Giới quan sát nhận định Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan của Washington, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để tránh kịch bản bị áp thuế.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, chính sách thương mại của Mỹ tiếp tục đi theo hướng bảo hộ mạnh mẽ với trọng tâm là sử dụng thuế quan như một công cụ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và điều chỉnh cán cân thương mại.
Từ tháng 2/2025, Mỹ đã áp thuế bổ sung 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25%, đồng thời xem xét áp dụng mức thuế nền 10% lên tất cả hàng nhập khẩu. Ngoài Trung Quốc, Mỹ đang hướng sự chú ý đến các đối tác thương mại có mức thặng dư lớn, trong đó có Việt Nam.
Với việc Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024, giới quan sát nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan của Washington, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để tránh kịch bản bị áp thuế và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành ngoại giao cấp cao, tiêu biểu là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và ông Trump tối 11/11/2024 (giờ Hà Nội). Tại đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump nhận lời của Tổng Bí thư Tô Lâm thăm lại Việt Nam, đồng thời mời Tổng Bí thư thăm lại Mỹ vào thời gian thích hợp.
Trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, đầu tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các thành viên Chính phủ dự báo, phân tích những vấn đề mới nổi, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, từ đó đề xuất giải pháp của ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ.
Tiếp và gặp đại diện Chính phủ và doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ ngày 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn với Mỹ, trong đó có các hợp đồng mua bán máy bay, thương mại quốc phòng, mua bán khí tự nhiên hóa lỏng LNG, thương mại nông sản, dược phẩm… với Mỹ.
Tại tọa đàm, có một số thông tin đáng chú ý về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Trong đó, Vietnam Airlines đang triển khai việc mua 50 máy bay Boeing với tổng giá trị khoảng 11 tỷ USD. Vietjet cũng đang triển khai việc mua 200 máy bay từ Boeing. Một số hợp đồng máy bay khác giữa các đối tác hai nước cũng đang được xem xét.
Tại tọa đàm với các tập đoàn 3 ngày sau đó, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, trước sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã chủ động, tích cực tiếp xúc với các cấp, các ngành, doanh nghiệp của Mỹ để tiếp tục tăng cường hợp tác, hiểu biết lẫn nhau; tích cực tháo gỡ các vướng mắc của các đối tác Mỹ một cách công bằng, hợp lý. Bộ Tài chính đang rà soát các chính sách thuế hợp lý, hài hòa, bảo đảm lợi ích hai bên.
Tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper ngày 13/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực rà soát biểu thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, khuyến khích gia tăng nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là nông sản, khí hóa lỏng và sản phẩm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư cân bằng, ổn định, hài hòa và bền vững với Mỹ.
Người đứng đầu chính phủ khẳng định phía Việt Nam đang tích cực giải quyết các quan tâm hiện nay của phía Mỹ trong quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, trong đó có việc cử Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Đặc phái viên sang làm việc tại Mỹ để đồng chủ trì cơ chế họp Hội đồng Thương mại và Đầu tư (TIFA).
Tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương; chứng kiến lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp hai nước với tổng giá trị 4,15 tỷ USD.
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, có ba lý do chính khiến Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan của Mỹ. Đó là mức thặng dư thương mại cao, hơn 123 tỷ USD với Mỹ; nghi ngờ về gian lận xuất xứ; và chính sách thuế "có đi có lại" khi Mỹ có thể viện dẫn việc thuế suất nhập khẩu bình quân của Việt Nam cao hơn Mỹ để biện minh cho một chính sách thuế đối ứng.
Theo TS. Chu Thanh Tuấn, trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump, Việt Nam cần có một chiến lược chủ động và linh hoạt để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Nếu chỉ phản ứng thụ động khi chính sách thuế quan đã được ban hành, Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán với Mỹ cũng như trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Vì vậy, có ba nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần xem xét ngay từ bây giờ.
Thứ nhất, chủ động truyền thông với Mỹ để làm rõ bản chất của thặng dư thương mại. Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam có thể bị áp thuế là mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được sản xuất bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm nhiều công ty của Mỹ. Điều này có nghĩa là lợi nhuận cuối cùng từ những sản phẩm đó không hoàn toàn thuộc về Việt Nam, mà phần lớn quay trở lại các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ.
Việt Nam cũng cần nhấn mạnh rằng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam không phải là một hình thức trốn tránh thuế mà là một quá trình tái cấu trúc sản xuất toàn cầu hợp lý. Điều này không chỉ giúp các công ty Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh mà còn giúp giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ.
Thứ hai, tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm áp lực từ chính quyền Trump là gia tăng nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm mức thặng dư thương mại. Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô, lúa mì – những mặt hàng mà Mỹ đang dư thừa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể mở rộng nhập khẩu LNG từ Mỹ để phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo và khí LNG, vì vậy việc mua LNG từ Mỹ không chỉ giúp cân bằng thương mại mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.
Một lĩnh vực khác có thể giúp Việt Nam gia tăng nhập khẩu từ Mỹ là hàng không và công nghệ cao. Các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines và Vietjet đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing, nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam có thể xem xét đặt hàng thiết bị công nghệ, thiết bị y tế, và các sản phẩm quốc phòng từ Mỹ để tạo thêm giá trị thương mại hai chiều.
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại và đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ. Một trong những lý do chính khiến Mỹ lo ngại về thương mại với Việt Nam là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để né thuế. Dù chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp siết chặt quy định xuất xứ, nhưng cần phải tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát thương mại, đặc biệt là trong việc chia sẻ dữ liệu hải quan để chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam thực sự có nguồn gốc rõ ràng và giá trị gia tăng nội địa cao. Nếu Mỹ thấy Việt Nam có nỗ lực minh bạch trong thương mại, khả năng bị áp thuế sẽ giảm đi đáng kể.
Cuối cùng, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với chính quyền Trump để tránh bị áp thuế. Việt Nam có thể chủ động đề xuất một khuôn khổ hợp tác kinh tế đặc biệt với Mỹ thay vì chờ đợi Mỹ ra quyết định áp thuế. Chẳng hạn, hai nước có thể đạt một thỏa thuận tự nguyện hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định, giống như cách Nhật Bản đã từng làm với ô tô vào thập niên 1980 để tránh thuế quan từ Mỹ.
Theo TS Chu Thanh Tuấn, nếu Việt Nam có thể chứng minh rằng mình là một đối tác kinh tế đáng tin cậy của Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên lĩnh vực an ninh – chiến lược, Mỹ có thể cân nhắc không áp thuế hoặc chỉ áp dụng các biện pháp nhẹ hơn.
Trả lời câu hỏi của Nhadautu.vn trong một buổi họp báo mới đây giới thiệu đoàn doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC nhận định rằng nguy cơ chính quyền Trump áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam “là có thật” khi Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Canada.
Vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam khuyến nghị Hà Nội có những bước đi chủ động để hạn chế tác động của các loại thuế từ Mỹ.
“Chúng tôi đang kêu gọi Chính phủ Việt Nam mua LNG, máy bay, bao gồm cả dân dụng và quân sự, các nông sản từ Mỹ như đậu tương, quả và các loại hạt từ Mỹ”, ông Ted Osius nói.
Liên quan đến trung chuyển hàng hóa, Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng các nước khác không lợi dụng tình hình hiện nay để vận chuyển hàng hóa (sang Mỹ) thông qua Việt Nam. "Tin mừng là Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc đối phó với vấn đề này và đã bày tỏ ý định sẽ chủ động hơn nữa".
Ông cũng lưu ý là các hoạt động bởi các công ty Mỹ, trong đó có nhiều công ty tham gia đoàn doanh nghiệp của USABC, sẽ không trở thành mục tiêu áp thuế.
Ông Ted Osius nhận xét, trong chuyến công tác tại Mỹ hồi giữa tháng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên không chỉ chứng kiến các hợp đồng giá trị nhiều tỷ USD, mà còn đưa ra lộ trình mở cửa cho hàng hóa Mỹ. “Hiện nay, việc mở cửa thị trường đặc biệt quan trọng bởi hàng nông sản Mỹ đang chịu thuế khá cao”.
Bổ sung thêm, người kế nhiệm ông Ted Osius tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021, ông Daniel Kritenbrink cho rằng việc ký kết các thỏa thuận thương mại để giảm thâm hụt thương mại là đáng khuyến khích.
Bên cạnh đó, vào thời điểm này, phía Việt Nam nên tiếp tục lắng nghe các mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và hành động để xử lý các quan ngại đó, ông Kritenbrink khuyến nghị.