Sáu bất cập cần sửa đổi trong Luật Giao dịch điện tử 2005

Hoàng Lan| 20/09/2022 09:54

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã loại trừ, không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra bất cập này trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Bộ Thông tin truyền thông đánh giá phạm vi điều chỉnh của Luật Giao địch điện tử 2005  chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay.

Theo đó, bên cạnh lĩnh vực tài chính, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ. 

Riêng với lĩnh vực tài chính, Hiệp hội Ngân hàng từng đề xuất 9 nhóm vấn đề cần xem xét điều chỉnh trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi gồm: phạm vi điều chỉnh; quy định chữ ký điện tử và chứng thực điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; định danh và xác thực điện tử; dịch vụ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; tranh chấp và xử lý vi phạm; đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung khác.

Bất cập thứ 2 trong Luật Giao dịch điện tử 2005 là thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.

Thứ tư, các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Thứ năm, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.

Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…

Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Sáu bất cập cần sửa đổi trong Luật Giao dịch điện tử 2005
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO