Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay xử lý các nguồn lây nhiễm mã độc, các phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật và sử dụng miễn phí tại khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022…
“Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trên diện rộng. Chiến dịch được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin; đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng, tổ chức tài chính…
Ngoài ra, “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” nhận được sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web, dịch vụ trung tâm dữ liệu; doanh nghiệp sản xuất phần mềm phòng, chống mã độc; doanh nghiệp an toàn thông tin mạng; và các doanh nghiệp nền tảng có nhiều người sử dụng.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, Chiến dịch năm nay hướng tới mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, duy trì một cách bền vững dựa trên kết quả đã đạt được của chiến dịch năm 2020 cho đến nay. Các phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép mọi người sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022
Đồng thời, “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Cục An toàn thông tin, trực tiếp là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia phát động chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam.
Nhiều đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, hiện nay, thư rác (spam) tăng lên không chỉ về số lượng mà còn về thủ thuật, cách thức và cả các xu hướng mới nhất mà tội phạm mạng sử dụng để giúp chúng hợp pháp hơn, mang tính khẩn cấp hơn – công thức hiệu quả để đánh lừa người dùng.
"Chi tiêu cho an ninh mạng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng vọt lên 460 tỷ USD trong những năm tới, gần gấp đôi chi tiêu tích lũy năm 2021 và gần bằng tổng GDP hiện tại của Thái Lan."
Ông Vitaly Kamluk, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) khu vực APAC.
Noushin Shabab, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Kaspersky cho biết, mối đe dọa thư rác ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong năm nay và nhận thấy tỷ lệ thư rác được phát hiện và ngăn chặn là 24%. Điều này có nghĩa, cứ bốn thư rác được gửi đi trên toàn cầu thì sẽ có một thư rác sẽ đến máy tính ở APAC.
Rõ ràng, thư rác độc hại không phải là hình thức tấn công phức tạp về mặt công nghệ, nhưng khi được thực hiện với các kỹ thuật xã hội tinh vi, chúng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Chuyên gia an ninh mạng Kaspersky cảnh báo, những thư rác này được gửi đi với số lượng lớn và tội phạm mạng có thể sẽ kiếm tiền từ tỷ lệ phần trăm nhỏ người nhận thực sự có phản hồi; hay thực hiện lừa đảo để lấy mật khẩu, số thẻ tín dụng, chi tiết tài khoản ngân hàng…; Thông thường là phát tán mã độc vào máy tính của người nhận.
Ví dụ gần đây nhất là tấn công có chủ đích (APT) “Sidewinder” sử dụng email độc hại để nhắm đến các đối tượng quan trọng ở APAC. Kể từ tháng 10/2021, Sidewinder đã sử dụng mã độc JS với các máy chủ C2 mới khởi tạo. Kẻ tấn công, còn được gọi là Rattlesnake hoặc T-APT4, tìm kiếm nạn nhân bằng các email lừa đảo trực tuyến có chứa các tệp RTF và OOXML độc hại.
Nhắm mục tiêu vào các cơ quan quân sự, quốc phòng, hành pháp, đối ngoại, hệ thống công nghệ thông tin và hàng không ở Trung và Nam Á, Sidewinder được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất được theo dõi trong khu vực APAC. Mục tiêu của APT là thông tin nhạy cảm; nạn nhân không chỉ là cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính hay công ty năng lượng lớn.
Ngoài ra, mối nguy hiểm chính của các cuộc tấn công APT là ngay cả khi chúng bị phát hiện và ngay lập tức bị loại bỏ, tin tặc vẫn có thể đã để mở nhiều cửa cho phép chúng quay lại bất kì lúc nào. Điều này làm tăng tầm quan trọng của việc bảo mật hộp thư – một “cửa” mà chúng thường khai thác để có được chỗ đứng trong mạng của tổ chức.
Ông Vitaly Kamluk, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) khu vực APAC nhận định, chi tiêu cho an ninh mạng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng vọt lên 460 tỷ USD trong những năm tới, gần gấp đôi chi tiêu tích lũy năm 2021 và gần bằng tổng GDP hiện tại của Thái Lan.
Chỉ tính riêng từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2022, Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn hơn 7,2 tỷ cuộc tấn công bởi các đối tượng độc hại bao gồm phần mềm độc hại và nội dung web độc hại trên toàn thế giới. APAC là khu vực dễ bị tấn công khi tỷ lệ đối tượng độc hại được phát hiện là 35%, so với toàn cầu. Trong đó, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia là năm quốc gia đứng đầu về nỗ lực lây nhiễm.