(KTSG Online) - Điểm nổi bật có thể thấy trong năm 2024 là nhiều người vẫn “loay hoay” tìm kiếm kênh đầu tư dù nhiều kênh như cổ phiếu, vàng và bitcoin đồng loạt tăng mạnh. Vấn đề là những loại tài sản này tăng lệch pha nhau khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì bước vào thị trường sai thời điểm.
Sốt ruột vì giá vàng, bitcoin tăng
Thống kê của KTSG Online mới đây cho thấy, hầu hết các kênh sinh lời trên thị trường hiện nay đều có mức tăng tương đối tốt nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Nửa đầu năm 2024 là câu chuyện của thị trường cổ phiếu, có thời điểm VN-Index tăng chứng khoán Việt Nam với có thời kỳ đỉnh điểm VN-Index tăng gần 28%, nếu tính con sóng kéo dài từ vùng đáy vào giữa tháng 12-2023 cho đến giữa tháng 6-2024. Thế nhưng, đến cuối năm, thanh khoản thị trường đi xuống dần, cùng với đó là sự biến động của chỉ số VN-Index cũng hẹp dần.
Trong năm qua vàng mới là loại tài sản được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều người sốt ruột nhìn vào giá vàng vào đà tăng vọt ngay từ quí 1. Giá vàng miếng ở vùng đỉnh hồi giữa tháng 5 đã lập kỷ lục tăng gần 25% so với đầu năm nay. Giá vàng nhẫn trong nước đến nay đã đuổi kịp giá vàng miếng, trong khi hồi đầu năm còn thấp hơn gần 12 triệu đồng mỗi lượng.
Thống kê cuối năm của Hội đồng vàng thế giới cho thấy, kim loại quý này đã có một năm tăng giá tốt nhất trong vòng thập kỷ qua, với 40 lần lập đỉnh kể từ đầu năm, tiến sát mốc 2.800 đô la Mỹ/ounce vào cuối tháng 10. Tổng nhu cầu vàng cũng lập kỷ lục trong năm nay.
Giá vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá trong nước, thu hút sự chú ý của nhiều người dân, đặc biệt những người không đầu tư chứng khoán và thường so sánh lạm phát với giá vàng và lãi suất tiết kiệm.
Sự sốt ruột về vàng và đua nhau mua vàng đã dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên thay đổi cách đưa vàng miếng ra thị trường thông qua bốn ngân hàng quốc doanh lẫn công ty vàng SJC. Nhiều người mua không được vàng lại càng sốt ruột hơn vì lo vàng còn tăng mạnh, lo lạm phát.
Giai đoạn tăng giá mạnh của vàng bắt đầu từ giữa tháng 2 và kết thúc vào tháng 10, sau sự kiện ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ. Thay vào đó là sự trỗi dậy của một loại tài sản khác là đồng bitcoin đi cùng những tin tức tích cực vì hưởng ứng loại tài sản này. Đỉnh điểm bitcoin đã chạm mốc 108.000 đô la Mỹ/đồng, tức tăng gấp 2,8 lần so với vùng đáy hồi đầu năm.
Bình luận về diễn biến thị trường tiền mã hóa trong năm qua, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Chi hội Blockchain TPHCM, cho biết thị trường đang ở chu kỳ tăng thứ 4. Trong đó, đồng bitcoin đã đạt cột mốc 100.000 đô la Mỹ/đồng là ngưỡng tâm lý mang tính biểu tượng trong ngành Blockchain, được nhiều người kỳ vọng.
“Không có thống kê chính thức nào về dòng tiền nhưng cảm nhận chung là lượng người quan tâm nhiều hơn dù khối lượng giao dịch chưa đạt đến mức đỉnh của chu kỳ tăng trước. Trong mùa tăng giá lần này, cả nhà đầu tư cũ và mới đều vẫn ở trong thị trường chứ không rời đi. Điều này khác biệt so với chu kỳ trước đây khi đồng bitcoin tăng từ đáy 15.000 lên vùng đỉnh 70.000”, ông Vinh nói với KTSG Online.
Không dễ kiếm lời
Thống kê của KTSG Online tính đến 20-12 cho thấy, có khoảng 39,5% mã cổ phiếu có thị giá giảm trong năm 2024, trong đó có đến 15% là giảm mạnh với mức trên 20%. Thực tế sau đợt tăng hồi giữa năm, chứng khoán đã không còn dễ dàng kiếm lời như trước khi chỉ số VN-Index gần như đi ngang và thanh khoản đi xuống.
“Năm 2024, thị trường gần như đi ngang với biên độ hẹp. Do đó, việc kiếm lời trên thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn khá nhiều, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân. Đây là nhóm nhà đầu tư chịu tác động mạnh mẽ từ tâm lý thị trường nên chịu thiệt hại lớn trong giai đoạn thị trường giảm”, ông Lê Xuân Huy, chuyên gia tài chính cá nhân nói.
Tương tự, với thị trường vàng, nếu người mua vàng miếng là để giao dịch ngắn hạn thì đây thực sự là một thách thức rất lớn. Có không ít người mua vàng ở vùng đỉnh, hiện giờ đang chịu lỗ kép vì mức giá mua vào của nhà vàng thấp hơn đáng kể so với giá bán ra. Trong khi đó, việc kiếm lời từ giao dịch trên thị trường tiền mã hóa còn khó hơn nhiều dù đang ở giai đoạn sôi động.
Kỳ vọng gì cho năm 2025?
Với thị trường đầu tư mang tính chính thức và dễ tiếp cận là cổ phiếu, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng năm 2025 được cho là khả năng tăng sẽ nhiều hơn là giảm. Lý do là vì thị trường hiện nay đang ở trong giai đoạn tích lũy và chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố quốc tế.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, đánh giá năm 2025 sẽ có nhiều biến động thị trường chứng khoán Việt Nam vì trong nửa đầu năm năm 2025 tăng trưởng GDP có thể chậm lại và tiền đồng có thể bị ảnh hưởng. “Nhưng cả hai khả năng này có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm”, ông bình luận.
Đại diện phân tích của VinaCapital cũng cho rằng, tâm lý nhà đầu tư hiện nay đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng ngày càng lớn rằng thị tường sẽ được nâng hạng vào năm 2026, khi Việt Nam hiện nay đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được xem xét là một thị trường mới nổi.
“Tâm lý này cũng được củng cố bởi sự lạc quan về các biện pháp mà Chính phủ công bố nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 và các năm tiếp theo”, ông Kokalari nói.
Chia sẻ tương tự, ông Hoàng Huy, Chuyên gia phân tích chiến lược Công ty chứng khoán Maybank kỳ vọng, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE sẽ đạt khoảng 20.000 tỉ đồng vào cuối năm 2025, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. “Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ duy trì dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2025 trước khi tăng tốc trong nửa cuối năm 2025, trong kỳ vọng biến nỗi lo áp thuế từ Trump thành cơ hội, mở đường cho Việt Nam tăng trưởng kinh tế”, ông Huy nói.
Với thị trường vàng, sau một năm tăng mạnh, đà tăng đang được giới phân tích xem xét thận trọng hơn, đặc biệt là khi lạm phát chung của thế giới đã dịu bớt.
Vàng được xem như là “hầm trú ẩn” của thế giới trong năm qua, nay được dự báo sẽ tăng chậm hơn, theo Hội đồng vàng Thế giới. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng bao gồm khả năng giảm lãi suất đồng nội tệ của các quốc gia, đặc biệt là đồng đô la Mỹ; lực mua từ các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Trung quốc; nhu cầu mua vàng của các định chế, bao gồm cả ngân hàng trung ương.
Với thị trường tiền mã hóa, xu hướng lại càng khó đoán hơn. Lịch sử giao dịch của Bitcoin cho thấy nhiều lần lên đỉnh nhưng sau đó cũng sập mạnh. Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ tích cực là sự công nhận của các tổ chức đối với các công nghệ Blockchain liên quan.
Theo ông Vinh, tiền mã hóa có thể sẽ có điều chỉnh trước khi tiếp đà đi lên nhưng dù thế nào đi nữa thì diễn biến hiện nay cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực chung cho thị trường. “Trên khía cạnh đầu tư lúc nào cũng có người thắng, người thua nhưng về mặt tích cực là dấu hiệu đi lên của thị trường”, ông Vinh nói.