Lãi suất tiết kiệm sớm tăng trở lại

Vân Linh| 04/03/2024 08:36

Với các dự báo về khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện từ quý II/2024, lãi suất tiết kiệm khó có thể bị “nhấn chìm” sâu hơn nữa.

Rục rịch tăng

Đã có 3 ngân hàng là Techcombank, Sacombank và BVBank nâng lãi suất tiền gửi so với giai đoạn đầu tháng 2. Cụ thể, Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lên 2,35%/năm và 2,75%/năm, trong khi giảm lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn. Sacombank cũng nâng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên mức 2,7%/năm, trong khi Bản Việt tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 24 tháng và 36 tháng lên 5,7%/năm và 5,9%/năm.

Trong khi đó, đa số các ngân hàng còn lại tiếp tục điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên lãi suất huy động. Nhóm Big4 vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất. Hiện lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng tại 27 ngân hàng trong danh sách chỉ còn ở mức 2,6%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động bình quân đã giảm còn 4,7%/năm.

Một số ngân hàng tư nhân như MSB, SeaBank hay ABBank đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về thấp hơn đáng kể so với nhóm Big4. Nhìn chung, lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng giảm, động thái tăng chỉ diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng, một số kỳ hạn, mức tăng cũng tương đối nhỏ - dưới 0,2% ở vài kỳ hạn.

Tuy mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,15%/năm, nhưng ở kỳ hạn dài và đòi hỏi giá trị tiền gửi lên đến hàng ngàn tỷ đồng. ABBank niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất 10,15%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, song chỉ áp dụng đối với khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên. PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, với số dư tiền gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, tại HDBank, lãi suất tiền gửi cao nhất 8,2%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, mức tối thiểu từ 300 tỷ đồng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 1/2024 là -0,6% và tính đến ngày 16/02 là -1,0%. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (-1,3%) hay MB (-0,7%)…

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, không chỉ tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của nền kinh tế cũng không khả quan. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 ước đạt -1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm.

Sẽ tăng dần về cuối năm?

Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”. Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.

Ngoài ra, theo SSI, NHNN vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng. Hiện lãi suất tiền gửi ở mức thấp nhất thị trường thuộc về 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.

Chính việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2/2024 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động nhích tăng dần từ quý II/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích VDSC là tăng từ nửa cuối năm 2024.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 để giảm thêm lãi vay, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.

Đồng thời, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa mấy sáng sủa, nên người dân và cả nhà đầu tư vẫn chọn gửi tiết kiệm. Số liệu thống kê mới nhất của NHNN công bố ngày 15/1 cho thấy, bất chấp lãi suất tiết kiệm bị “nhấn chìm” sâu, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, tính đến tháng 11/2023 đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất tiết kiệm sớm tăng trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO