Có nên tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện toàn diện?

Lan Uyên (thực hiện)| 27/08/2022 13:36

VKTS - “Tự chủ bệnh viện là con đường duy nhất để giải quyết những khó khăn bất cập hiện nay của ngành y tế. Tuy nhiên mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có Nghị quyết riêng cho từng bệnh viện thay vì gom chung vào một Nghị quyết” – TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm.

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm. Tuy nhiên đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý…

TS. Nguyễn Đức Kiên, ĐBQH, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã có những chia sẻ với Báo Sức khoẻ&Đời sống xung quanh vấn đề này.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc các bệnh viện xin dừng tự chủ? 

TS. Nguyễn Đức Kiên: Sự việc 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và Bệnh viện K báo cáo với Thủ tướng về những khó khăn trong quá trình tự chủ bệnh viện là một tín hiệu rất tích cực để cho ngành y tế trình bày các khó khăn của mình và tạo được sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện nhiệm vụ.

Có nên tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện toàn diện? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng (Ảnh: V. Sự)

Thực tế, việc triển khai thí điểm tự chủ của các bệnh viện thời gian qua, kết quả thu được không như mong muốn là  vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là trong 2 năm vừa qua, các bệnh viện được phân công thực hiện thí điểm tự chủ nhưng lại rơi vào đúng 2 năm dịch bệnh căng thẳng, bệnh viện không có bệnh nhân, nguồn thu sụt giảm, gây khó khăn rất lớn. Thêm nữa, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng thì các bệnh viện cũng phải tập trung cho phòng chống dịch, nên nhìn chung ít có điều kiện để thực hiện đúng việc tự chủ như mục tiêu ban đầu đặt ra.

Còn nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa có kinh nghiệm, thời gian qua chúng ta chưa đầu tư phù hợp cho việc triển khai thí điểm tự chủ bệnh viện nên kết quả như vậy là phản ánh đúng.

- Vậy để tháo gỡ khó khăn này, theo ông cần những giải pháp gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, trước mắt thời điểm này Bộ Y tế cần động viên, chia sẻ với các bệnh viện để họ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Vì như đã nói, 2 năm vừa qua việc thí điểm tự chủ bệnh viện được triển khai trong bối cảnh đặc biệt là dịch COVID-19, do đó bệnh viện chưa có điều kiện để làm được.

Trong 4 bệnh viện thì mỗi bệnh viện có đặc thù riêng, do đó để các bệnh viện tự chủ được thì không thể gom 4 bệnh viện làm chung một mô hình mà cần có nghị định hoặc quyết định thí điểm riêng cho từng bệnh viện. Từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế cần trình được Thủ tướng để ban hành được 4 quyết định thí điểm riêng cho 4 bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Bệnh viện K….

Về lâu dài, Bộ Y tế phải nghiên cứu để từ nay đến 2025 trình được Chính phủ, Trung ương ra được nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy ngành y tế. Trung ương đã có nghị quyết về vấn đề chăm sóc sức khoẻ rồi, giờ cần tổng kết lại nghị quyết này, nâng lên thành nghị quyết chuyên đề của Trung ương về "Đảm bảo đổi mới công tác về sức khoẻ trong bối cảnh công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế". 

Có nên tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện toàn diện? - Ảnh 2.

Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý… (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Một nhiệm vụ hết sức cấp bách của ngành y tế lúc này là phải tổ chức lại hệ thống y tế cho phù hợp. Trong đó các Sở y tế thì tập trung vào làm công tác quản lý nhà nước, công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế dự phòng. Đối với các bệnh viện thì Bộ Y tế phải hình thành ra nhóm các bệnh viện khu vực, trực thuộc Bộ và xây dựng nó thành bệnh viện tuyến cuối ở từng khu vực, như vậy mới giảm tải được cho các bệnh viện đặc biệt.

Vấn đề thứ 3 cần có trong nghị quyết mới là phải nâng cao chế độ cho cán bộ y tế. Cái này không lấy tiền từ ngân sách nhà nước mà từ chính công sức cán bộ y tế bỏ ra, tức là cho phép họ tính đúng tính đủ đầu vào… Như vậy tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế. Không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua là không tránh được.

- Để thí điểm tự chủ bệnh viện thành công, theo ông việc tổ chức bộ máy cũng như hoạt động tại các bệnh viện này cần theo mô hình nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Bệnh viện khi đã tự chủ thì phải hiểu nó là doanh nghiệp công ích, nghĩa là phải tính đúng tính đủ. Khi đã làm công ích thì những cái gì thuộc trách nhiệm nhà nước thì nhà nước làm, cái gì thuộc của người dân thì người dân chi trả. Thực tế hiện nay người dân và bảo hiểm xã hội chưa trả hết các chi phí thực của bệnh viện.

Tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế. Không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua là không tránh được.
Tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế. Không tự chủ bệnh viện thì không thể tự chủ được trả lương, cán bộ y tế giỏi nghỉ việc, chuyển ra ngoài làm như thời gian qua là không tránh được.

TS. Nguyễn Đức Kiên

Hiện có một thực tế là chúng ta mới chỉ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng mà không tập trung tiền vào duy trì, bảo trì, bảo dưỡng. Muốn bệnh viện trở thành tuyến đầu, muốn xuất khẩu y tế tại chỗ thì phải thay đổi máy móc, phải có kinh phí đế khấu hao máy móc, thiết bị. Bây giờ cho thực hiện tự chủ thì phải cho bệnh viện cái quyền đó.

Nhân dịp này Bộ Y tế báo cáo với, Chính phủ, Quốc hội cơ chế để làm sao các vật tư y tế do bệnh viện đấu thầu chứ không theo quy định của bảo hiểm y tế vì phải cho bệnh viện tính đủ tính đúng các chi phí, bao gồm giá khấu hao tài sản, khấu hao cơ sở hạ tầng, chi phí vật tư tiêu hao, nhân công…. Khi đã chấp nhận cho tự chủ thì phải chấp nhận tính riêng có của từng bệnh viện.

Đối với các bệnh viện hạng đặc biệt thì cố gắng hạn chế việc phân tuyến. Hiện nay chúng ta tổ chức hệ thống y tế đang có nhiều vấn đề. Ở thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì trạm y tế tuyến xã là rất cần thiết. Nhưng bây giờ điều kiện phát triển rồi, thì phải xã hội hoá tuyến y tế cơ sở. 

Chúng ta phải hình thành ra được một hệ thống phòng khám của các bác sĩ và chấp nhận cơ chế là họ làm trong bệnh viện nhưng họ có quyền về nhà lập phòng khám riêng. Việc họ khám chữa bệnh ở nhà cũng có quyền được hưởng BHYT, họ được phép chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, vào các bệnh viện hạng 1, hoặc đặc biệt. 

Các bệnh viện đặc biệt chỉ đi trước trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại, sau đó chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện loại 1 thì mới không quá tải. Chứ như bây giờ các bệnh viện đặc biệt cũng là bệnh viện tuyến cuối nên dễ dẫn đến quá tải. Nếu không thay đổi được tư duy tổ chức hệ thống y tế thì không thể giải quyết được vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!


Bài liên quan
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia: Muốn đột phá, phải thay đổi lớn về tư duy phát triển
    Chỉ khi quán triệt nguyên tắc lấy lợi thế cạnh tranh của quốc gia làm ưu tiên số 1, tiếp đến là lợi thế vùng và cuối cùng mới là lợi ích của địa phương, thì quy hoạch tổng thể quốc gia mới đạt được chất lượng cao nhất, góp phần tạo ra cú hích phát triển”, TS Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo SGGP khi trao đổi về vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Có nên tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện toàn diện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO