Kinh tế khó khăn, vì đâu thu ngân sách cán đích phút cuối?

Ánh Tuyết| 07/01/2024 14:54

Năm 2023, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với thách thức và rủi ro mới, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng khiến thu ngân sách nhà nước tưởng chừng khó đạt dự toán, trong khi áp lực chi ngân sách gia tăng. Nhiều quan điểm cho rằng do những chuyển biến mới trong công tác quản lý thuế, hải quan đưa thu ngân sách cán đích sau nhiều gian nan...

Nhớ lại thời thành lập doanh nghiệp từ năm 2005, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, kể rằng mỗi lần kế toán đi mua hóa đơn giấy phải kiểm đếm mất cả buổi, sau đó doanh nghiệp sang cục thuế đăng ký và đợi vài ngày sau mới được sử dụng. Cuối mỗi kỳ, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng với cơ quan thuế tình hình sử dụng, hủy hay xóa bỏ hóa đơn.

Thế nhưng, từ khi áp dụng hóa đơn điện tử, thao tác đăng ký rất nhanh chóng, tiện lợi và cắt giảm chi phí rõ rệt cho doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP NHÀN NHÃ, NGÂN SÁCH RỦNG RỈNH HƠN

Theo ông Mạc Quốc Anh, nhiều thay đổi tích cực của ngành thuế, hải quan thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đã làm giảm chi phí chính thức cho doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến hóa đơn. Công nghệ cũng khắc phục tình trạng ách tắc ở cảng, kho hàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Khi hàng hóa nhập khẩu giải quyết càng nhanh chóng bao nhiêu, doanh nghiệp đưa hàng hóa vào sản xuất càng nhanh bấy nhiêu, khâu phân phối hàng hóa nhanh chóng hơn, tránh tồn kho. Như vậy, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội kinh doanh sớm hơn, đem lại lợi nhuận thu về cao hơn.

“Thủ tục hành chính cũng được cắt giảm đáng kể, thời gian xử lý các thủ tục hành chính giảm tương đối nhiều trong nội bộ của các doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp dành khoảng 25% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thuế, hải quan nhưng hiện nay chỉ dành 5%, còn lại 20% thời gian tiết kiệm dành cho các hoạt động khác như sản xuất, kinh doanh, bán hàng, phân phối”, ông Quốc Anh cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp đánh giá công chức, viên chức ngành thuế, hải quan được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cũng cải thiện nhiều trong những năm gần đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023 đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế, hải quan trong nỗ lực hướng đến nền tài chính thông minh.

Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà còn là giải pháp chống thu hiệu quả, ngăn ngừa gian lận và giúp nhiệm vụ thu ngân sách vẫn hoàn thành vượt mức trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều thách thức.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực xoay xở, bù đắp các khoản hụt thu ngân sách do nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó và công tác chống thất thu thuế của cơ quan thuế, hải quan rất đáng ghi nhận.

Hơn nữa, thu ngân sách hoàn thành dự toán cũng đến từ sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, bởi năm vừa qua, đơn hàng xuất khẩu của một số ngành hàng chính với kim ngạch trên 10 tỷ USD như điện thoại, linh phụ kiện điện tử giảm sút khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành nghề này lao đao. Ngành dệt may, da giày cũng “khát” đơn hàng trong năm 2023.

Tìm cách lội ngược dòng vượt khó, doanh nghiệp vẫn trụ vững, nỗ lực này giúp ngành tài chính hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước vào phút chót dù tiến độ chậm hơn rõ rệt so với năm ngoái.

Đặc biệt, theo ông Thịnh, trong năm 2023, việc triển khai hóa đơn điện tử đi vào nề nếp, giúp thu ngân sách trong nước có chiều hướng ổn định và tăng lên so với thời gian trước. Mặt khác, một phần do các doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động xuất nhập khẩu nên quay lại thị trường trong nước, giúp thị trường tiêu dùng trong nước duy trì đà tăng và giúp ngân sách tăng thu từ thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác.

“Quản lý thuế thông qua số hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế dễ dàng kê khai, nộp thuế và là biện pháp đem lại hiệu quả trong thu ngân sách. Việc triển khai hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế giúp các khoản thu, chi rõ ràng, minh bạch, công khai”, vị chuyên gia này đánh giá.

Năm 2023 cũng ghi nhận số thuế thông qua hoạt động thương mại điện tử tăng cao, ngay cả những doanh nghiệp lớn trên thế giới, dù có đại diện tại Việt Nam hay không, đều có thể kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

BƯỚC TIẾN DÀI TRONG QUẢN LÝ THUẾ, HẢI QUAN

Chia sẻ về những thay đổi trong công tác quản lý thuế thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, nhấn mạnh ngành thuế nhận thức rõ môi trường kinh doanh của đối tượng quản lý thay đổi rất lớn về mô hình, tính chất toàn cầu và hoạt động trong môi trường số.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế lấy dẫn chứng, trước kia cơ quan thuế quản lý các hộ kinh doanh dọc theo các tuyến phố. Đấy là cách làm truyền thống, trong môi trường số, kinh doanh trên hè phố vẫn diễn ra nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ. Còn trên môi trường số, người dân, hộ kinh doanh bán hàng 24/7 giờ, doanh số có thể gấp 10 lần.

“Như vậy cán bộ thuế phải thay đổi nhận thức, không thể theo cách cũ quản lý bằng cách khoán hộ kinh doanh tại cơ sở, địa điểm kinh doanh bởi hoạt động kinh doanh diễn ra trên một diện rộng hơn”, ông Minh nêu rõ.

Do đó, cơ quan thuế phải thay đổi về tư duy, không rà soát theo từng tuyến phố, khoanh vùng theo địa lý phường, xã mà dựa vào dữ liệu và đầu tư hơn về nguồn lực, thời gian và tài chính để xây dựng chiến lược tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ.

Chính vì vậy, trong năm 2023, cơ quan thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh.

Năm 2023 cũng ghi nhiều dấu ấn trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế như triển khai bản đồ số hộ kinh doanh, vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận trong hoàn thuế, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận.

Cùng với đó, số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Những nỗ lực, giải pháp trên giúp ngành thuế tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Với ngành hải quan, khó khăn bao trùm cả chặng đường 12 tháng của năm 2023, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu nộp ngân sách nhà nước do Tổng cục Hải quan quản lý khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 92,1% dự toán...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế khó khăn, vì đâu thu ngân sách cán đích phút cuối? - Ảnh 1


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế khó khăn, vì đâu thu ngân sách cán đích phút cuối?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO