“Trên sổ sách không còn ghi nhận hiện tượng sở hữu chéo nhưng chỉ cần thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã thấy bóng dáng doanh nghiệp liên quan tới ngân hàng thương mại. Cần một câu trả lời xác đáng cho nghịch lý này”, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế tài chính trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Sở hữu chéo có còn hay không?
KTSG: Thưa ông, thông tin được đưa ra trên nghị trường Quốc hội đầu tháng 6-2023 chưa khiến dư luận yên lòng. Thậm chí, có ý kiến còn chỉ thẳng, có hiện tượng ngân hàng đứng sau doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về những thông tin trên? Theo ông, bản chất vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang nằm ở đâu?
– Ông Bùi Kiến Thành: Trước hết phải hiểu sở hữu chéo là gì? Đó là hiện tượng một doanh nghiệp sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp khác tại cùng một thời điểm một cách trực tiếp (ví dụ công ty A nắm giữ 25% cổ phần của công ty B, trong khi công ty B nắm 10% cổ phần của công ty A); hoặc gián tiếp khi nhiều công ty có quyền sở hữu chung cổ phần của một công ty và bản thân các công ty đó cũng trực tiếp sở hữu cổ phần của nhau tạo nên một mạng lưới phức tạp mà vẫn thường được ví von như ma trận.
Dù vậy, có phải cứ xảy ra sở hữu chéo thì đều là xấu hay không? Thực ra, hiện tượng này có mặt trong nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, ở các nước phát triển, gần như không xảy ra tình trạng sở hữu chéo gây ảnh hưởng tới quyết định của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay gây nên nhiều lo ngại bởi nguy cơ lãnh đạo doanh nghiệp có quan hệ sở hữu chéo với ngân hàng thương mại muốn lạm dụng các quyền cổ đông để điều hướng dòng tín dụng, sử dụng nguồn vốn huy động cho lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân. Vì vậy, tại nghị trường Quốc hội, có vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về hiện tượng đằng sau ngân hàng có bóng dáng của đại gia doanh nghiệp.
Dư luận về mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện từ lâu. Dư nợ bất động sản hiện đang chiếm chừng 21% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, chưa kể dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vậy nên, nếu có việc sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản, đó sẽ là một vấn đề cần sớm xử lý dứt điểm.
Tiếp theo, chúng ta cần nhìn thẳng vào căn nguyên của thực trạng này. Xét từ góc độ lịch sử, năm 1990, Việt Nam chỉ có bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Tới những năm 1997-1998, số lượng ngân hàng thương mại Việt Nam lên tới 56 ngân hàng, số lượng kỷ lục cho tới thời điểm này. Tới năm 2006, số lượng ngân hàng thương mại của Việt Nam giảm xuống còn 37. Sự gia tăng về số lượng cùng với yêu cầu mở rộng quy mô vốn tối thiểu đã dẫn đến việc hình thành cấu trúc sở hữu chéo giữa ngân hàng – doanh nghiệp và ngân hàng – ngân hàng.
Chẳng hạn, trong hai năm 2005-2007, trên dưới 10 ngân hàng địa phương được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại. Trước khi chuyển đổi, vốn điều lệ của mỗi ngân hàng này vào khoảng 200-500 tỉ đồng. Tuy nhiên, Nghị định 10/2011/NĐ-CP ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, theo đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần, mức vốn là 3.000 tỉ đồng.
Kết quả là các ngân hàng thuộc nhóm này buộc phải tăng rất nhanh mức vốn pháp định trong một thời gian ngắn, dựa vào việc góp vốn của các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân mà bản thân các cổ đông dự kiến này cũng phải đi vay các ngân hàng khác, dẫn đến sở hữu chéo.
Đáng nói, mối nguy tiềm ẩn từ việc sở hữu chéo đã không được nhận diện và xử lý sớm. Năm 2008, ba ngân hàng thương mại là Bảo Việt, Tiên Phong và Liên Việt được cấp giấy phép thành lập. Cổ đông sáng lập của các ngân hàng này hầu hết đều là các tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa một phần.
Tới năm 2013, bắt đầu có những động thái kiên quyết dẹp vấn nạn sở hữu chéo, đáng chú ý là việc nhận diện sáu cặp sở hữu chéo. Dựa trên cơ sở này, các cặp sở hữu chéo dần bị loại trừ và tới thời điểm hiện tại, như phát biểu mới đây từ phía các cơ quan quản lý, trên giấy tờ sổ sách đã không ghi nhận trường hợp sở hữu chéo nào.
Còn trên thực tế thì sao?
Theo quy định hiện hành, ngân hàng thương mại phải công bố thông tin về tổ chức, cá nhân, nhóm có liên quan nắm giữ từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Cũng có quy định cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng thương mại. Vì thế, tỷ lệ sở hữu tối đa thường được lựa chọn là 4,99%, đồng nghĩa cá nhân đó không thuộc diện công bố thông tin.
Bên cạnh đó, giấy tờ, sổ sách không thể ghi nhận hiện tượng sở hữu chéo khi các cá nhân có liên quan tới ban lãnh đạo của doanh nghiệp nắm giữ cổ phần của ngân hàng chính là chủ sở hữu một số lượng lớn cổ phần khác của ngân hàng. Độ vênh với thực tế có thể xảy ra vì những lý do như vậy.
KTSG: Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được góp ý xây dựng đã đưa ra những biện pháp kỹ thuật để hóa giải vấn nạn sở hữu chéo như giảm lượng cổ phần sở hữu của cổ đông là cá nhân xuống 3%, cổ đông là tổ chức xuống 10%, nhóm cổ đông và người liên quan xuống 15%, đưa ra hạn mức tín dụng với những cổ đông, doanh nghiệp liên quan tới cổ đông, bao gồm cả việc sở hữu trái phiếu doanh nghiệp… Theo ông, đây có phải là cách tiếp cận đúng hướng? Xin ông đưa ra một vài gợi ý về vấn đề này.
– Các nước trên thế giới đều ngăn chặn những mặt tiêu cực của sở hữu chéo bằng các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, Đạo luật Cấm độc quyền tư nhân và duy trì thương mại công bằng năm 1947 cấm các ngân hàng mua hoặc nắm giữ quyền biểu quyết quá 5% cổ phần tại một doanh nghiệp khác, trong trường hợp đó là công ty bảo hiểm thì giới hạn là không quá 10%.
Tại Pháp, cả việc nắm giữ cổ phần và thực hiện quyền sở hữu giữa hai công ty cổ phần đều bị giới hạn ở mức 10%. Tại Đức, ngân hàng nắm giữ trên 5% quyền biểu quyết của công ty niêm yết hoặc tham gia nhóm phát hành cổ phiếu cho công ty niêm yết phải thông báo cho khách hàng cách thức ngân hàng thực hiện quyền biểu quyết.
Chúng ta có thể thấy, tại các nước phát triển, song song với việc hạn chế số lượng cổ phiếu mà cá nhân, tổ chức được quyền sở hữu, việc thực hiện quyền cổ đông, quyền biểu quyết cũng bị giới hạn. Tương tự, tại Mỹ, vấn đề xung đột lợi ích (conflict of interest) được kiểm soát rất chặt chẽ.
Một vị lãnh đạo ngân hàng sẽ không được quyền hay thực hiện quyền cổ đông ở doanh nghiệp có mối quan hệ với ngân hàng đó, hoặc là vị đó phải bán cổ phần, hoặc là vị đó ủy thác cổ phần cho những công ty quản lý quỹ độc lập. Đây là điểm mà trong vấn đề làm luật, Việt Nam cần lưu ý.
Dù vậy, tôi cho rằng, những hệ lụy đang tồn tại có nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc giám sát sự thực thi pháp luật trong ngăn chặn sở hữu chéo. Sự liên quan giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đang rất rõ ràng, tại sao trên sổ sách lại không ghi nhận?
Tất nhiên, không nên vội chụp mũ một cách chủ quan mà những người có chức năng phải xem xét cụ thể liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, có xung đột giữa lợi ích ngân hàng và doanh nghiệp không, các hợp đồng vay của các doanh nghiệp liên quan ngân hàng bao gồm những gì, chất lượng các hợp đồng vay đó ra sao…
Tóm lại, các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan tới vấn đề sở hữu chéo tương đối tiệm cận với thế giới, trong quá trình thực thi, nếu thiếu có thể tham khảo, trình Chính phủ và Quốc hội bổ sung.
Quan trọng là những người có chức năng có áp dụng chặt chẽ các quy định hiện hành để nghiên cứu, phát hiện và xử lý các mối quan hệ sở hữu chéo phức tạp, có nguy cơ gây rủi ro cho từng ngân hàng thương mại, gây ra sự rung lắc không đáng có cho toàn hệ thống hay không? Những người không thực hiện nghiêm túc phần việc thuộc trách nhiệm của mình thì phải suy nghĩ xem anh đang ngồi ở vị trí được giao phó để làm gì?
Nếu phát hiện sở hữu chéo trá hình…
KTSG: Chúng ta buộc phải xử lý dứt điểm vấn nạn sở hữu chéo gây ra các hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Đồng thời, sự ổn định tiên quyết của hệ thống ngân hàng thương mại phải được đảm bảo. Theo ông, việc thực hiện cùng lúc hai mục tiêu có phải là một thách thức lớn hay không?
– Cần phải khẳng định, giải quyết vấn đề sở hữu chéo sẽ giúp cho từng ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung hoạt động ổn định hơn. Thế nhưng, để làm được điều này, phải biết cách giải quyết vấn đề sao cho ổn thỏa, chữa bệnh phải chọn đúng bác sĩ, bốc thuốc phải đúng bệnh trạng.
Nghĩa là, đầu tiên, hãy xác định các hình thức sở hữu chéo không thể hiện trên sổ sách, đánh giá mức độ nguy hại cho sự ổn định chung, từ đó, lập thời gian biểu và thứ tự các nhiệm vụ cần thực hiện.
Chẳng hạn, dư luận về mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện từ lâu. Dư nợ bất động sản hiện đang chiếm chừng 21% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, chưa kể dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vậy nên, nếu có việc sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản, đó sẽ là một vấn đề cần sớm xử lý dứt điểm.
Xác định như vậy, tự bản thân mỗi ngân hàng thương mại phải nghiên cứu các khoản vay của doanh nghiệp bất động sản tại ngân hàng thương mại, rủi ro của các khoản vay đó như thế nào và báo cáo trung thực với cơ quan giám sát tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Cơ quan này, một mặt xem xét đánh giá mức độ rủi ro của các khoản vay được báo cáo, mặt khác xem xét cơ cấu sở hữu, mối liên hệ giữa ngân hàng cho vay và doanh nghiệp bất động sản. Trong trường hợp phát hiện sở hữu chéo trá hình, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Song song với đó, đánh giá mối liên hệ phụ thuộc giữa hai chủ thể về mặt tín dụng, đưa ra các phương án cơ cấu các khoản vay, đáo hạn các hợp đồng vay… và tổ chức cho các bên ngồi lại với nhau để thống nhất phương án với ưu tiên lớn nhất là bảo đảm hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại.
Quan trọng không kém là không trì hoãn, viện cớ để không áp dụng các biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật với những hành vi sai trái của cá nhân, tổ chức liên quan để loại trừ những khối ung nhọt có thể gây ra căn bệnh nguy hiểm, di căn tới các bộ phận khác của một cơ thể tín dụng rộng lớn. Những ai vi phạm pháp luật, có tình trạng sức khỏe yếu kém thì không nên tiếp tục tồn tại.
Không thể hiểu kinh tế thị trường theo cách tự phát, tự do để rồi lâm vào tình trạng nhiều ngân hàng yếu kém. Nếu trên một xa lộ người chạy bên trái cũng được, chạy bên phải cũng được thì sẽ xảy ra tai nạn thôi.
KTSG: Thưa ông, để xử lý dứt điểm vấn nạn sở hữu chéo, để quản lý, điều tiết dòng tín dụng một cách chủ động, đủ liều lượng, đúng thời điểm cho từng doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung cùng phát triển, ông có gợi ý thêm điều gì cho các nhà quản lý?
– Thứ nhất là về nhân sự. Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát có đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao. Sự thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng giúp bảo đảm sự bền vững của hệ thống ngân hàng và buộc phải thừa nhận, ở khâu này, chúng ta chưa làm thật sự tốt.
Thứ hai, chúng ta nên thúc đẩy thực hiện việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Yêu cầu công bố thông tin để cá nhân, tổ chức, các tổ chức đánh giá xếp hạng có thể đánh giá được chất lượng tài sản, uy tín của ngân thương mại, một mặt tạo áp lực khiến họ không sa vào các hoạt động đầu tư rủi ro, mặt khác giúp khách hàng có lựa chọn hợp tác đúng đắn nhất.