Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIV họp phiên đầu tiên để thảo luận về Dự thảo Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Quan điểm chung là, cần có giải pháp đột phá để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra.
Việt Nam đang cần có những động lực tăng trưởng mới để tăng tốc phát triển. Ảnh: Đ.T |
Muốn đạt mục tiêu cao, phải có giải pháp mạnh mẽ
Rất nhanh sau khi được thành lập theo Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIV vừa họp phiên đầu tiên để thảo luận về Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2030.
Đề cương Báo cáo cũng đã rất nhanh được Thường trực Tổ Biên tập dự thảo, với dự kiến bao gồm 3 phần: Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; Tổ chức thực hiện.
“Mục tiêu đã được đề ra rất rõ ràng, bao gồm cả tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, đòi hỏi phải có những đánh giá xác đáng về những gì đã làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để có định hướng phát triển cho thời kỳ tới, làm sao đạt cao nhất mục tiêu của Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập nói.
Chiến lược 2021-2030 đã đặt ra những mục tiêu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mà một trong những mục tiêu hàng đầu là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD. Trong tầm nhìn dài hạn, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy vậy, việc đạt được các mục tiêu này đang là một thách thức lớn. Bởi lẽ, 3 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, cũng như biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam chỉ đạt 5,2%/năm.
“Mục tiêu đặt ra là vô cùng thách thức, nhưng chúng ta không được bàn lùi, mà phải bàn cách tiến lên, làm sao đạt được cao nhất mục tiêu đề ra. Mà muốn đạt mục tiêu cao, thì cần phải có giải pháp đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Ông cho biết, đó chính là một trong những lý do mà Tổ Biên tập đang đề xuất bổ sung các quan điểm phát triển mới, mạnh mẽ hơn, để phù hợp với tình hình đất nước và bối cảnh phát triển mới, nhất là khi hiện nay, thế giới có nhiều thay đổi, cấu trúc kinh tế mới cũng đang được thiết lập…
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thay đổi như hiện nay và khi việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân cho cả giai đoạn là một thách thức lớn, thì cần những giải pháp đột phá.
Bám sát tình hình để có định hướng chính xác
Không chỉ là cần có các giải pháp đột phá, mà các vấn đề liên quan đến việc ưu tiên tập trung nguồn lực và chính sách để phát triển các ngành công nghiệp mới, như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng mới…; hay đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… cũng đang được Thường trực Tổ Biên tập đề xuất như những quan điểm phát triển mới, cần được bổ sung.
Trên thực tế, đây cũng chính là những nội dung được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây, khi Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia cả trong và ngoài nước nhấn mạnh về cơ hội thu hút đầu tư, cũng như về những động lực tăng trưởng mới cần phát huy để Việt Nam có thể tăng tốc phát triển.
Ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2024, diễn ra hôm 19/3, nội dung này, nhất là về phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… cũng đã được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh. Điều này là cần thiết trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Để tìm ra định hướng chiến lược, phương hướng nhiệm vụ, cũng như giải pháp đặt ra cho thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải đánh giá một cách khách quan, chính xác, không tô hồng, nhưng cũng không bôi đen, để làm rõ tình hình phát triển hiện nay của Việt Nam. Đồng thời, phải bám sát các nội dung, mục tiêu của Chiến lược, cũng như các chiến lược, nghị quyết mới của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các định hướng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, địa phương, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Và quan trọng, cần bám sát diễn biến, tình hình của kinh tế khu vực và thế giới.
“Thế giới đã có nhiều thay đổi, chúng ta bám sát Chiến lược, nhưng cũng phải bám sát diễn biến tình hình thế giới hiện nay để có kế hoạch phù hợp cho 5 năm tới. Đồng thời, cũng cần có sự chuẩn bị cho việc thực hiện mục tiêu đến năm 2045, ví như tạo đột phá về hạ tầng, trong đó có đường sắt”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An bày tỏ sự đồng tình.
Tại phiên họp, các thành viên Tổ Biên tập đã đánh giá cao việc Dự thảo Đề cương Báo cáo đã cơ bản bao quát khá toàn diện, đầy đủ các vấn đề. Đồng thời, cũng đã góp ý bổ sung thêm các nhận định, đánh giá về tình hình và đề xuất phương hướng, giải pháp chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực, cũng như đối với các vấn đề tổng thể chung của đất nước. Tất cả đều thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra.
Theo kế hoạch, Dự thảo Đề cương sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương, tổ chức vào tháng 5/2024. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề cương, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để xây dựng Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội, trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.