Ông đánh giá thế nào về bức tranh doanh nghiệp xã hội của Việt Nam hiện nay?
Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Số doanh nghiệp đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng thực sự họ đang hoạt động. Đó là các tổ chức kinh doanh, trung tâm sáng kiến xã hội, phòng chăm sóc cộng đồng, các hợp tác xã… giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường nhưng phần lớn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ lợi ích cho người yếu thế, người khuyết tật.
Năm 2009, khi CIEM điều tra về các tổ chức dưới hình thức gọi là doanh nghiệp xã hội thì có khoảng 1.000 doanh nghiệp. Đến năm 2017, CIEM cũng có điều tra, đánh giá và ước lượng khoảng 20.000 doanh nghiệp kinh doanh trách nhiệm xã hội. Phần lớn trong số họ hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
Nhìn một cách tổng thể, đây là một phong trào mà sức sống của nó rất mạnh mẽ. Tôi rất ngạc nhiên, giới trẻ tham gia vào khởi nghiệp xã hội lại chiếm đại đa số. Những doanh nghiệp vận hành trong lĩnh vực xã hội cũng đại đa số là giới trẻ.
Một điều khác biệt nữa, doanh nghiệp xã hội tạo ra lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận để quay trở lại tái đầu tư, tiếp tục mở rộng kinh doanh, không chia cho cổ đông hay những người góp vốn.
Điều đáng nói, hoạt động của những doanh nghiệp này rất âm thầm, không khoe khoang hay kêu ca. Họ lầm lũi hy sinh, luôn tìm kiếm những giải pháp bằng năng lực nội sinh. Huy động những người cùng ý tưởng để chia sẻ cách thức làm việc nhằm tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích cho người yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Lợi ích xã hội là rất lớn từ doanh nghiệp xã hội tạo ra, nhưng có lẽ khu vực doanh nghiệp này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn?
Hiện nay chúng ta chưa có một hệ thống chính sách cụ thể nào cho cộng đồng doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội, vì thế khu vực doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn: đa số là quy mô nhỏ, nhận thức về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, cũng như một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối...
Đa phần các doanh nghiệp xã hội Việt Nam là các tổ chức, doanh nghiệp trẻ, do đó, thiếu kinh nghiệm, năng lực tổ chức và kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh, gắn kết cộng đồng, đặc biệt để đáp ứng nhu cầu kết hợp giữa kỹ năng quản lý kinh doanh với kỹ năng quản lý sứ mệnh xã hội để tạo các tác động xã hội bền vững.
Ở Việt Nam có hàng triệu người yếu thế, người tàn tật, người bị ảnh hưởng của chất độc da cam, người nghèo,… nên thị trường cho doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội là rất lớn. Thực tế, Nhà nước cũng đã dành nguồn lực rất lớn để giải quyết vấn đề này. Song, nếu chúng ta dành nguồn lực đó và tìm kiếm những cách thức tốt hơn, bền vững hơn thông qua doanh nghiệp xã hội để thực hiện những chính sách xã hội thì sẽ có một bước tiến lớn. Đây cũng chính là dư địa cho phát triển doanh nghiệp xã hội hay nói cách khác là để giải quyết những vấn đề xã hội một cách hiệu quả và công bằng hơn.
Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp xã hội lớn lên hay nói cách khác là để ngày càng có nhiều doanh nghiệp xã hội hơn nữa?
Chúng ta cần xuất phát từ thực tiễn, đừng gò ép họ vào khuôn khổ pháp lý mà cần có chính sách khuyến khích phát triển. Đơn cử, Chính phủ luôn luôn có nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội. Vì vậy, để hỗ trợ nhóm yếu thế, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù,… Chính phủ cần mua sản phẩm của doanh nghiệp xã hội về cấp cho những đối tượng cần hỗ trợ, như vậy càng tạo ra thị trường ổn định cho doanh nghiệp xã hội.
Có thể nói doanh nghiệp xã hội không lớn được, bởi họ không đi kinh doanh đa ngành. Họ chỉ tập trung giải quyết vấn đề xã hội của vùng đó, địa phương đó. Họ rất muốn những người khác ở địa phương khác học tập kinh nghiệm, cách làm của họ để về giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương họ. Đây là sự khác biệt của doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường. Doanh nghiệp xã hội sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của họ với các doanh nghiệp khác để cùng nhau thành công.
Để nhân rộng mô hình doanh nghiệp xã hội rất cần một hệ sinh thái làm bà đỡ. Đơn cử như Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp cùng Trung tâm Nghị Lực Sống cho ra mắt Công ty cổ phần Nghị Lực Sống - doanh nghiệp xã hội, được đóng góp bởi các cổ đông có chung mục tiêu hỗ trợ cho người khuyết tật và người yếu thế theo hướng thiết thực, hiệu quả và bền vững.
Doanh nghiệp xã hội Nghị Lực Sống sẽ sử dụng phần lớn lợi nhuận của công ty vào mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế; sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế; các hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận sẽ đầu tư các Trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người khuyết tật và người yếu thế trên 63 tỉnh, thành phố.
Hy vọng trong 10 năm tới chúng ta có một hệ sinh thái “Nghị lực sống” mạnh mẽ. Nếu điều này thành công, sẽ trở thành hình tượng doanh nghiệp xã hội số 1 trên thế giới. Điều đáng nói, đây chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa doanh nghiệp kinh doanh làm việc xã hội thông qua doanh nghiệp xã hội để nhân rộng mô hình doanh nghiệp xã hội.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp xã hội rất cần một chính sách hỗ trợ thực sự của Nhà nước. Đã đến lúc Chính phủ cần coi các doanh nghiệp xã hội như những đối tác chia sẻ gánh nặng, giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu xã hội. Việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận và đề ra các chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội cũng như thể chế thực hiện các chính sách đó là vô cùng cần thiết.
Ở một số quốc gia phát triển, doanh nghiệp xã hội phát triển rất sớm. Vậy chúng ta học hỏi gì từ họ, thưa ông?
Phong trào doanh nghiệp xã hội ở nước ngoài phát triển nhưng không phải nước nào cũng thành công. Nơi thành công nhất với khu vực doanh nghiệp xã hội là nước Anh, Hoa Kỳ, Canada. Ở nước Anh có 2 Đảng là Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ, họ luôn luôn khác biệt nhau về mọi mặt, trừ chính sách cho doanh nghiệp xã hội là có sự đồng nhất như nhau.
Họ quan tâm tới bản chất nên doanh nghiệp xã hội được khuyến khích phát triển và phát triển rất đa dạng. Chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội ở Anh đặt ra mục tiêu là xây dựng một môi trường thuận lợi thông qua việc củng cố vai trò và sự tham gia chính thức của Chính phủ, đảm bảo rằng các quy định luật pháp không làm cản trở sự phát triển doanh nghiệp xã hội, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp xã hội trong quá trình mua sắm dịch vụ công. Để làm cho doanh nghiệp xã hội trở thành những doanh nghiệp tốt hơn, Chính phủ cam kết làm việc với các tổ chức nâng cao năng lực để hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có những giải pháp cụ thể để đảm bảo nguồn vốn tài chính cho doanh nghiệp xã hội. Chuyển đổi từ việc doanh nghiệp xã hội phụ thuộc vào vốn tài trợ sang tự chủ tài chính từ hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, tạo ra các giá trị cho doanh nghiệp xã hội thông qua thừa nhận chính thức và truyền thông rộng rãi những đóng góp của doanh nghiệp xã hội, xây dựng hệ thống đánh giá để tạo dựng uy tín và niềm tin về những giá trị xã hội và kinh tế mà doanh nghiệp xã hội mang lại.