Công nghệ cũ và thắt lưng buộc bụng do đại dịch Covid-19 là một số thách thức mà Trung Quốc đã và đang phải đối mặt trong cuộc đua giành vị thế độc lập về công nghiệp bán dẫn.
Cuộc đua bán dẫn: Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh 'trúng đòn', châu Âu có chớp được cơ hội vàng? Ảnh minh họa. (Nguồn: Globaltimes) |
Theo Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế, Trung Quốc hiện là nước tiêu dùng chất bán dẫn hàng đầu thế giới, chiếm hơn 50% lượng tiêu thụ toàn cầu. Đây cũng là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ năm thế giới, sau Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Bắc Kinh từng nhiều lần nói về mục tiêu trở thành siêu cường về trí tuệ nhân tạo trong vài năm tới. Đương nhiên, Mỹ sẽ không bao giờ muốn chấp nhận một vị thế như vậy cho đối thủ hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại giữa “hai người khổng lồ” số 1 và số 2 thế giới ngày càng gia tăng.
Đó là một trong những lý do khiến Washington luôn đứng ngồi không yên, liên tục rà soát Danh sách đen và thẳng thừng ra đòn với những thực thể quan trọng của Trung Quốc, như Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) hay thị trường chip lớn nhất Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh. Như vậy có nghĩa là, các nhà sản xuất chip lớn của Mỹ như Nvidia và AMD buộc phải đối mặt với những hạn chế trong việc bán và xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Washington biện minh cho hành động này, với lý do lo ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng các chip tiên tiến mà họ nhận được từ Nvidia hay các công ty tương tự của Mỹ cho mục đích quân sự, điều này có thể gây rắc rối cho Mỹ trong tương lai.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, những hành động này thể hiện mức độ can thiệp chưa từng có của Nhà Trắng nhằm không chỉ duy trì quyền kiểm soát huyết mạch, mà còn bắt đầu chính sách mới, tích cực bóp nghẹt các phân khúc cao của ngành công nghệ Trung Quốc.
Trung Quốc đã đáp lại điều này bằng lệnh cấm xuất khẩu than chì - một khoáng chất quan trọng để sản xuất pin cho xe điện, đối với đối tác Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích đơn giản rằng: “Chính sách kiểm soát xuất khẩu than chì là sự điều chỉnh bình thường theo quy định của pháp luật, một số mặt hàng được đưa vào, trong khi một số mặt hàng khác được loại khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không nhắm vào bất kỳ quốc gia, khu vực hoặc ngành cụ thể nào. Trung Quốc luôn cam kết bảo vệ sự an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, đồng thời sẽ cấp giấy phép xuất khẩu tuân thủ các quy định liên quan”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng đang tập trung đẩy nhanh sản xuất chip trong nước nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, điều này không phải là không có những thách thức đáng kể. Dù trước “cái nhìn bất lực” từ Mỹ, một trong những công ty vốn đang bị trừng phạt là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, gần đây đã tìm cách cho ra đời một chiếc điện thoại thông minh mới, Mate 60 - sử dụng chip xử lý 7 nm.
Loại chip này được coi là có công nghệ rất tiên tiến - càng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng Trung Quốc vẫn đang cố gắng sản xuất những con chip tinh vi như thế nào, bất chấp các "đòn hiểm" do Mỹ tung ra.
Tuy nhiên, một thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất chip Trung Quốc hiện đang phải đối mặt là họ vẫn đang sử dụng công nghệ chế tạo chip cũ để sản xuất những con chip thế hệ mới, có tiêu chuẩn ngày càng phức tạp hơn. Mỹ đã thành công trong việc cắt đứt phần lớn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ sản xuất chip thế hệ mới của thế giới.
Việc sử dụng công nghệ cũ luôn làm tăng chi phí đáng kể, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC đang phải đội chi phí cao hơn khoảng 40% đến 50% so với các đối thủ khác, đặc biệt là các công ty Đài Loan (Trung Quốc). Vấn đề này đang tác động trực tiếp đến việc sản xuất các loại chip thế hệ mới 7 nm và 5 nm.
Chi phí sẽ tăng theo mỗi thế hệ chip mới. Mặc dù điều này được hỗ trợ đáng kể nhờ hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) ASML, nhưng Mỹ cũng đã gây áp lực buộc Hà Lan phải hạn chế Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chip.
Một vấn đề lớn khác với công nghệ chip cũ là năng suất thấp hơn, nên số lượng sản phẩm có thể sử dụng và bán được cũng ít hơn đáng kể so với công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, sau những khó khăn sau đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã phải tạm dừng một lượng tài trợ lớn đầu tư cho công nghiệp bán dẫn, để chi cho các khoản cấp bách hơn, chẳng hạn để triển khai các biện pháp kích thích cho các lĩnh vực được ưu tiên hơn.
Không kể một số vấn đề khác làm xói mòn nguồn tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển chip, từ đó gián tiếp làm chậm đáng kể quá trình sản xuất trong nước; Bắc Kinh cũngphải đối mặt với những rào cản về sở hữu trí tuệ, khi một số công nghệ sản xuất chip đã được các công ty quốc tế cấp bằng sáng chế và bảo vệ chặt chẽ.
Nền tảng phân tích và tranh luận về chiến lược, quốc phòng và đối ngoại War On The Rocks cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ cho ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ một nghìn tỷ Nhân dân tệ (0,13 nghìn tỷ Euro) thông qua vốn nhà nước như Quỹ đầu tư mạch tích hợp, mà còn dành cho nó ưu tiên chính trị cao, tập trung cả nỗ lực quản lý và nguồn lực thị trường để phát triển ngành công nghiệp chip.
“Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa đủ, khi chưa thể đưa Trung Quốc lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị chất bán dẫn. Ngay cả sau khi hàng tỷ USD được giải ngân, ngành sản xuất nội địa vẫn chưa trở thành hiện thực. Bất chấp một số tiến bộ trong thiết kế chip độc lập cho nhiều loại sản phẩm từ điện toán đám mây đến điện thoại thông minh, nền kinh tế số 2 thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi chuỗi cung ứng và sản xuất do nước ngoài thống trị”.
Khủng hoảng sản xuất chip của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích gì cho châu Âu?
Châu Âu đang tham gia tích cực vào cuộc đua bán dẫn và thống trị trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Vào năm 2020, thị phần vi mạch của EU trên toàn thế giới là khoảng 10%.
Đạo luật chip châu Âu thực thi từ năm 2023, được kỳ vọng sẽ mang lại lực đẩy đáng kể cho hoạt động sản xuất chip nội địa của khu vực, đưa thị phần toàn cầu của khối này lên khoảng 20% vào năm 2030.
Như Ủy ban châu Âu công bố, “Đạo luật chip châu Âu sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi của châu Âu trong các công nghệ và ứng dụng bán dẫn, đồng thời giúp đạt thành công trong cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh. EU sẽ làm được điều này bằng cách tăng cường sự lãnh đạo công nghệ của châu Âu trong lĩnh vực này”.
Trong bối cảnh một đối thủ lớn như Trung Quốc có thể sẽ phải trì hoãn đáng kể việc tăng cường sản xuất trong nước để xử lý những thách thức gặp phải do các lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu bỗng gặp cơ hội vàng hiếm có để tăng cường sản xuất và thu hẹp khoảng cách trên thị trường, nếu chớp được cơ hội.
Như vậy, họ đang có khả năng sản xuất, tiếp thị và bán chip của mình, cũng như bảo đảm có được lượng khách hàng ổn định từ rất lâu, trước khi Trung Quốc có thể bắt kịp.
Với việc Trung Quốc đã trở thành một siêu cường toàn cầu đang lên với ảnh hưởng ngày càng tăng ở Đông Nam Á và là nhà sản xuất thống trị cả khoáng sản đất hiếm và xe điện (EV), Mỹ và EU đang cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn do sự mất cân bằng kinh tế và thương mại những năm qua.
Điều này là do lo ngại ngày càng tăng về việc Trung Quốc có thể sử dụng sự thống trị của mình đối với những thứ rất quan trọng như khoáng sản đất hiếm thành một công cụ trả đũa hoặc thương lượng với các quốc gia khác, thậm chí thẳng tay cắt đứt nguồn cung ứng một cách hiệu quả nếu họ quyết định làm như vậy.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã từng ngừng xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản, do tranh chấp về đánh bắt cá vào năm 2010.
Căng thẳng EU-Trung Quốc ngày càng nóng lên do một số vấn đề, chẳng hạn như các cuộc điều tra của EU nhằm vào nhập khẩu xe điện Trung Quốc, những lo ngại về quyền riêng tư và tính minh bạch của dữ liệu làm gia tăng cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể trả đũa EU bất cứ lúc nào.
Sẽ tốt hơn nhiều khi EU tự chủ được về chất bán dẫn, ít nhất là vì nhu cầu và ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế.