Gỡ điểm nghẽn, tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế

Nguyễn Lê| 03/05/2024 09:36

Kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Trong bối cảnh đó, tập trung gỡ điểm nghẽn, tăng cường năng lực nội sinh càng cần được quan tâm đúng mức hơn.

Nhiều năm nay, tiến độ ì ạch trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém luôn được đề cập tại nghị trường. Ảnh: Đức Thanh

Cần Quốc hội “ra tay”

Tại Kỳ họp thứ bảy, dự kiến khai mạc ngày 20/5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận cả ở tổ và hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024 tiếp tục là năm có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới có thể tạo ra các cơ hội thuận lợi mới cho Việt Nam để phát triển kinh tế. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Phản ứng chính sách kịp thời cũng là vấn đề được cả chuyên gia và đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chuẩn bị báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội phục vụ Kỳ họp thứ bảy.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu, Luật Bảo vệ môi trường và nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định cứ chuyển đổi 1 m2 đất rừng hay đất lúa sang mục đích khác là phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ông Thịnh cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ cần thiết khi dự án đó có nguy cơ gây hại cho môi trường, trong khi ở cấp xã thì xây dựng nhà văn hóa hay làm tuyến đường giao thông nông thôn, có khi chỉ lấy vài mét vuông đất lúa mà phải đánh giá tác động môi trường thì rất bất hợp lý.

“Cấp tỉnh thực hiện đánh giá tác động môi trường ít nhất phải mất 4 tháng và chi phí ít nhất khoảng 180 triệu đồng”, ông Thịnh nhấn mạnh. Theo ông, sự bất hợp lý này đã diễn ra hai năm qua mà chưa được giải quyết, do phản ứng chính sách quá chậm, nhưng “đó cũng chỉ là một trong muôn vàn ví dụ mà chúng ta phản ứng chính sách quá chậm mà thôi”.

Để gỡ “điểm nghẽn” này, vị đại biểu Bắc Giang cho rằng, cần tôn trọng nguyên tắc cơ bản trong quản trị, đó là không được để xung đột lợi ích. “Ví dụ, tôi kiến nghị lên cấp trên của tôi thì nên có cơ quan thứ ba đứng ra xem xét giải quyết, chứ không thể nào đợi chính cấp trên là người ban hành chính sách đó, quy định đó lại đứng ra giải quyết. Quốc hội nên có cơ quan thường trực để tiếp nhận những kiến nghị này và cho phép doanh nghiệp, người dân được phản ánh trực tiếp lên Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia đã nghỉ hưu cùng phản biện và kiến nghị để Chính phủ điều chỉnh ngay, nên mạnh dạn như vậy”, ông Thịnh đề xuất.

Nêu kinh nghiệm của nhiều nước có các cuộc thi để người dân chỉ ra các bất hợp lý trong quản trị các ngành, lĩnh vực, nếu ai có sáng kiến giải quyết thì sẽ được thưởng, ông Thịnh cho rằng, vai trò của Quốc hội là phải thiết kế ra thiết chế để xã hội tự thúc đẩy một cách bền vững, chứ không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của một ai đó. Như thế sẽ bớt đi chuyện kiến nghị hợp lý, nhưng mãi không sửa đổi chính sách.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, tình hình thế giới và trong nước có một số vấn đề cần được đánh giá đầy đủ hơn, để có nhận diện tình hình chính xác hơn, từ đó xác định giải pháp đúng và trúng cho các tháng còn lại của năm 2024, cũng như năm cuối giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

“Dù tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo “đi ngang” trong năm 2024, nhưng cũng có thuận lợi khi lạm phát giảm tương đối nhanh. Đây sẽ là một cơ sở để nhiều quốc gia xem xét giảm lãi suất, giúp giảm áp lực lãi suất và tỷ giá với các quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Lực nhìn nhận.

Tăng cường năng lực nội sinh, năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng là vấn đề trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, trong những tháng còn lại của năm 2024, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, để vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu.

Vấn đề cũng rất quan trọng được ông Thanh nhấn mạnh là, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân thông qua việc cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Gỡ điểm nghẽn ngân hàng yếu kém

Tại Dự thảo báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội phục vụ phiên họp toàn thể vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra 10 vấn đề cần được quan tâm, đánh giá kỹ hơn. Những đánh giá thẳng thắn này đã nhận được sự đồng tình của các ý kiến tại phiên họp. Theo đó, dự thảo báo cáo thẩm tra nêu rõ, chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả.

Cần phải nói thêm rằng, nhiều năm nay, tiến độ ì ạch trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém luôn được đề cập tại nghị trường trong sự sốt ruột của đại biểu Quốc hội.

Vào tháng 10/2023, đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, thông tin được đưa ra là đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank; đang chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại theo quy định.

Lúc đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Nay, tại báo cáo hoàn thành giữa tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo tờ trình của Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại SCB.

Thêm một lần, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn rất chậm. “Bên cạnh 4 ngân hàng mua bắt buộc, giờ thêm SCB, mỗi ngày đều phải nuôi mấy anh ốm yếu dặt dẹo này rất nhiều tiền, rất tốn kém”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên, chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế. Còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chưa thực sự phát triển. Đến cuối tháng 1/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,79% (tháng 12/2023 là 4,55%).

Bài liên quan
  • [Interactive]: Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 4/2024
    Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 43%; gần 53 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới...

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Gỡ điểm nghẽn, tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO