Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam

PSG.TS Nguyễn Đình Thọ - ThS Lưu Lê Hương/ Viện Chiến lược chính| 29/04/2025 08:07

Chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững là xu hướng toàn cầu và là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong Kỷ nguyên mới. Hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã đạt được những kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ để tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững...

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1
Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 2

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò động lực chủ đạo cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây là cơ sở nền tảng để Việt Nam hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế ưu đãi và thúc đẩy sự liên kết hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện/trường, các tổ chức tài chính và cộng đồng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết, đồng thời thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp sáng tạo xanh, Việt Nam cần cải thiện đồng bộ các chính sách liên quan đến: đấu thầu và mua sắm công xanh; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị xanh; xây dựng và vận hành hiệu quả các quỹ đầu tư bền vững; đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, từ người dân đến các nhà hoạch định chính sách. Khởi nghiệp sáng tạo bền vững chính là chìa khóa để Việt Nam khai mở tiềm năng nội tại, vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế tri thức toàn cầu và thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021, là văn kiện nền tảng xác lập định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững và bao trùm, nhấn mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết Net Zero.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 3

Chiến lược xác định vai trò quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh và giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là nền tảng pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và mô hình sản xuất - tiêu dùng bền vững. Luật lần đầu tiên đưa vào quy định về kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia quản lý sản phẩm sau sử dụng, thúc đẩy tái chế và giảm thiểu chất thải. Các quy định trong luật cũng yêu cầu tích hợp tiêu chí môi trường trong quy trình thẩm định đầu tư, đấu thầu công, mua sắm công và cấp phép môi trường.

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, tư vấn, đào tạo, và kết nối mạng lưới. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được xác định là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng đột phá, tạo tác động tích cực đến nền kinh tế và xã hội thông qua các giải pháp mới.

Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2025” đã góp phần hình thành nền tảng kết nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp: nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ. Đề án đã hỗ trợ thành lập mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm ươm tạo và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ tài chính, tư vấn pháp lý, đào tạo và truyền thông cho cộng đồng startup đổi mới sáng tạo, trong đó có các doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực tiếp cận các công nghệ mới như AI, IoT, dữ liệu lớn. Chiến lược đề cao vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong việc ứng dụng các công nghệ mới để giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế số. Khởi nghiệp công nghệ được kỳ vọng trở thành động lực quan trọng giúp Việt Nam đi tắt đón đầu trong quá trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, xác định trí tuệ nhân tạo là công nghệ đột phá có thể hỗ trợ giải quyết các thách thức lớn như quản lý tài nguyên, cảnh báo thiên tai, tối ưu hóa hệ thống năng lượng và giao thông thông minh. Khởi nghiệp AI trong lĩnh vực môi trường và năng lượng xanh được thúc đẩy thông qua ưu tiên đầu tư, đào tạo và hợp tác quốc tế.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 4

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ vai trò trung tâm của đổi mới sáng tạo trong mô hình phát triển mới. Nghị quyết số 57 thúc đẩy chính sách ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển xanh, bền vững và chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư công cho nghiên cứu, nâng cao năng lực hạ tầng số và cải cách thể chế là những trụ cột cốt lõi mà Nghị quyết nhấn mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết số 57 là văn bản quan trọng, mang tính chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và đặt nền tảng cho sự chuyển mình của toàn bộ nền kinh tế theo hướng bền vững, bao gồm việc tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển xanh.

Nghị quyết nhấn mạnh vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc phát triển các mô hình kinh tế bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nghị quyết số 57 yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận đối với khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, khởi nghiệp công nghệ sạch và thân thiện với môi trường.

Nghị quyết khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, và giảm phát thải khí nhà kính. Những mô hình được kỳ vọng tạo ra giá trị kinh tế và góp phần lớn vào việc thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết số 57 đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là những doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, và sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc gia trong tương lai.

Nghị quyết thúc đẩy hợp tác công tư và sự tham gia của cộng đồng trong các sáng kiến đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường; đồng thời, kêu gọi các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và các tổ chức xã hội cùng hợp tác xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ xanh, và đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) các sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Nhờ những định hướng và chỉ đạo rõ ràng từ Nghị quyết số 57, Việt Nam có thể tiếp cận những cơ hội lớn trong việc cải cách các ngành công nghiệp truyền thống, từ đó tạo ra các nền tảng bền vững cho khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các chính sách này để phát triển các sản phẩm công nghệ xanh, cải thiện quy trình sản xuất, và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế về hàng hóa và dịch vụ bền vững.

Với sự quyết tâm từ Nghị quyết số 57, Việt Nam sẽ không chỉ đạt được các mục tiêu phát triển xanh mà còn khẳng định vai trò của mình trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế số và nền kinh tế bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.

Các nghị quyết, chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tạo thành hệ thống đồng bộ nhằm định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Sự liên kết giữa chính sách pháp luật, tài chính, đào tạo, nghiên cứu và thị trường là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, có khả năng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh và chuyển đổi mô hình phát triển quốc gia.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 5

Để khuyến khích và phát triển khởi nghiệp xanh tại Việt Nam, việc cải thiện các chính sách có liên quan là rất cần thiết. Các cơ chế hiện tại có thể giúp doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp xanh phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời tạo ra những đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh của quốc gia.

Một là, cải thiện quy định về đấu thầu và mua sắm công xanh. Quy định về đấu thầu và mua sắm công là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy các hoạt động bền vững trong nền kinh tế.

Để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh tham gia vào các dự án công, cần thiết phải có những hướng dẫn chi tiết về mua sắm công bền vững trong từng lĩnh vực như xây dựng, công nghệ, nông nghiệp... Ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong quá trình đấu thầu công thông qua các điểm cộng kỹ thuật và các tiêu chí về hồ sơ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp này có thêm cơ hội tham gia vào các dự án công lớn.

Để thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả, cần thiết lập cơ sở dữ liệu sản phẩm xanh quốc gia, đồng thời tích hợp vào hệ thống đấu thầu điện tử (e-GP) hiện có. Những mô hình thí điểm mua sắm công xanh tại các cấp tỉnh hoặc thành phố cũng là cách để tạo ra những sáng kiến điển hình, từ đó nhân rộng ra toàn quốc.

Hai là, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp lớn và startup xanh. Yếu tố quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xanh là sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và các startup. Doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ startup trong việc cung cấp tài chính, hạ tầng và mạng lưới khách hàng, trong khi startup có thể cung cấp những giải pháp sáng tạo, thân thiện với môi trường.

Chính phủ có thể triển khai chương trình Tăng tốc hợp tác xanh (Green Acceleration Program) để kết nối doanh nghiệp lớn với các startup xanh, đồng thời ưu đãi thuế hoặc tín dụng cho những doanh nghiệp lớn có hoạt động đầu tư hoặc hợp tác với startup trong lĩnh vực này. Nền tảng mở “Green Open Innovation” cần được xây dựng để chia sẻ các bài toán thực tế và tìm kiếm giải pháp sáng tạo từ các startup. Thành lập các hội đồng cố vấn doanh nghiệp vì đổi mới xanh sẽ tạo ra những chiến lược dài hạn hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong việc áp dụng các giải pháp xanh trong hoạt động của mình.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 6

Ba là, hình thành và vận hành hiệu quả Quỹ đầu tư bền vững. Quỹ đầu tư bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các startup trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo xanh. Chính phủ cần sử dụng Quỹ Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam (Green Innovation Fund) với sự tham gia của cả Nhà nước và các tổ chức tư nhân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm cần thiết lập các tiêu chí ESG (Environmental, Social, Governance) để đảm bảo rằng các khoản đầu tư không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Việt Nam cũng có thể tận dụng nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như UNDP, GCF, ADB để hỗ trợ các startup trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp sinh thái, và xử lý chất thải, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Bốn là, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển thị trường tiêu dùng xanh. Yếu tố quan trọng trong phát triển khởi nghiệp xanh là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tiêu dùng xanh và khởi nghiệp vì khí hậu. Chính phủ có thể triển khai các chiến dịch truyền thông quốc gia để khuyến khích tiêu dùng xanh và phát triển các mô hình khởi nghiệp bền vững. Giáo dục về khởi nghiệp bền vững cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp trung học và đại học, giúp sinh viên nắm bắt được các xu hướng mới về khởi nghiệp và các giải pháp bảo vệ môi trường.

Nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho sản phẩm xanh (GreenEcom) giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo xanh, như hackathon, giải pháp tuần hoàn, và năng lượng tái tạo, cũng sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy các sáng kiến sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp.

Năm là, hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Thể chế và cơ chế pháp lý liên quan đến khởi nghiệp xanh vẫn chưa đủ mạnh mẽ và rõ ràng. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, cần rà soát và sửa đổi các quy định pháp lý theo hướng khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và xử lý chất thải.

Chính phủ cần ban hành cơ chế pháp lý rõ ràng để đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Các cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các startup trong lĩnh vực này cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nhân lực, và hạ tầng chất lượng cao.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 7

Sáu là, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Để hỗ trợ sự phát triển của khởi nghiệp xanh, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững là rất quan trọng. Chính phủ có thể thiết lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo ở các vùng và địa phương.

Mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp, viện/trường, nhà nước, và các quỹ đầu tư cần được tăng cường để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, từ đó giúp các startup có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hợp tác. Chính sách này sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp sáng tạo, đồng thời giúp thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Bảy là, thúc đẩy tài chính xanh và các công cụ thị trường. Để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, cần phát triển các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, và các quỹ đầu tư khởi nghiệp bền vững. Chính phủ có thể khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các sáng kiến khởi nghiệp thân thiện với môi trường bằng cách tạo ra các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, và tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh.

Thị trường tiêu dùng xanh cũng cần được phát triển để tăng cường nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Các chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của đổi mới sáng tạo xanh trong đời sống và sản xuất sẽ giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của khởi nghiệp xanh.

Tám là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác phát triển. Hội nhập quốc tế và hợp tác phát triển là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ xanh tiên tiến và học hỏi từ các mô hình khởi nghiệp bền vững thành công trên thế giới.

Chính phủ có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển để tiếp cận công nghệ xanh, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, và sản xuất bền vững. Cần thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số và khởi nghiệp xanh Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 8

Chín là, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào mô hình khởi nghiệp xanh. Tích hợp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động khởi nghiệp không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xanh phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với thị trường và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chuyển đổi xanh của quốc gia. Nhà nước cần thúc đẩy chuyển đổi số trong khởi nghiệp xanh thông qua việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng số, cung cấp các nền tảng công nghệ mở, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và blockchain nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng, quản lý dữ liệu môi trường và theo dõi tác động sinh thái.

Cần có chính sách trợ giá hoặc miễn giảm chi phí sử dụng các nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập trong lĩnh vực môi trường. Xây dựng hệ thống dữ liệu mở về môi trường và tài nguyên thiên nhiên là hết sức cần thiết, nhằm công khai các dữ liệu về chất lượng không khí, nước, đất, tài nguyên sinh thái và biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để các startup khai thác và phát triển các giải pháp số phục vụ phát triển bền vững, từ mô hình dự báo, cảnh báo sớm đến theo dõi khí thải, chất thải và chu trình tuần hoàn sản phẩm.

Cần thiết lập các nền tảng tương tác và vườn ươm ảo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp xanh từ giai đoạn ý tưởng đến thương mại hóa sản phẩm, thông qua các dịch vụ như cố vấn trực tuyến, gọi vốn cộng đồng, kết nối đầu tư, hỗ trợ pháp lý và đào tạo từ xa.

Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào vườn ươm cũng mang lại trải nghiệm mô phỏng mô hình kinh doanh và tương tác thị trường hiệu quả hơn. Chính phủ cần khuyến khích hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ xanh thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong sản xuất sạch hơn, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, sản phẩm sinh học và vật liệu xanh, với chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có tỷ lệ đầu tư R&D cao hoặc tiên phong trong ứng dụng công nghệ tuần hoàn, không phát thải.

Các viện nghiên cứu và trường đại học cần tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua mô hình ba bên giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp. Tăng cường an ninh mạng và đảm bảo dữ liệu bền vững là rất quan trọng. Cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ thông tin và quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình khởi nghiệp số, đồng thời đảm bảo dữ liệu môi trường và các sáng kiến xanh được lưu trữ và chia sẻ trên các nền tảng có tính minh bạch, khả năng kiểm chứng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Cải thiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh là một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh phát triển và tạo ra những cơ hội cho sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu.

Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam - Ảnh 9

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO