Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023

Ngọc Hải| 22/04/2023 16:47

VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng GDP phục hồi ở nửa cuối năm. Đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay chậm lại một phần là do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” của người tiêu dùng Mỹ giảm. Đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI ở Việt Nam có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm và sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi vào cuối năm nay.

Sản xuất đóng góp gần 1/4 GDP của Việt Nam và sản lượng giảm nhẹ trong quý I/2023 so với mức tăng trưởng 9% vào năm 2022 do hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.

kinh te viet nam se phuc hoi vao nua cuoi nam 2023

Ông Michael Kokalari cho rằng: "Điều đáng chú ý là tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Hồng Kông và Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam".

Cụ thể, theo ông Michael Kokalari, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 20%. Trong khi đó, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm.

"Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay (tăng trưởng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ của Mỹ ở mức hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022, hiện ở mức khoảng 10% và có vẻ như sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 0% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa cuối năm – điều này sẽ làm phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại cho các nhà máy FDI tại Việt Nam)", ông Michael Kokalari chia sẻ.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và người tiêu dùng vẫn duy trì niềm tin vững chắc bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh. Một phần trong đó là do số người có việc làm tăng hơn 2% so với cùng kỳ trong quý I, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số của cả nước và ước tính thu nhập tăng hơn 7% so với cùng kỳ, vượt xa con số lạm phát chỉ hơn 3%.

Ông Michael Kokalari cho rằng: "Lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng vọt lên hơn 60% so với mức trước COVID-19 trong quý I, mặc dù trên thực tế khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt quay trở lại Việt Nam - đó là một lý do khác khiến chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm".

Theo VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý I, buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, bao gồm cắt giảm thuế, chính sách tiền tệ và các biện pháp hành chính nhằm giảm bớt những khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản.

Mới đây, Bộ Tài chính Việt Nam đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế giá trị gia tăng của Việt Nam từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỷ đô la cho nền kinh tế 450 tỷ đô la của Việt Nam.

Chính phủ cũng đồng ý cho ngành Ngân hàng triển khai gói cho vay 120 nghìn tỷ để hỗ trợ phát triển hơn một triệu nhà ở xã hội mới và thành lập tổ nhóm công tác mới để xem xét và loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án.

Bên cạnh những bước cụ thể để thúc đẩy tăng tưởng, Chính phủ cũng đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính hiện đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cắt giảm thuế và cắt giảm lãi suất chính sách là những hành động cụ thể nhất mà Chính phủ đã làm để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng những biện pháp hành chính này có thể có tác động lớn hơn nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Michael Kokalari, phát triển bất động sản (chiếm gần 10% GDP của Việt Nam) về cơ bản đã bị đình trệ, phần lớn là do những khó khăn mà các công ty bất động sản đang gặp phải khi xin phê duyệt để tiến hành dự án.

Một số vấn đề cấp vi mô mà Chính phủ đang định hướng giải quyết bao gồm các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho các dự án bất động sản nhà ở, sự chậm trễ trong việc thẩm định giá trị đất đai để xác định tiền sử dụng đất/tiền chuyển đổi phải nộp cho Chính phủ.

"Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 với những lý do được đề cập bên dưới – mặc dù Chính phủ sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay", ông Michael Kokalari cho biết.

Cũng theo ông Michael Kokalari: "Thị trường chứng khoán thường tăng điểm trước khi kinh tế phục hồi, vì vậy quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, cùng với việc chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức định giá gần như thấp nhất trong 10 năm, làm cho đây là thời điểm tốt để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam theo quan điểm của VinaCapital".

VinaCapital kỳ vọng chính sách tiền tệ cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Ông Michael Kokalari cho biết: “Chúng tôi tin rằng mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng giảm 200 điểm cơ bản so với lãi suất của đầu năm nay (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung”.

NHNN gần đây đã cắt giảm lãi suất chính sách 50-100 điểm cơ bản và đã gây áp lực giảm lên lãi suất huy động dài hạn – vốn đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với đầu năm – nhưng để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ cần phải cải thiện đáng kể.

Trong vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam cao hơn tăng trưởng tiền gửi khoảng 3%. Điều này đã đẩy tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng lên mức quá cao, khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để tăng lượng tổng huy động. Chính phủ đang giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản bằng một số cách, trong đó quan trọng nhất là mua USD từ các ngân hàng thương mại để tăng dự trữ ngoại hối.

Vinacapital kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay, qua đó bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng một cách đáng kể, tư đó có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4%.

Vị chuyên gia này nhận định việc NHNN mua dự trữ ngoại hối, cùng với các biện pháp khác mà Chính phủ đang thực hiện để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng là những biện pháp nới lỏng tiền tệ quan trọng hơn so với chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng 3/2023.

Lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở Việt Nam đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và việc cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 3 sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất huy động giảm. Do đó, trong quý II và III sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn do phần lớn tiền gửi ở Việt Nam có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng. Người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn hoặc dùng số tiền đó đầu tư.

Bài liên quan
  • Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023?
    Trong bối cảnh tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái”, xung đột tại Ukraine tiếp diễn..., tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn...

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO