Chính phủ đề xuất sửa 3 luật thuế quan trọng

Nguyễn Lê| 15/04/2024 15:25

Bên cạnh Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, Chính phủ đề xuất bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024) hai dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế tỷ lệ phần trăm) đối với rượu, bia theo lộ trình.

Có thể tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Dự kiến chiều nay (15/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 32, với nội dung đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự là dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024.

Tại tờ trình về nội dung này, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình của Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024) 7 dự án luật, trong đó có 2 dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Việc sửa đổi cả hai dự án luật đều nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), mục tiêu còn có chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khỏe và môi trường. Theo đó, Chính phủ đề nghị xây dựng luật với 7 nhóm chính sách, hoàn thiện các quy định về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, hoàn thuế và quy định về điều khoản thi hành.

Phối hợp thẩm tra đề nghị bổ sung Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung qua tổng kết, đánh giá đều có vướng mắc, bất cập.

Liên quan đến các chính sách cụ thể, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bên cạnh “nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml”, có thể rà soát, bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng chịu thuế để đảm bảo tính bao quát.

Với chính sách hoàn thiện quy định về thuế suất, Chính phủ đề xuất quy định phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối) đối với mặt hàng thuốc lá. Đối với thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm từ cây thuốc lá, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định thuế tuyệt đối. Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế tỷ lệ phần trăm) đối với rượu, bia theo lộ trình cũng là đề xuất ở lần sửa đổi này.

Những đề xuất trên, theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, sẽ tăng tính hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, góp phần định hướng tiêu dùng và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với định hướng ưu đãi thuế suất đối với xe chạy bằng khí thiên nhiên (dự kiến áp dụng mức thuế suất bằng 70% xe ô tô chạy bằng xăng, dầu cùng loại).

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được đề nghị xây dựng với 7 nhóm chính sách liên quan đến người nộp thuế và chịu thuế, các khoản thu nhập được miễn thuế. Lần sửa đổi này cũng sẽ điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số nhóm đối tượng cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới. Bên cạnh đó là hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu…

Tán thành bổ sung dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với một số chính sách cụ thể, như bổ sung quy định để áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dự kiến mức thuế suất tương ứng 17% và 15%).

Lần này, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cho phép doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh (đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) bị lỗ thì được bù trừ với lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần lý giải rõ hơn về mục tiêu chính sách này, làm rõ về các đối tượng được thụ hưởng và lượng hóa tác động giảm thu đối với ngân sách nhà nước.

Liên quan đến chính sách về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế, Chính phủ đề xuất mở rộng khái niệm cơ sở thường trú để bổ sung vào đối tượng nộp thuế các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa dịch vụ vào Việt Nam theo các hình thức thương mại điện tử, có thu nhập tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định này chưa giải quyết được một cách triệt để vấn đề thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử hiện nay. Bởi các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu đều là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, nên sẽ được miễn khoản thuế thu nhập doanh nghiệp này theo Hiệp định.

Thuế giá trị gia tăng phải giải quyết được các bài toán đặt ra từ thực tiễn

Sớm hơn một kỳ, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới.

Theo dự thảo mới được Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) lấy ý kiến chuyên gia, Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 điều của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, gồm: người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, Dự thảo đã bỏ 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Một số chuyên gia cho rằng, cần bổ sung việc vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu hỏa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, quy định theo hướng hàng hóa, dịch vụ dùng để tặng, cho, biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng 0.

Về thuế suất, theo hồ sơ được công bố trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Dự thảo bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, gồm thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan, xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Dự thảo cũng bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp.

Theo cơ quan trình, việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.

Về hoàn thuế, cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế giá trị gia tăng là “dự án đầu tư (dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư”.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024, Chính phủ đã cho ý kiến về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý yêu cầu sửa đổi luật cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, giải quyết được các bài toán đặt ra từ thực tiễn. Công cụ thuế cần bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, nhưng hợp tình, hợp lý, phù hợp tình hình, linh hoạt; tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, buôn lậu.

Đề nghị điều chỉnh 7 dự án luật của chương trình năm 2024

Chính phủ đề nghị lùi Dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội sang Kỳ họp thứ tám.

Tại Kỳ họp thứ tám, bên cạnh thông qua Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp; cho ý kiến Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đề xuất sửa 3 luật thuế quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO