Gia cố thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Huy Ngọc| 12/01/2023 09:16

Các chuyên gia nhận định, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, sẽ tác động đến tất cả các chủ thể tham gia thị trường; và sau những bài học đắt giá mỗi chủ thể sẽ tự xốc lại vai trò của chính mình.

Một năm sóng gió với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã qua đi. Sự suy giảm chung của kinh tế thế giới tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước khiến việc huy động vốn trên tất cả các thị trường vốn đều khó khăn. Điều đã ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng phát hành TPDN. Tuy nhiên cùng với những biến động tiêu cực, chưa bao giờ thị trường liên tục chứng kiến các động thái thay đổi chính sách khẩn trương, linh hoạt của cơ quan quản lý như trong năm vừa qua.

Một năm ảm đạm

Có thể khẳng định, 2022 là một năm ảm đạm đối với thị trường TPDN. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 16/12/2022, có 8 đợt phát hành TPDN trong tháng 12 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng. Kết quả này tiếp tục nối dài những tháng có giá trị phát hành thấp nhất sau giai đoạn phát triển bùng nổ của thị trường TPDN. Tính từ đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.015 tỷ đồng (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành), giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tính từ đầu năm tới giữa tháng 12, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 182.742 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021).

gia co thi truong trai phieu doanh nghiep
Áp lực nợ đáo hạn được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi hiệu ứng đổ vỡ “domino”

Nhìn lại diễn biến của thị trường trong quãng thời gian dài hơn, có thể thấy các phản ứng trên thị trường TPDN khá nhạy cảm trước sự thay đổi của chính sách hay động thái chấn chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử, ngay khi có sự “cởi trói” của Nghị định 163/NĐ-CP ban hành tháng 12/2018 quy định về phát hành TPDN, thị trường đã lập tức phát triển bùng nổ. Trong đó, “thăng hoa” rực rỡ nhất vào năm 2021 với giá trị trái phiếu phát hành cả năm ước đạt 623.600 tỷ đồng, tăng mạnh 34,9% so với năm 2020.

Tuy nhiên, chính vì phát triển quá nóng của thị trường TPDN cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy. Lợi dụng việc nhiều nhà đầu tư chưa được trang bị kiến thức tài chính, ham lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu “chui”. Điển hình nhất là vụ việc Tân Hoàng Minh với 9 đợt phát hành trái phiếu huy động 10.300 tỷ đồng, nhưng công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Theo Bộ Công an, tình trạng này khá phổ biến trên thị trường thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như vỡ nợ.

Các cơ quan quản lý sau đó đã có biện pháp mạnh tay để lành mạnh hóa thị trường, nổi bật nhất là khởi tố vụ án Tân Hoàng Minh đầu tháng 4/2022. Sau sự kiện này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh việc mua lại trước hạn khối lượng trái phiếu lớn.

Ngày 16/9/2022, sau nhiều mong đợi, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153. Giới đầu tư kỳ vọng thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay thị trường TPDN vẫn hầu như đóng băng. Theo các chuyên gia, Nghị định 65 là giải pháp căn cơ giúp thị trường phát triển bền vững trong dài hạn, còn ở thời điểm hiện tại vẫn cần có giải pháp cấp bách để vực dậy thị trường, tránh xảy ra nguy cơ bất ổn đang hiện hữu.

Trước những đòi hỏi từ thực tế, Bộ Tài chính đã nhanh chóng xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ. Sự ra đời khẩn trương của dự thảo cho thấy Bộ Tài chính đã lắng nghe và sẵn sàng có sự điều chỉnh phù hợp, kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của thị trường và niềm tin của giới đầu tư.

Những bài học đắt giá

Sự ảm đạm kéo dài của thị trường TPDN trong năm 2022 đã góp phần khiến hai trụ cột quan trọng trên thị trường vốn là TPDN và chứng khoán đều trở nên yếu ớt, từ đó đặt nặng hơn áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lên hệ thống ngân hàng. Bối cảnh đó cho thấy, việc chấn chỉnh hoạt động của thị trường TPDN là vô cùng cấp bách, bởi trong năm 2023, dự kiến kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình trong nước. Các chuyên gia nhận định, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, sẽ tác động đến tất cả các chủ thể tham gia thị trường; và sau những bài học đắt giá mỗi chủ thể sẽ tự xốc lại vai trò của chính mình.

Nội dung nổi bật của dự thảo Nghị định là đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định tại Nghị định 65, gồm quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu. Nếu như sự ra đời của Nghị định 65 được coi là “cú hãm phanh đột ngột” đối với thị trường, thì việc tạm hoãn thực hiện các quy định này có thể coi là cú nhả phanh để thị trường vừa có thêm cơ hội tự điều chỉnh, song tốc độ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận nội dung của dự thảo sửa đổi Nghị định số 65 trước mắt sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp áp lực trái phiếu đến hạn trả nợ, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đây là lối mở cho các doanh nghiệp nhóm này khi có thể ưu tiên xử lý các nghĩa vụ trả nợ đáo hạn và/hoặc gia hạn nợ.

Ông Minh phân tích, áp lực nợ đáo hạn được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi hiệu ứng đổ vỡ “domino”. Thậm chí, theo dự thảo, các khoản nợ có thể xử lý thông qua dàn xếp bổ sung tài sản thế chấp, hoán đổi các tài sản có giá trị hơn… Với độ mở của các quy định tại dự thảo, ông Minh kỳ vọng sẽ mở đường cho các tổ chức phát hành có thể phát hành TPDN cho các tổ chức khác. “Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi nghĩ do những sự kiện khởi tố lãnh đạo cấp cao Tân Hoàng Minh Group, Vạn Thịnh Phát Group, họ vẫn sẽ có tâm lý e dè với trái phiếu và sẽ cần một khoảng thời gian đủ lâu để sẵn sàng đầu tư trở lại với sản phẩm này”, ông Minh nói.

Đồng tình quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT nhìn nhận, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường TPDN và qua đó ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đơn cử, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích ứng được dời thời hạn áp dụng sang năm 2024. Bên cạnh đó, mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản với các TPDN tới hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

Ngoài ra, một giải pháp đáng chú ý cho thị trường là cơ quan quản lý sẽ đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đơn vị này đã chỉ đạo các Sở giao dịch chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Sự ra đời của thị trường TPDN thứ cấp được kỳ vọng sẽ tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu riêng lẻ, qua đó việc nhà đầu tư đột ngột yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn sẽ được xử lý dễ dàng và bớt nghiêm trọng hơn.

Trong khoảng lặng của thị trường TPDN trong năm vừa qua, một số đơn vị vẫn phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công, như CTCP Đầu tư Nam Long huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, lãi suất cơ bản cố định +3,5%/năm, kỳ hạn 7 năm; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm… Điều đó cho thấy không phải tất cả trái phiếu trên thị trường đều là “hàng xấu”, cũng như không phải tất cả các nhà phát hành đều có năng lực kém. Thị trường TPDN đang đối diện cuộc khủng hoảng tạm thời, vì vậy việc thị trường suy giảm trong năm nay là xu hướng tất yếu, là khoảng lặng để gia cố lại nền tảng, giúp thị trường TPDN đủ sức trở thành một trụ đỡ cho thị trường vốn trong tương lai, bên cạnh tín dụng ngân hàng và chứng khoán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Gia cố thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO