Sửa Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: 'Đừng tự mua dây buộc mình'

N. Thoan - Theo Nhà đầu tư| 31/08/2022 22:54

Góp ý sửa đổi Nghị định 153/2020 về hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ, TS. Nguyễn Đức Kiên lưu ý, Bộ Tài chính không nên có những quy định "mua dây buộc mình", vừa làm khó cơ quan quản lý, vừa làm khó doanh nghiệp.

Empty

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sau quá nửa năm đưa ra lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, Bộ Tài chính vẫn chưa thể ban hành một Nghị định sửa đổi chính thức như kỳ vọng của thị trường, cũng như yêu cầu của Chính phủ do còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chi tiết của dự thảo.

Được biết, Bộ Tài chính cũng đã có những buổi làm việc, lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành liên quan. Điều này là hết sức cần thiết để phát triển thị trường vốn, tháo gỡ điểm nghẽn cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang gặp khó khăn và hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn. Cánh cửa tín dụng trung dài hạn ngân hàng đang dần hẹp lại, việc nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 để khơi thông một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế có thể nói là không thể chậm trễ thêm.

Để có thêm ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 153, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng là người có nhiều năm gắn bó với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Có thể nói hàng trăm, nghìn doanh nghiệp đang "ngóng" quy định sửa đổi Nghị định 153 của Bộ Tài chính về phát hành TPDN riêng lẻ khi nó có thể quyết định tới sự sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đang có rất nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều xung quanh dự thảo sửa đổi Nghị định 153. Đứng vai trò là một chuyên gia, có nhiều năm kinh nghiệm soạn thảo luật, hoạch định chính sách, xin ông đưa ra một vài góp ý lớn, định hướng sửa đổi Nghị định 153?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Muốn xây dựng được Nghị định 153 đi đúng hướng trước hết cơ quan quản lý cần xác định rõ quan điểm "có định hướng phát triển thị trường TPDN không? Và chúng ta đang xây dựng thị trường TPDN cho tất cả các loại hình hay chỉ là thị trường TPDN bất động sản?"

Nếu xác định, phát triển thị trường TPDN là cần thiết thì phải làm sao tạo ra cơ chế thúc đẩy nó và nêu xác định xây dựng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thì phải thiết kế theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là dành cho các doanh nghiệp phát hành tăng vốn để phát triển thêm dự án, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; Hướng thứ 2 phát hành TP dành cho các công ty khởi nghiệp, mới chỉ có ý tưởng và cần gọi vốn, kinh nghiệm quản trị để xây dựng doanh nghiệp. Hai hướng phải độc lập với nhau và sẽ có những tiêu chí rất khác nhau, không thể rập khuôn.

Về quan điểm coi TPDN là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế đã được nói đến lâu nay, tuy nhiên, các quy định về phát hành TPDN riêng lẻ lại đang bộc lộ những điểm yếu để doanh nghiệp lợi dụng. Đây có thể cũng là lý do để Bộ Tài chính đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 153 quy định yêu cầu "kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành TP không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước phát hành lỗ hoặc có lỗ luỹ kế tính đến năm phát hành", ông nhận xét như thế nào về quy định này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Quy định nêu trên có thể nói là không dựa trên thực trạng doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại, không khác gì Bộ Tài chính "mua dây buộc mình". Trải qua 2 năm COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ báo lỗ và thiếu vốn doanh nghiệp mới cần phát hành TP. Trong bối cảnh, Bộ Tài chính mới cấp phép cho 2 công ty xếp hạng tín nhiệm như hiện nay, mà doanh nghiệp nào phát hành cũng sẽ phải xếp hạng tín nhiệm (theo các điều kiện trong dự thảo) thì yêu cầu đó là bất khả thi, gây tắc nghẽn nghiêm trọng hoạt động phát hành trái phiếu thời gian tới. Hay với loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp cần gọi vốn thì lấy đâu ra kết quả kinh doanh để xếp hạng tín nhiệm?

Chưa kể tới, nếu đã có quy định nêu trên thì Nghị định 153 cũng chưa nêu rõ được, các công ty xếp hạng tín nhiệm này là do nhà nước cấp phép, quản lý hay do Hiệp hội Đầu tư tài chính tự thành lập, tự công nhận, hoạt động như một doanh nghiệp có điều kiện và Bộ Tài chính chỉ rút giấy phép khi có vi phạm? Việc xác định cơ quan quản lý loại hình doanh nghiệp này cũng để làm rõ nếu đánh giá xếp hạng tín nhiệm sai, dẫn tới rủi ro, thiệt hại cho nhà đầu tư thì trách nhiệm của Bộ Tài chính tới đâu?

Về cơ bản, có thể thấy cách nhìn của cơ quan quản lý khi xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 153 vẫn đang là dành cho các doanh nghiệp bất động sản và lo ngại rủi ro nên muốn kiểm soát chặt dòng vốn vào nhóm này mà chưa xác định rõ mục tiêu là huy động toàn bộ lực lượng vốn nhàn rỗi vào đầu tư phát triển, không thể vì lo sợ không quản lý được mà cấm. 

Cần phải nói thêm rằng, hiện nay có nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, có những quy định trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153 là khó thực hiện, trói chân doanh nghiệp như "kiểm soát mục đích sử dụng vốn", "quy định khối lượng trái phiếu phát hành/vốn chủ sở hữu" và yêu cầu về tài sản bảo đảm. Vậy làm sao để cân bằng được giữa phát triển và kiểm soát rủi ro trong hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ? Xin ông cho biết ý kiến về các quy định này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Nếu nói Nghị định 153 không đủ căn cứ pháp lý để kiểm soát rủi ro thì chưa phải. Mà có thể nói là Nghị định 153 còn những quy định không rõ để doanh nghiệp lợi dụng, suy diễn theo cách khác nhau. Sửa cần theo hướng quy định chặt chẽ hơn để khi đọc luật, doanh nghiệp cứ thế mà làm, không thể tự diễn biến. 

Còn hoạt động phát hành trái phiếu là hoạt động chủ động tham gia thị trường của doanh nghiệp và nhà nước không được phép can thiệp. Vì thế, không cần những quy định về tỷ lệ huy động vốn/vốn chủ sở hữu, cũng không cần kiểm soát mục đích sử dụng vốn. Tại sao lại cần có những quy định vừa làm khó cơ quan quản lý, vừa làm khó doanh nghiệp như vậy? Tại sao phải bắt doanh nghiệp tách ra ra đồng này mua mắm, đồng này mua muối? Cơ quan quản lý cũng không có đủ sức để kiểm soát, quản lý việc này.

Chúng ta đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra. Việc kiểm soát dòng vốn của doanh nghiệp không phải nhiệm vụ của Bộ Tài chính và đó cũng là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Không thể siết TPDN bằng các quy định hành chính như quản lý doanh nghiệp nhà nước, phải tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp và để cho doanh nghiệp sáng tạo. Chỉ có doanh nghiệp mới phản ứng rất nhanh với các tin hiệu của thị trường, kiểm soát là hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp, hành chính hoá công tác quản trị doanh nghiệp.

Tư tưởng chủ đạo của Chính phủ là tạo mọi điều kiện để huy động các loại nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình huy động đó phải tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, các nhà đầu tư tự chủ, tự chịu trách nhiệm với đồng tiền của mình. Nhà nước chỉ đặt ra luật chơi và kiểm soát để không có ai phạm luật và xử lý khi có vi phạm. 

Xin cảm ơn Ông!


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Sửa Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: 'Đừng tự mua dây buộc mình'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO