Cách nào chữa bệnh “có tiền không tiêu được”?

Phùng Đô - Yến Chi| 27/05/2023 10:08

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra phổ biến tại nhiều bộ, ngành, địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng. TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ về cách thức hoá giải câu chuyện “có tiền không tiêu được” lặp lại nhiều năm qua.

cách nào chữa bệnh “có tiền không tiêu được”?

TS. Nguyễn Đức Kiên

Luôn “đủng đỉnh” những tháng đầu năm

4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân ước đạt 14,66% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Có 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

Nhìn tổng thể, con số giải ngân tuyệt đối trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì thấp so với cùng kỳ, vì năm nay dồn thêm vốn của gói hỗ trợ Covid-19.

Năm 2023, Chính phủ xác định đầu tư công là động lực để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, cho nên Chính phủ bố trí khoản vốn nhiều hơn năm 2022. Vì thế, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ giải ngân thấp nhưng số tuyệt đối lại cao.

Chúng ta không nên quá lo lắng. Ví dụ, giai đoạn 2017-2022, nửa đầu năm đạt khoảng 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tuy nhiên giải ngân cả năm vẫn đạt 76,89 - 96,47%.

Quan trọng là phải có giải pháp để từ nay đến cuối năm chúng ta hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.

Theo ông, việc giải ngân chậm đã và đang tác động như thế nào đối với nền kinh tế?

Giải ngân vốn đầu tư công là một trong 3 trụ cột để tạo ra tăng trưởng GDP. Nếu việc này trì trệ, chắc chắn tăng trưởng sẽ chậm lại. Khi đó việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng theo.

TP.HCM là một ví dụ điển hình, khi giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này có tỷ lệ thấp đã khiến GRDP chỉ tăng trưởng dưới 1% những tháng đầu năm 2023.

Chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đầu tư công giải ngân chậm ở những tháng đầu năm, dù thời gian qua Thủ tướng đã chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ nhiều vướng mắc lớn?

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm chậm là căn bệnh không mới, nó đã lặp lại nhiều năm qua.

Về chủ trương, chúng ta luôn đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm. Nhưng trong thực tế cũng có những rào cản khiến không thể giải ngân nhanh ngay được.

Đầu tiên là những tháng đầu năm thường rơi vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Thứ hai là sang đến đầu năm 2023, kinh tế trong nước khó khăn, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn nhân lực, nguồn vốn.

Về nguyên vật liệu cho xây dựng như đất, đá cũng có biến động về giá và sự khan hiếm khiến cho nên đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân.

Và nguyên nhân không thể không nhắc đến đó chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến tốc độ giải ngân bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Ngoài yếu tố khách quan, ông đánh giá thế nào từ những nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu?

Khi nói đến trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong việc chậm giải ngân đầu tư công, cần phải nhìn vào thể chế và cơ chế, và nhìn rộng hơn.

Đó là, khâu chuẩn bị đầu tư ảnh hưởng nhiều đến việc giải ngân. Các bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau. Không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết thì khó có thể có kết quả tốt được.

Cùng đó là tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết, do dự án chưa xong thủ tục. Ở một góc nhìn khác, khi ở trên phân bổ vốn xuống phía dưới cũng cần phải hỏi xem việc chuẩn bị dự án thế nào.

Cho nên, trách nhiệm giải ngân đầu tư công có cả trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, công tác chuẩn bị về mặt bằng thi công và các vấn đề thuộc thể chế, cơ chế.

Tách GPMB thành tiểu dự án chỉ là “giật gấu vá vai”

cách nào chữa bệnh “có tiền không tiêu được”?

Năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn hơn 94.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2023, Bộ đã giải ngân hơn 21.800 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch, nằm trong top đầu các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án có giúp đẩy nhanh tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công không?

Việc tách giải phóng mặt bằng ra thành tiểu dự án, theo tôi chưa phải là giải pháp lâu dài, đây chỉ là mang tính “giật gấu vá vai”. Cơ bản phải nhìn vào Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và HĐND để phân giao nhiệm vụ cho địa phương.

Phải làm sao để địa phương có quyền chủ động tạo ra đất sạch và đất sạch đó sẽ là nơi tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Để làm được điều đó cần sửa luật để làm sao chính quyền địa phương được thành lập ra các công ty công ích để giải phóng mặt bằng tạo ra đất sạch. Có đất sạch rồi thì khi có dự án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương hoặc địa phương, chúng ta có thể chuyển người dân bị thu hồi đất sang khu ở mới. Không cần chờ thời gian đi tìm khu tái định cư cho người bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Cần cơ chế để phát huy sáng tạo

Từ nay đến cuối năm số vốn giải ngân đầu tư công là rất lớn, để có thể hoàn thành kế hoạch, theo ông những giải pháp nào nên được tập trung?

Nếu cần thì xin làm thí điểm là nhanh nhất. Thực tế thời gian qua, Quốc hội cũng đã có quyết sách rất linh hoạt, giống như Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

Bây giờ đối với giải phóng mặt bằng và chuẩn bị dự án đầu tư công cũng nên thử có một nghị quyết như tôi nói ở trên, là giao thẩm quyền cho địa phương để họ tạo ra khu đất sạch, sẵn sàng làm nơi tái định cư cho bất kỳ dự án nào cần đất tái định cư.

Cần phải nhìn tổng thể như vậy, không nên “nhìn thấy nóng đã cho uống giảm sốt”, mất đi triệu chứng để rồi không tìm ra được nguyên nhân.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Chính vì thế các bộ, ban ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng về đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định liên quan đến chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng. Để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Còn về vấn đề trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, cần ràng buộc thế nào để tạo ra sự chuyển biến, tránh hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh?

Ở đâu đó vẫn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lại nhận định rằng giải ngân đầu tư công chậm tất cả là do cán bộ, người đứng đầu không dám làm, sợ trách nhiệm, né tránh. Ví dụ, ở TP.HCM vẫn là con người đó, cá nhân đó, quý I/2023 giải ngân thấp nhưng đến tháng 4, tháng 5 thì tỷ lệ lại tăng cao.

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần có cơ chế, thể chế linh hoạt, tạo cho cán bộ phát huy sự sáng tạo. Sau khi đổi mới thể chế là khâu then chốt, thì đến khâu quyết định là công tác chỉ đạo, điều hành phải tính đến trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Ai chậm trễ, ai né tránh sẽ bị xử lý.

Cảm ơn ông!

Nỗ lực giải ngân 94.000 tỷ đồng vốn giao thông

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân mới đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).

Có 3 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).

Có 47/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), đến hết tháng 4/2023, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 21.800 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, Bộ GTVT đã giải ngân 11.877 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hơn 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 845 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.

Với kế hoạch vốn được Chính phủ giao lên tới hơn 94.000 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ quyết tâm, nỗ lực tối đa để giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2023 được giao.

ĐBQH Trần Văn Lâm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách:
Chưa thấy ai bị kỷ luật

Vốn đầu tư công phải được giải ngân cơ bản mới đưa được tiền vào nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, tiếp đến là bù đắp cho sự thiếu hụt tăng trưởng ở một số khu vực khác đang gặp khó khăn.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đặt ra những giải pháp mạnh như điều chuyển vốn từ nơi không giải ngân, chậm giải ngân sang nới giải ngân tốt, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Nhưng bao nhiêu năm qua, việc điều chuyển chẳng được bao nhiêu, kiểm điểm trách nhiệm cũng chưa thấy kỷ luật ai, cùng lắm là nhắc nhở, phê bình vài ba chỗ, chưa xử lý trách nhiệm ai một cách gắt gao, quyết liệt để làm gương. Đây cũng là vấn đề trong điều hành mà tôi thấy trăn trở.

Để thực sự nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cần kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng, nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm của ai? Và phải xử lý trách nhiệm cụ thể, ráo riết mới tạo ra sự răn đe. Nếu ai không làm được thì xem xét thay người khác, không thể để trì trệ, kéo dài mãi.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:
Phải kiểm tra,giám sát để truy trách nhiệm

Năm ngoái chúng ta giải ngân vốn đầu tư công khoảng 500 nghìn tỷ, năm nay lên 700 nghìn tỷ (tăng khoảng 40%). Việc tăng như vậy là cần thiết để giúp tăng trưởng ở mức không dưới 4%. Nếu tăng trưởng dưới 4%, chắc chắn thất nghiệp sẽ ra tăng.

Việc đẩy mạnh đầu tư công cũng là cơ hội để chúng ta nâng cấp hạ tầng của đất nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thời gian qua Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ví dụ như các dự án giao thông, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã lăn xả đến những công trường để thúc đẩy tiến độ của các dự án.

Tất nhiên vẫn còn đâu đó bộ ngành, địa phương giải ngân chậm vì vướng thể chế, chúng ta đang hoàn thiện tháo gỡ. Cùng với đó, để đẩy nhanh việc giải ngân thì phải đi đôi với gắn trách nhiệm, kiểm tra, giám sát.

Cá nhân người đứng đầu né tránh, cần phải có cơ quan kiểm tra giám sát, nếu sai thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Như vậy người đứng đầu sẽ không dám để tình trạng giải ngân chậm tái diễn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Cách nào chữa bệnh “có tiền không tiêu được”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO