Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp

Ngân Hà| 08/05/2023 09:05

Dù khái niệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, song 83% doanh nghiệp cho rằng thực hành ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp; 57% doanh nghiệp coi việc áp dụng ESG là cần thiết thay vì là áp lực tuân thủ quy định nhà nước...

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 1
Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 2

ESG là một khái niệm mới mẻ với nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Vậy, mức độ doanh nghiệp quan tâm và áp dụng ESG trong thực tế hiện nay như thế nào, thưa bà?

Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là một khái niệm tương đối mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Song, kể từ khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cũng như những chuyển dịch nhanh chóng của thị trường quốc tế theo xu hướng kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn, ESG đã và đang trở thành xu hướng chủ đạo và  ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát nhận thức của doanh nghiệp về ESG thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án USAID IPSC, hầu hết các doanh nghiệp đang tiên phong trong việc áp dụng ESG là các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu... do xuất phát nhu cầu từ các nhà đầu tư, từ thị trường và đối tác kinh doanh.

Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang dừng lại ở mức cân nhắc về việc chủ động triển khai ESG sớm. Mặc dù vậy, điều đáng mừng là 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ các quy định của Nhà nước. Những con số này phần nào phản ánh mức độ nhận thức và cam kết khá cao từ cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hành ESG.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng từ nhận thức đến thực thi, từ khâu lập kế hoạch đến khâu áp dụng và thực hiện tốt hiện nay vẫn có khoảng cách rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động bắt đầu ngay từ bây giờ, việc áp dụng ESG không chỉ dừng lại ở mức chạy theo những yêu cầu từ phía đối tác, thị trường, nhà đầu tư hay quy định của luật pháp, mà cần khai thác ESG để nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp trong thời gian tới.

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 3

Hiện nay có thực tế là ESG vẫn còn khá mới nên nhiều doanh nghiệp “tiên phong” thực hành ESG vẫn đang “mò mẫm” triển khai. Bà đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có các bộ công cụ phù hợp cho doanh nghiệp để đánh giá mức độ thực hành ESG, thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn hay mô hình kinh doanh bao trùm?

Tương tự như câu chuyện về chuyển đổi số, ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc trả lời các câu hỏi: khái niệm này là gì? tại sao phải áp dụng? làm như thế nào? bắt đầu từ đâu? Do đó, khi đối mặt với những khái niệm mới như ESG, doanh nghiệp Việt cũng không tránh khỏi những băn khoăn tương tự.

Hiện nay, việc nâng cao nhận thức về ESG bắt đầu được chú trọng, các kênh báo đài, truyền thông đã đưa thông tin nhiều hơn về ESG nói riêng và các xu hướng kinh doanh bền vững nói chung. Để có thể triển khai và áp dụng ESG một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải được cung cấp kiến thức và phương pháp cụ thể để có thể hiểu và thực hành hiệu quả. Một trong những cách thức đó là thông qua các bộ công cụ để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách dễ dàng và tự đánh giá, đo lường mức độ nhận thức và thực hành ESG trong doanh nghiệp, từ đó có thể xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động nhằm thay đổi, cải tiến, đổi mới mô hình kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn.

ESG là khái niệm về kinh doanh bền vững, có tính bao trùm cả 3 yếu tố về môi trường, xã hội, quản trị. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thực hành áp dụng một hoặc hai hoặc cả ba yếu tố ESG trong doanh nghiệp mà chúng ta còn có thể gọi là kinh doanh bao trùm (inclusive business), doanh nghiệp tạo kinh doanh tác động xã hội (social impact business), kinh doanh áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn (circular economy), sản xuất kinh doanh xanh…

Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể hay công cụ nào để đánh giá, đo lường các mô hình kinh doanh bền vững này. Vì vậy, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 (ban hành theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu xây dựng 10 bộ công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Việc xây dựng các bộ công cụ không chỉ đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đặc điểm và điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cần đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn và phương pháp luận thế giới đang áp dụng. Điều này là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt đã nhận thức và có những bước đi đầu tiên để áp dụng thực hành ESG, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 4

Theo hướng này, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ xây dựng bộ công cụ hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá trong thời gian tới như thế nào? Từ đó, Cục sẽ xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân ra sao, thưa bà?

Với vai trò là đơn vị cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động, sáng tạo nắm bắt các xu hướng kinh doanh mới, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Cục cũng được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao làm đầu mối hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 (ban hành theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Một trong những mục tiêu của chương trình là hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Để triển khai thực hiện Chương trình 167, hiện nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), Cục Phát triển doanh nghiệp đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng 3 bộ công cụ giúp doanh nghiệp đánh giá thực hành kinh doanh bền vững, gồm: Bộ công cụ đánh giá tổng quan về thực hành ESG; Bộ công cụ đánh giá về thực hành nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và Bộ công cụ đánh giá về thực hành kinh doanh bao trùm.

Theo dự kiến, các bộ công cụ này sẽ được hoàn thiện bước đầu vào quý 3 năm nay và sẽ được thí điểm, cũng như xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi được công bố và áp dụng rộng rãi. Các bộ công cụ này sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin doanh nghiệp (www.business.gov.vn), các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận một cách thuận lợi miễn phí. Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức theo diện rộng và cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho các doanh nghiệp có mức độ sẵn sàng thực hành ESG cao.

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 5

Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia ESG, theo bà, cần có chính sách gì để tạo động lực, khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp triển khai ESG?

Việt Nam đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững cũng như ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên hai trụ cột: (1) Thích ứng với biến đổi khí hậu, và (2) Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các-bon trong quá trình tăng trưởng, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa những mục tiêu và cam kết ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian qua, như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2023; Đề án quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn; Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Đây đều là những cơ sở pháp lý quan trọng để việc kinh doanh bền vững thực sự trở thành một động lực phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 quy định nhiều nội dung hỗ trợ mang tính toàn diện về tạo dựng hệ sinh thái (nâng cao nhận thức toàn xã hội, phát triển công cụ đo lường đánh giá, mạng lưới tư vấn viên…) và các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (tư vấn, đào tạo, công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tài chính…) từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài xã hội.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò vốn mồi, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam có những bước đi đầu tiên nhằm bắt nhịp với xu hướng phát triển mới và thực sự biến đây trở thành cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm được lợi thế trong xu hướng mới này.

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 6

VnEconomy 08/05/2023 07:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 08-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp - Ảnh 7
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Sắp đưa ra bộ công cụ đánh giá ESG tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO