Tại họp báo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam sáng 23/4, chuyên gia World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 5,5%, nhấn mạnh chính sách tiền tệ đã cạn dư địa và cần phải ưu tiên ổn định khu vực tài chính...
Theo các chuyên gia WB, chất lượng tài sản của nền kinh tế xấu đi trong năm 2023, bất chấp việc cơ quan quản lý cho phép triển khai lại biện pháp tạm hoãn trả nợ.
Tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán (NPL) tại các ngân hàng thương mại tăng lên 4,5% vào tháng 12/2023, từ mức 1,9% vào cuối năm 2022, kể cả khi nhà điều hành cho phép tái áp dụng các biện pháp tạm hoãn trả nợ vào tháng 4/2023 (Thông tư số 02/2023); trong đó, có tổng cộng 171,0 nghìn tỷ đồng cho vay được cơ cấu lại vào tháng 12/2023, tương đương 1,3 % tổng dư nợ tín dụng.
"Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng không đi kèm với việc tăng tỷ lệ trích lập dự phòng cho vay của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay giảm đáng kể xuống mức trung bình 95% trong quý 4/2023, từ mức 123% vào cuối năm 2022. Mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng rất khác nhau, từ 7% đến 230%, với một số ngân hàng có dự phòng nhỏ không đáng kể để đủ bù lỗ cho các khoản nợ xấu", báo cáo của World Bank nêu.
Theo các chuyên gia, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp như vậy có thể đã cho phép các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn tăng nhẹ lên mức 11,9% vào tháng 12/2023, so với mức 11,5% vào cuối năm 2022.
Về chính sách tiền tệ, World Bank đánh giá dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá. Tiếp đà cải cách trong thời gian qua, các bước nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro trong khu vực tài chính vẫn hết sức cấp thiết trong thời gian tới.
Theo trên, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm nhằm phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh trong quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp), can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã được cải thiện qua sửa đổi gần đây, nhưng các chuyên gia đánh giá vẫn còn bất cập ở một số nội dung, bao gồm về giám sát hợp nhất các tập đoàn có ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thẩm quyền xử lý các ngân hàng yếu kém và phòng vệ rủi ro pháp lý cho cán bộ giám sát. Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong các lĩnh vực trên trong những cải cách pháp lý sắp tới về khu vực tài chính, bao gồm qua sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cải cách cơ cấu có vai trò thiết yếu nhằm duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Ngoài cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế trong ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng có vai trò quan trọng nhằm xử lý những thiếu hụt về hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và logistics, hiện đang trở thành rào cản ngày càng lớn đối với tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cải cách cơ cấu cần được triển khai nhằm tăng cường môi trường quản lý nhà nước trong các dịch vụ trọng yếu (công nghệ thông tin và truyền thông, điện lực, vận tải) để xanh hóa nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, và cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm thông qua hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 ở mức 5,5% được World Bank dựa trên giả định xuất khẩu các mặt hàng chế tạo tiếp tục phục hồi trong năm 2024 (tăng 3,5% theo giá so sánh, so cùng kỳ năm trước), khi nhu cầu trên toàn cầu từng bước được cải thiện. Thị trường bất động sản được dự báo xoay chiều vào cuối năm 2024 và trong năm 2025 khi tình trạng đóng băng ở thị trường trái phiếu có dấu hiệu được giải tỏa.
Trong điều kiện xuất khẩu và thị trường bất động sản từng bước phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ theo hướng tăng trở lại khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại lòng tin, dự kiến tổng đầu tư cũng như tiêu dùng tư nhân (theo giá so sánh) sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5,0 %. Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% trong năm 2024, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục và y tế dự kiến sẽ tăng, đóng góp tương ứng 6,2% và 5,4% về trọng số cho giỏ hàng hóa tính CPI. Chỉ số CPI sẽ giảm còn 3,0% trong năm 2025 và 2026 do kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định.
Chính phủ dự kiến tiếp tục duy trì chính sách tài khóa theo hướng tương đối mở rộng trong năm 2024, nhưng sẽ quay lại thắt chặt chính sách tài khóa trong các năm sau đó.
Trong năm 2024, World Bank dự báo bội chi ngân sách sẽ tăng lên 1,6% GDP do thu ngân sách tiếp tục yếu, còn chi ngân sách dự kiến tăng do kế hoạch tăng lương công chức và do các nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Sau đó, bội chi ngân sách được dự báo giảm còn 1,1% GDP trong năm 2025 và 1% GDP trong năm 2026.
Rủi ro và cơ hội đối với triển vọng dự báo trên nhìn chung đang ở thế cân bằng. Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam.
Trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đầu tư của khu vực tư nhân. Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi do thị trường bất động sản suy giảm có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng khi vốn dự phòng, đặc biệt của một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn, đang tương đối mỏng.
Nhìn theo hướng tích cực, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn dự kiến.
World Bank khuyến nghị hỗ trợ chính sách nên được tiếp tục để thúc đẩy phục hồi. Tiếp tục duy trì những nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.