Loại bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp

Đức Ngọc| 09/01/2023 10:41

Theo thông lệ hàng năm, ngay từ đầu năm Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư rất chờ đợi Nghị quyết này để gỡ vướng các vấn đề chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiến trình cải cách đang chậm lại

Thông tin của Thời báo Ngân hàng, Dự thảo Nghị quyết 02 đang được lấy ý kiến và theo nhận xét của những người trong cuộc thì dự thảo này đã nhận diện được tình hình và đặt ra các mục tiêu cụ thể của năm 2023.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh - năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, từ năm 2020 đến nay, tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại. Thậm chí, dường như mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên. Vì thế, chúng ta cần quay trở lại thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý, tạo sự chủ động tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh.

loai bo dieu kien kinh doanh khong phu hop
Cần thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý, tạo sự chủ động tốt hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

Trong năm qua, một số bộ ngành đã đưa ra phương án cắt giảm các quy định liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo bà Thảo, trong số này chỉ có một số ít quy định cụ thể về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ ngành. Nhiều quy định thực chất là điều kiện kinh doanh, song lại được cơ quan quản lý xếp vào nhóm thủ tục về hành chính, vì vậy không thuộc diện phải cắt giảm. Hoặc đối với một số điều kiện kinh doanh gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động của doanh nghiệp thì việc tháo gỡ không mạnh tay, nên không thực sự có nhiều ý nghĩa. Qua khảo sát thực tế, bà Thảo cho hay các hiệp hội, ngành hàng cảm nhận sự bất an khi các rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn đang tạo gánh nặng tuân thủ rất lớn. Đặc biệt là các điều kiện liên quan tới vấn đề phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn, môi trường… Đây không phải là những vấn đề mới phát sinh, mà các doanh nghiệp đã phản ánh rất nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý lưu tâm.

Điển hình là quy định về vấn đề phòng cháy chữa cháy. Chuyên gia của CIEM nhìn nhận, hiện nay các quy định quản lý trong lĩnh vực này chưa phân loại mức độ rủi ro của cơ sở kinh doanh và mô hình sản xuất đối với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, mà áp dụng quy định chung cho tất cả các mô hình. Ví dụ quy định sơn bề mặt, sơn tường trong các cơ sở sản xuất phải hoàn toàn là sơn phòng cháy chữa cháy, trong khi thực tế không phải lĩnh vực nào cũng có rủi ro này, từ đó đã đẩy chi phí vận hành của các đơn vị sản xuất lên rất lớn.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đặt vấn đề, năm 2022 chúng ta đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là tăng năng suất lao động. Ông Việt cho rằng chỉ tiêu này có liên quan tới việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi nếu như các hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng chịu nhiều rủi ro và chi phí, thì hiệu quả kinh doanh, động lực kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh những rủi ro từ thị trường, thì rủi ro đến từ sự thay đổi không lường trước được của các chính sách cũng có tác động tiêu cực không kém.

Ông Việt lưu ý, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn phàn nàn rất nhiều về việc phải gánh các loại chi phí trung gian, như chi phí kiểm tra chuyên ngành, chi phí logistics, hay chi phí về tuân thủ các chính sách, chi phí không chính thức… “Tất cả những rủi ro và chi phí này bào mòn lợi nhuận, bào mòn động lực của doanh nghiệp trong phát triển bền vững và chính nó cũng là một yếu tố bào mòn năng suất lao động nói chung”, ông Việt nhấn mạnh.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh

Việc sớm ban hành và triển khai Nghị quyết 02 trong năm 2023 được kỳ vọng như một nguồn bổ sung bên cạnh các chính sách hỗ trợ nền kinh tế để tạo ra hiệu quả tốt hơn trong phục hồi phát triển kinh tế năm 2023. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết 02 đến cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

Theo cơ quan này, dự thảo đặt ra giải pháp: “Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và kiến nghị các phương án liên quan” là phù hợp nhưng chưa đủ mạnh. Bởi lẽ với quy định này thì Bộ KH-ĐT chỉ “kiến nghị các phương án liên quan” của các Bộ, thay vì trực tiếp đề nghị cắt bỏ, đơn giản hóa quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, nội dung này cũng chưa thể hiện được vai trò kiểm soát việc thêm, bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ KH-ĐT.

Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: “Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát để đưa ra khỏi hoặc thu hẹp phạm vi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

Cũng theo VCCI, thời gian qua tổ chức này nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp về những bất cập, vướng mắc của quy định liên quan đến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Những điểm vướng này đã gây khó khăn lớn, nhất là gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó VCCI cho rằng, việc đề xuất tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết.

Một lĩnh vực khác làm gia tăng chi phí hoạt động và tuân thủ của doanh nghiệp là quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa. Theo VCCI, lĩnh vực này cần được cải cách mạnh mẽ hơn bằng việc đặt ra các mục tiêu mang tính định lượng hơn để các bộ ngành triển khai, cũng như thuận lợi cho việc đánh giá kết quả đạt được sau này, thay vì chỉ định hướng chung như hiện nay.

Bài liên quan
  • Tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên
    Tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO