Từ thực tiễn gợi mở giải pháp chính sách

Nhóm PV| 23/03/2025 07:27

Lời tòa soạn - Ngày 19/3/2025, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số” nhằm đóng góp vào quá trình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, một quyết sách quan trọng được ví như “Khoán 10” của thế kỷ 21. Nhân Dân cuối tuần xin trích đăng một số ý kiến nổi bật tại sự kiện.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng
Từ thực tiễn gợi mở giải pháp chính sách ảnh 1
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Kích hoạt gói giải pháp cho phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số

Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhận thấy những vướng mắc, rào cản “khó gỡ” thuộc về chính sách, pháp luật đang kìm hãm sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là trong lĩnh vực start-up chuyển đổi số, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 22/12/2024, đã xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước.

Có thể thấy, các mục tiêu của Nghị quyết số 57 đặt ra khá cao và thách thức, nhưng vẫn có tính khả thi bởi Việt Nam đã có quá trình tương đối dài triển khai các chính sách về khởi nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời đã ươm tạo được thế hệ start-up đầu tiên có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều đó cho thấy khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết

số 57, chúng ta đã có sự khởi đầu thuận lợi, mang tính nền tảng cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đột phá, đòi hỏi chúng ta phải đưa ra được các giải pháp mang tính đột phá.

Đóng vai trò quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, song hiện nay, thị trường vốn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cũng chưa đủ sức tài trợ, đồng hành với định hướng phát triển dài hạn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi tin tưởng, việc ghi nhận khách quan và đa chiều các kiến nghị từ thực tiễn sẽ là một bước quan trọng để cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước xây dựng các giải pháp phù hợp với bối cảnh mới, tình hình phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.

Từ thực tiễn gợi mở giải pháp chính sách ảnh 2
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI

Nhiều quy định niêm yết hiện tại chưa linh hoạt

Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI

Trong 10 năm qua, dù vốn đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam tăng trưởng nhanh, song mức độ huy động vốn vẫn đang tụt hậu so mức trung bình khu vực Đông Nam Á. Điều này phản ánh rõ nét qua tỷ trọng cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn khi đặt cạnh các nước láng giềng. Đặc thù của doanh nghiệp công nghệ yêu cầu lượng vốn lớn ngay từ giai đoạn đầu, nhằm đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng người dùng, và xây dựng hạ tầng vận hành.

Tuy nhiên, việc IPO tại Việt Nam vẫn gặp rào cản lớn do các quy định niêm yết hiện tại chưa linh hoạt, không phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đã linh hoạt hóa điều kiện niêm yết, cho phép doanh nghiệp công nghệ chưa có lợi nhuận tiếp cận vốn dễ dàng hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Ngay tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ đã đi đầu trong việc nới lỏng điều kiện lợi nhuận IPO, hỗ trợ mạnh mẽ khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo. Xu hướng này cũng được phản ánh tại Đông Nam Á, khi hàng loạt quốc gia đã chủ động thành lập các sàn giao dịch với quy định linh hoạt hơn, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh tiếp cận nguồn vốn hiệu quả.

Từ thực tiễn gợi mở giải pháp chính sách ảnh 3
Ông Il-Dong Kwon - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Boston Consulting Group Việt Nam

Dư địa để start-up công nghệ phát triển thành “kỳ lân”

Ông Il-Dong Kwon - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Boston Consulting Group Việt Nam

Tương tự xu hướng toàn cầu, các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ, cũng như tiềm năng phát triển các thế hệ “kỳ lân” công nghệ tiếp theo của Việt Nam với nhiều start-up giàu triển vọng.

Những “kỳ lân” thế hệ tiếp theo của Việt Nam có nhiều dư địa xuất hiện và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, như: trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm hoặc tài chính công nghệ (Fintech). Trong các yếu tố cốt lõi giúp start-up công nghệ phát triển thành “kỳ lân”, yếu tố tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cần được xem xét giúp các start-up Việt Nam hưởng lợi từ nguồn vốn tăng trưởng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ của Việt Nam là một tài sản quan trọng. Chính vì vậy, việc kết nối và giữ chân nhân tài là yếu tố then chốt để Việt Nam hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bài liên quan
  • Mở khóa thị trường, khơi nguồn lực vốn
    Từ đầu thế kỷ 20, làn sóng khởi nghiệp (start-up) sáng tạo nổi lên ở Việt Nam đã gieo “hạt mầm” đầu tiên là những công ty start-up công nghệ non trẻ với tài sản lớn nhất là chất xám. Sau 20 năm “thử lửa”, những doanh nghiệp start-up có thể tồn tại, phát triển và manh nha vươn lên mô hình tập đoàn công nghệ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song, chính những doanh nghiệp này, cùng với nền tảng hệ sinh thái start-up đã xây dựng, hứa hẹn sẽ là bệ phóng để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Từ thực tiễn gợi mở giải pháp chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO