. Lĩnh vực EdTech cũng ghi nhận mức tăng 280% về vốn đầu tư, từ 2,5 triệu USD lên 9,52 triệu USD.
Đạt định giá cao luôn là mục tiêu của bất kỳ công ty khởi nghiệp nào. Tuy nhiên, đôi khi con số “1 tỷ USD” có thể chỉ phản ánh “danh hiệu” của một startup. Nghiên cứu tại Stanford đã chỉ ra rằng kỳ lân ở Thung lũng Silicon có thể được định giá quá cao hơn 51% so với giá trị thực của chúng.
Crunchbase báo cáo thêm rằng nhiều kỳ lân xuất hiện vào năm 2021 thường đã tự điều chỉnh nội bộ định giá. Do vậy, định giá có thể là cột mốc mục tiêu, song điều quan trọng là các doanh nghiệp cần một mô hình hoạt động bền vững, tập trung vào chất lượng sản phẩm thay vì cạnh tranh về giá và dòng tiền gọi vốn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam