Người dân vùng nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng chính thống

Lê Khánh| 29/11/2024 08:27

Các công ty Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn... đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các nhóm yếu thế.

“Bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện có hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và nhiều người trong số đó vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống.

Qua khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY), trong nhóm đối tượng “chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng”, thì 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.

Snapseed 5
Buổi công bố Báo cáo Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với tổ chức tín dụng.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả... đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế.

Trong báo cáo Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng vừa được công bố ngày 28/11 của EY đã chỉ ra nhiều lợi ích của Fintech đối với tài chính toàn diện.

Theo đó, Fintech giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ một cách đơn giản và thuận tiện. Các dịch vụ ví điện tử xuất hiện đã giúp cho người dùng, đặc biệt là người dùng ở khu vực nông thôn, thực hiện chuyển tiền, thanh toán hóa đơn một cách dễ dàng bằng hình thức trực tuyến.

Các công ty Fintech đang tận dụng mức độ bao phủ cao của điện thoại di động và internet để đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với công chúng; Đồng thời, "trao quyền" cho người dùng thông qua việc trang bị thêm kiến thức tài chính.

Không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng khi có sự hỗ trợ của Fintech.

Các giải pháp tài chính tích hợp trực tiếp vào các sản phẩm (đối soát giao dịch, ghi nhận hóa đơn…) giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tối ưu nguồn lực con người.

Từ thực tế này, ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Thường trực MoMo đánh giá, Fintech đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. FinTech đã giúp thu hẹp khoảng cách và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng tới người dân.

Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, không có tài sản thế chấp hoặc thiếu tài sản cố định đủ giá trị để thế chấp; hồ sơ tín dụng không đầy đủ hoặc không rõ ràng; quy trình thủ tục phức tạp và đòi hỏi nhiều giấy tờ… là những khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động từ ngân hàng.

Cần sự hợp tác giữa FinTech và các Ngân hàng

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tài chính toàn diện vẫn còn là chặng đường dài.

"Để tiến tới được một hệ sinh thái tài chính toàn diện ở mức độ sâu và rộng hơn nữa, cần sự nỗ lực phối hợp giữa các bên, trong đó sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech là đặc biệt quan trọng", bà Dương nhận định.

Theo bà Dương, để làm được này, nhóm nghiên cứu của EY đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng để khuyến khích đổi mới và quản lý rủi ro, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các thông lệ quốc tế.

Đồng thời, sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox, dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024; tiếp tục tạo cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hướng đến phân khúc khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ như chấm điểm tín dụng người dùng, cho vay ngang hàng và công nghệ bảo hiểm....

Snapseed 4
Theo thống kê Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, với vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, Thái Lan, và xếp thứ 14 trên thế giới.

Cùng đó, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ: như hạ tầng mạng để đảm bảo internet tốc độ cao, có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây bảo mật cho ngân hàng và công ty FinTech.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường phát triển cơ chế ngân hàng mở. Hoạt động ngân hàng mở góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính ngân hàng.

Điều này cũng mở ra cơ hội cá nhân hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính – ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng.

Đặc biệt, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống, công ty Fintech và các bên liên quan khác giúp hoạt động của ngân hàng hiệu quả hơn. Ngân hàng và Fintech nên hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh giáo dục về dịch vụ tài chính trên nền tảng số.

Bài liên quan
  • Dư địa 20 tỷ USD cho vay của FinTech Việt Nam
    Báo cáo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, hiện có khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đáp ứng, chủ yếu do thiếu tài sản đảm bảo và rủi ro tín dụng cao. FinTech đang góp phần giải quyết nhu cầu tín dụng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Người dân vùng nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng chính thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO