Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội yêu cầu cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhưng có vẻ như, cơ quan soạn thảo đang tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách mà chưa thật sự chú ý đến nhu cầu phát triển, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tại Phiên họp thứ 23, tháng 5.2023 đã yêu cầu “Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách liên quan đến số hóa dịch vụ ngân hàng tại dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động công nghệ tài chính (fintech), bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử và các luật khác cơ liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Kinh nghiệm phát triển ngân hàng số của các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự ưu việt của loại hình ngân hàng số khi chỉ hoạt động trên nền tảng internet, bằng điện thoại di động: tiện lợi, nhanh, chính xác, ít rủi ro, minh bạch, công bằng, chi phí thấp nhất… nhờ vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain… Những quy trình, thủ tục huy động, cho vay thay vì mất vài giờ, vài ngày, bây giờ có thể chỉ trong ít phút; quy trình thanh toán, chuyển tiền chỉ trong vài giây… Đặc biệt là giúp cho người dân, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, buôn bán lẻ vay những khoản tiền nhỏ kinh doanh hàng ngày, tránh được cạm bẫy của "tín dụng đen", dần giúp họ tiệm cận các dịch vụ ngân hàng chính thống.
Ví dụ, với Ngân hàng số Toss của Hàn Quốc, người sử dụng dịch vụ ngân hàng được hưởng nhiều trải nghiệm mới như: được nhận lãi suất tiền gửi không thời hạn 2%/năm với lãi suất được trả hàng ngày, hưởng lãi suất vay theo thời gian thực, lãi suất và số tiền vay được tối ưu hóa, quản lý tài chính cá nhân, đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân,… tất cả nhờ vào công nghệ tiên tiến trên một siêu ứng dụng di động (mobile super-app). Nhờ tiết kiệm chi phí do ứng dụng công nghệ tiên tiến nên với lãi suất cho vay tối đa là 4%/năm, ngay trong 9 tháng mới thành lập, Ngân hàng Toss đã chiếm 18% thị phần cho vay các đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ SOHO (Small Office, Home Office). Thời gian thủ tục cho vay rất nhanh, 5 phút online thay vì 5 ngày đi lại, không phải gặp cán bộ tín dụng, không cần giấy tờ, không cần tài sản bảo đảm… với định mức vay cao nhất tương đương khoảng 77 nghìn USD.
Vậy nên, trong 3 đột phá, thì đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là quan trong nhất. Chẳng thế mà trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, Quốc hội Khóa XV đặc biệt quan tâm sửa đổi, bổ sung nhiều luật thuộc lĩnh vực kinh tế để huy động nguồn lực, tạo những ngành, lĩnh vực đột phá mới nhằm hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi số của ngành ngân hàng hiện nay, đang đem lại những kết quả tích cực, thì ngân hàng số cần được xác định là một khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển ngành ngân hàng, phù hợp với chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính bao trùm cho mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, xứng đáng được quy định trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để Chính phủ có thể tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc áp dụng những thể chế đặc thù, vượt trội như cơ chế thử nghiệm, thí điểm để kiểm chứng mô hình, hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho ngân hàng số phát triển.
Pháp luật là lăng kính phản ánh sự phát triển của xã hội. Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là lăng kính để các tổ chức tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp fintech, tài chính… nhìn vào đó để thấy xu thế phát triển, đường đi, nước bước tiếp theo của doanh nghiệp mình. Mong rằng, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật hãy mở ra cơ hội, tầm nhìn để ngành công nghệ tài chính phát huy được tiềm năng, tâm thế phát triển mới trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này.