Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phê duyệt “Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1887/QĐ-NHNN Phê duyệt “Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025”.
Theo đó, Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành ngân hàng được giao tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt; phát triển các hệ thống thanh toán; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số quốc gia…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện thể chế, rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành ngân hàng phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động của ngành ngân hàng; xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số trong ngành ngân hàng.
Kế hoạch cũng nêu rõ phát triển, sử dụng nền tảng số, xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia; xác định các nền tảng số và xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số của ngành ngân hàng
Cùng với đó là phát triển dữ liệu số, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số: phát triển doanh nghiệp số, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số…/.