Blockchain và ứng dụng trong hoạt động tài chính - ngân hàng

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 06:46, 31/01/2023

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được xem là chìa khóa trong việc chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng CMCN 4.0. Blockchain có tiềm năng cách mạng hóa các dịch vụ tài chính trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Bài viết nghiên cứu một số ứng dụng cũng như những lợi ích của việc áp dụng công nghệ Blockchain đối với hoạt động tài chính - ngân hàng, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển các ứng dụng của công nghệ này tại Việt Nam.
Từ khóa: Công nghệ chuỗi khối, ngân hàng, tài chính, Việt Nam.
BLOCKCHAIN AND APPLICATIONS IN FINANCIAL and BANKING ACTIVITIES
Abstract: Blockchain technology is considered a key to digital transformation and building the future information technology foundation in the wave of the Fourth Industrial Revolution. Blockchain has the potential to revolutionize financial services in banking businesses. The article presents some applications and the benefits of applying blockchain technology to banking and financial activities. From there, the paper proposes some recommendations to develop applications of this technology in coming time in Vietnam.
Keywords: Blockchain, banking, finance, Vietnam.
1. Giới thiệu
Ngành dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và xã hội vì lĩnh vực này cho phép tiết kiệm và đầu tư, bảo vệ các cá nhân, doanh nghiệp khỏi rủi ro, đồng thời góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (Agenda, 2016). Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thay đổi ngành công nghiệp theo thời gian bằng cách tạo điều kiện cho sự gia tăng đáng kể các giao dịch và đa dạng hóa các sản phẩm (Gardner, 2011). Tuy nhiên, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này theo truyền thống là rất chậm (Gardner, 2011; Harrison và Estelami, 2015). Điều này chủ yếu là do gánh nặng quy định và văn hóa bảo thủ gắn liền trong ngành (Das và cộng sự, 2017; Harrison và Estelami, 2015). Đã có nhiều sự đổi mới lớn về công nghệ trong 50 năm trở lại đây, cụ thể: Máy tính hóa hệ thống thông tin vào những năm 1950 (Luftenegger và cộng sự, 2010); máy rút tiền tự động (ATM) vào những năm 1960 (Bátiz-Lazo, 2009); giao dịch chứng khoán điện tử vào những năm 1970 (Terrell, 2010); máy tính lớn vào những năm 1980 và sự lớn mạnh của Internet vào những năm 1990, đầu những năm 2000 (Desai, 2015).
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua như dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), các công nghệ được nhà quản lý sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát các hoạt động của các thành viên tham gia thị trường tài chính (SupTech)... Những thay đổi này đã kích hoạt cuộc cách mạng Fintech (Mackenzie, 2015; Gomber và cộng sự, 2018), xoay quanh ba trụ cột chính: (i) Vốn sẵn có cho các công ty khởi nghiệp dưới hình thức đầu tư mạo hiểm; (ii) Công nghệ mới; (iii) Các mô hình kinh doanh mới (Gomber và cộng sự, 2018).
Satoshi Nakamoto, một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh đã phát minh ra Blockchain nhằm phục vụ cho ngành tài chính. Tiền kỹ thuật số là ứng dụng đầu tiên của Blockchain, được ra đời vào năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn ra. Với mong muốn phát triển một loại tiền tệ không bị thao túng hay can thiệp bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào... hệ thống Blockchain đã ra đời (Nakamoto và Bitcoin, 2008). Thực tế cho thấy, khi có sự can thiệp của con người vào hệ thống tài chính thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tồn tại không ít tác động tiêu cực. Vì thế, một hệ thống hoàn toàn tự động, minh bạch với tốc độ xử lý giao dịch nhanh, bảo mật nhằm phục vụ cho lợi ích của nền kinh tế, xã hội là điều cần thiết. 
Tiếp đó là sự ra đời của hợp đồng thông minh (Smart Contract). Dựa trên nền tảng Blockchain, khi phát sinh tranh chấp về lợi ích hay điều khoản hợp đồng thì Smart Contract không cần bên thứ ba phân xử. Với cơ chế đảm bảo sự minh bạch, các hợp đồng thông minh hoạt động một cách tự động dựa trên các mã hóa ban đầu mà không cần sự can thiệp của con người. Nhờ đó, các hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được tự động hóa thực hiện; tốc độ xử lý các các giao dịch cũng tăng lên, đồng thời an toàn và bảo mật cao hơn. Những thay đổi này đã mang lại những cải thiện lớn về hiệu quả, tạo ra khoản tiết kiệm tiềm năng từ 16 - 20 tỷ USD/năm (Santander, 2015; Capgemini, 2016). Blockchain có thể giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng cho các ngân hàng, đồng thời giúp tiết giảm chi phí từ 8 - 12 tỷ USD/năm thông qua việc loại bỏ các bước trung gian và các khoản phí có liên quan (Hassani và cộng sự, 2018). IBM (2016) đã khảo sát 200 ngân hàng từ 16 quốc gia và phát hiện ra rằng, vào năm 2020, khoảng 66% ngân hàng dự kiến sẽ áp dụng công nghệ mới và việc áp dụng Blockchain đang tăng tốc nhanh hơn ước tính. Accenture (2016) đã phỏng vấn 32 chuyên gia ngân hàng thương mại và nhận thấy rằng, 9/10 ngân hàng tham gia khảo sát đã và đang khám phá việc sử dụng Blockchain trong thanh toán.
Với những tiện ích mà Blockchain mang lại, nhiều nhà cung cấp tài chính đã và đang trong quá trình phát triển và cung cấp các giải pháp tài chính cho ngành Ngân hàng dựa trên Blockchain. Theo Underwood (2016), Deloitte đã phát triển các giải pháp bao gồm nhận dạng thông tin của khách hàng (Know Your Customers - KYC). Hay R3, một Hiệp hội Fintech mới được hỗ trợ bởi hơn 40 ngân hàng, đang làm việc trên một kiến ​​trúc chuẩn hóa cho sổ cái riêng bằng cách sử dụng Blockchain có thể cắt giảm đáng kể chi phí và thời gian giải quyết các giao dịch. Ngoài ra, Dự án HyperLedger của Linux và IBM cũng đang xây dựng nền tảng của một sổ cái kỹ thuật số cấp sản xuất được tiêu chuẩn hóa. Các ngân hàng và viện tài chính đang xem xét triển khai Blockchain trong một số lĩnh vực kinh doanh như thanh toán, giao dịch chứng khoán, các quy trình dựa trên giao dịch, chuyển tiền và thanh toán trực tuyến (Beck và Müller-Bloch, 2017; Zheng và cộng sự, 2017).
2. Blockchain và các ứng dụng trong tài chính - ngân hàng
2.1. Ứng dụng của Blockchain trong tài chính - ngân hàng
Hoạt động thanh toán và chuyển tiền
Bắt đầu từ tiền điện tử, bài viết nghiên cứu chủ yếu tập trung vào liên ngân hàng và các khoản thanh toán xuyên biên giới thường được xử lý bằng các khoản thanh toán bù trừ trung gian. Các quy trình này đòi hỏi một loạt các quy trình phức tạp bao gồm ghi sổ kế toán, giao dịch và đối chiếu số dư giữa nhiều tổ chức tài chính (Guo và Liang, 2016a). Đó là một quá trình kéo dài, tốn nhiều thời gian và thường dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải quyết các khoản thanh toán cũng như các chi phí bổ sung. Tổng số thanh toán xuyên biên giới đạt 27,7 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2017 và chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch trong thanh toán và 50% doanh thu (McKinsey, 2016). 
Bằng cách cho phép thanh toán ngang hàng và cung cấp giải quyết 24/7, Blockchain có thể giảm chi phí và rủi ro giao dịch trong khi mang lại (gần như) các khoản thanh toán theo thời gian thực (Realtime), tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc (Buitenhek, 2016). Với những lợi ích không thể phủ nhận này, không có gì ngạc nhiên khi cả ngân hàng trung ương và các tổ chức tư nhân đã bắt đầu xem xét các ứng dụng dựa trên Blockchain để thanh toán (Bott và Milkau, 2017). 
Tại châu Á, các ngân hàng lớn như Mizuho, Sumitomo Mitsui Banking và Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) đã ứng dụng Blockchain trong dự án chuyển tiền ngang hàng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tài chính, an toàn và bảo mật cao hơn nhưng với chi phí thấp hơn (Duy, 2021). Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng OCBC ở Singapore được biết đến là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển tiền nội địa và chuyển tiền quốc tế trên nền tảng Blockchain (OCBC, 2016). Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã hợp tác với một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và thực hiện thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain vào tháng 7/2018 (Dam và cộng sự, 2020).
Trên thực tế, hoạt động thanh toán đa tiền tệ xuyên biên giới không chỉ gắn với các giao dịch kinh doanh, trong đó chuyển tiền cũng chiếm một lượng đáng kể trong việc chuyển tiền xuyên biên giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối quốc tế đạt 585 tỷ USD trong năm 2017, trong đó có 7,32% bị mất phí chuyển tiền (Ngân hàng Thế giới, 2017). Ngoài ra, 39% dân số thế giới, chủ yếu bao gồm dân số ở các nước đang phát triển, không có tài khoản ngân hàng, khiến người nhận rất khó thu được số tiền được chuyển (Mesropyan, 2016). Trong bối cảnh này, sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống Blockchain và công nghệ di động có khả năng đưa hàng tỷ USD đến với nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển, từ đó làm giảm (ít nhất một phần) khoảng cách so với các nước giàu hơn.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture, hơn 50% các nhà quản lý hàng đầu hiện nay đã thừa nhận Blockchain giữ vai trò quan trọng đối với sự thành công của các ngân hàng cũng như công ty tài chính. Công nghệ này cho phép hệ thống ngân hàng tiết kiệm nhân lực, giảm bớt các thủ tục rườm rà, đẩy nhanh tốc độ xử lý các giao dịch... Họ tin rằng, trong tương lai, các ứng dụng của Blockchain sẽ dần dần thay thế các nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng.
Hoạt động tín dụng
Tín dụng là một lĩnh vực khác mà Blockchain có thể thay đổi mạnh mẽ hoạt động hiện tại. Blockchain là một công nghệ hiện đại cho phép các giao dịch thông minh có thể thay thế các giao dịch truyền thống, từ đó giảm chi phí giao dịch cho vay và tài chính kinh doanh (Larios-Hernández, 2017). Một ví dụ điển hình là việc áp dụng các mã thông báo dựa trên Blockchain để cho phép huy động vốn từ cộng đồng không qua trung gian, hay còn được gọi là Phát hành tiền ảo lần đầu (ICO - Initial coin offering) (Adhami và cộng sự, 2018; Catalini và Gans, 2018; Howell và cộng sự, 2020). Bất chấp mọi sự chú ý, các hệ thống cho vay ngang hàng (P2P) hỗ trợ Blockchain đang nhận được sự đầu tư từ các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khối lượng vốn qua các kênh này vẫn chiếm thị phần nhỏ của thị trường tín dụng trên tổng thể thị trường cho vay. Điều này cho thấy, các hệ thống Blockchain vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc vượt qua “biên giới lòng tin” của người tiêu dùng tài chính (Hawlitschek và cộng sự, 2018). 
Đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, sự kém hiệu quả của hệ thống thông tin tín dụng chủ yếu là do: Thứ nhất, dữ liệu khan hiếm và chất lượng thông tin kém nên khó phán đoán khả năng tài chính của cá nhân; thứ hai, khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu của các bên có liên quan; thứ ba, quyền sở hữu dữ liệu người dùng không rõ ràng, dẫn đến các lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. 
Hiện nay, Blockchain có thể cung cấp một số hỗ trợ giải quyết những vấn đề này. Thật vậy, thông qua ứng dụng định danh khách hàng (KYC), các ngân hàng lưu trữ thông tin khách hàng trong cơ sở dữ liệu của riêng họ và sau đó sử dụng công nghệ mã hóa để tải lên thông tin tóm tắt để lưu trữ trong hệ thống Blockchain. Khi có các yêu cầu truy vấn, nhà cung cấp dữ liệu gốc có thể được thông báo bằng cách sử dụng Blockchain và truy vấn đó có thể được thực hiện. Do đó, tất cả các bên có thể tìm kiếm dữ liệu lớn bên ngoài, đồng thời không tiết lộ dữ liệu kinh doanh cốt lõi của họ. 
Bên cạnh đó, Blockchain được ứng dụng nhằm cải thiện tốc độ ra quyết định của người cho vay. Đánh giá rủi ro của những người đi vay tiềm năng (có thể là một công ty hoặc một cá nhân) thường dựa trên hồ sơ lịch sử của các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu đặt ra những thách thức lớn đối với tính hợp lệ và mạnh mẽ của các mô hình điểm tín dụng (Abdou và Pointon, 2011). Những vấn đề này đặc biệt rõ ràng khi khách hàng vay tiềm năng là các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thông tin hiếm khi được công khai và sẵn có (Thomas và cộng sự, 2017). Điều này cuối cùng dẫn đến việc phân bổ vốn không hiệu quả (Jacobson và Roszbach, 2003) và mất đi cơ hội cho sự tăng trưởng tín dụng (T. Beck và Demirguc-Kunt, 2006). Mặt khác, nhờ Blockchain, các ngân hàng đầu tư có thể rút ngắn quy trình xử lý giao dịch khoản vay từ 20 xuống còn 6 - 10 ngày với mức tăng trưởng nhu cầu trong tương lai ước tính là 5%, tăng thu nhập và giảm chi phí hoạt động (Kawasmi và cộng sự, 2017).
Khi nói đến chấm điểm tín dụng, thị trường dữ liệu có thể đại diện cho một điểm chung cho người cho vay và người đi vay, thông qua đó thông tin được trao đổi một cách an toàn (Roman và Gatti, 2016). Thị trường dữ liệu về cơ bản là các hệ thống tập trung, do đó yêu cầu các bên liên quan khác nhau tin tưởng vào bên thứ ba quản lý dữ liệu của họ. Điều này chứng tỏ những dữ liệu được sử dụng để chấm điểm tín dụng là những dữ liệu rất nhạy cảm và có giá trị tiềm năng. Trong bối cảnh này, Blockchain có thể được tận dụng để tạo ra thị trường dữ liệu đáng tin cậy thông qua các nhà cung cấp thông tin, những người đi vay và người cho vay, đồng thời đảm bảo nguồn gốc và tính toàn vẹn của dữ liệu (Roman và Stefano, 2016). Do đó, các hệ thống Blockchain hỗ trợ cải thiện quy trình chấm điểm tín dụng, từ đó giảm tỷ lệ rủi ro và mang lại các lợi ích kinh tế chắc chắn (Byströrm, 2016).
Giao dịch liên ngân hàng
Trước kia, khi các ứng dụng của Blockchain chưa xuất hiện thì các giao dịch liên ngân hàng sẽ mất vài ngày để thực hiện. Chẳng hạn như khách hàng muốn gửi tiền từ tài khoản của ngân hàng Anh đến ngân hàng ở Mỹ thì yêu cầu chuyển tiền này sẽ được thực hiện qua Hiệp hội Truyền thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (gọi tắt là SWIFT). Tuy nhiên, hằng ngày SWIFT sẽ gửi 24 triệu tin nhắn đến hơn 10.000 tổ chức khác nhau. Điều này gây mất thời gian và tốn kém chi phí qua nhiều khâu trung gian. 
Khi hệ thống ngân hàng ứng dụng Blockchain thì các giao dịch tương tự sẽ được giải quyết trực tiếp; tức các ngân hàng sẽ không cần dựa vào mạng lưới dịch vụ lưu ký và cơ quan quản lý như SWIFT, mà họ có thể giải quyết các yêu cầu trực tiếp qua ứng dụng Blockchain một cách công khai.
One Pay FX, một ứng dụng dựa trên công nghệ sổ cái phân tán Ripple của xCiverse cho phép khách hàng của Santader xử lý thanh toán quốc tế theo thời gian thực (cùng ngày T+0) đối với các loại tiền khác nhau. Với tốc độ nhanh, chi phí thấp, minh bạch, One Pay hiện nay là nhà cung cấp giải pháp thanh toán linh hoạt, an toàn và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu bảo mật thông tin của ngân hàng và các tổ chức quốc tế (OnePay, 2021).
Batavia, nền tảng tài chính thương mại toàn cầu được phát triển bởi tập đoàn bao gồm 05 ngân hàng: CaixaBank, UBS, Commerzbank, Bank of Montreal và Tập đoàn Erste dựa trên nền tảng Blockchain của IBM. IBM cho biết, khoảng thời gian trung bình để xử lý hoàn chỉnh một giao dịch là 07 ngày. Nhưng với Batavia, con số này có thể giảm xuống còn 01 giờ vào sổ cái phân tán duy nhất và thanh toán bằng hợp đồng thông minh.
Mặc dù thời gian thực hiện giao dịch đã được giảm xuống bằng giây, việc thanh toán sau giao dịch đôi khi vẫn là một quá trình kéo dài, thậm chí trong nhiều ngày đối với giao dịch phức tạp. Giải quyết trong hai ngày (T+2) hoặc ba ngày (T+3) vẫn là tiêu chuẩn của ngành tài chính nhưng các giao dịch phức tạp hơn như cho vay hợp vốn thậm chí có thể mất đến ba tuần (Chiu và Koeppl, 2018).
Benos và cộng sự (2017) cũng nêu bật một số thách thức cần vượt qua trước khi Blockchain trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực thanh toán bù trừ. Một là, sự tương tác giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực; hai là, các giới hạn pháp lý và quy định; và ba là, sự sẵn sàng chấp nhận của công nghệ mới.
2.2. Lợi ích của Blockchain trong hoạt động tài chính - ngân hàng
Bên cạnh đó, Benos và cộng sự (2017) đã chỉ ra một số lợi ích mà Blockchain mang lại trong hoạt động tài chính - ngân hàng:
Giảm chi phí điều hành và quản lý dữ liệu: Việc áp dụng Blockchain cho phép tạo ra một cơ sở dữ liệu phân tán, chia sẻ và đồng bộ về quyền sở hữu bảo mật. Như vậy, việc ứng dụng Blockchain có thể đơn giản hóa và tự động hóa hầu hết các quy trình thanh toán, từ đó giảm đáng kể các sai sót có thể xảy ra. Mainelli và Milne (2016) ước tính khả năng giảm 50% đối với loại chi phí giao dịch này. Khả năng tiết giảm chi phí trung gian luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng dụng Blockchain (Hassani và cộng sự, 2018). Accenture (2017) cho rằng, các giải pháp dựa trên Blockchain có thể giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 8 tỷ USD, trong khi báo cáo của Santandar tuyên bố rằng, họ có thể tiết kiệm chi phí lên đến 20 tỷ USD hằng năm (Guo và Liang, 2016a). Blockchain có thể giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng cho các ngân hàng và giúp tiết kiệm từ 8 - 12 tỷ USD chi phí mỗi năm thông qua việc loại bỏ các bước trung gian và các khoản phí đi kèm (Hassani và cộng sự, 2018).
An toàn bảo mật dữ liệu: Osmani và cộng sự (2020) cho rằng, việc sử dụng Blockchain có khả năng bảo mật cao hơn so với việc lưu trữ dữ liệu như cách làm truyền thống trong cơ sở dữ liệu trung tâm. Với cách lưu dữ liệu như trước đây, thông tin rất dễ bị đánh cắp bởi tin tặc. Hoặc khi có sự cố, trục trặc thì tất cả dữ liệu sẽ gặp rủi ro. Blockchain, hệ thống phân tán có thể lưu trữ thông tin trên mạng lưới mà tất cả mọi người đều được sở hữu. Vì vậy, Blockchain giúp ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại bởi những cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, Higginson và cộng sự (2019) nêu rõ rằng, tính ẩn danh, mật mã, bảo mật và khả năng lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu của Blockchain có thể cho phép các ngân hàng xem bất kỳ dữ liệu nào trên mạng sổ cái phân tán do các ngân hàng khác nhập vào. Điều này cho phép các ngân hàng thu thập nhanh chóng dữ liệu, thông tin của khách hàng, từ đó quá trình ra quyết định và phân bổ tín dụng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
Cải thiện tốc độ giao dịch: Smith (2018) nhận thấy rằng, dữ liệu của Blockchain được xác minh và sẵn có kịp thời nên sẽ cải thiện đáng kể thời gian giải quyết các giao dịch. Nếu như trước đây, ngành tài chính - ngân hàng phải đối mặt với những hệ thống và quy trình rườm rà, mất hàng giờ hoặc vài ngày để xác nhận các giao dịch thì giờ đây, Blockchain đã giúp các giao dịch được thực hiện với tốc độ chỉ trong vài giây thông qua hệ thống kỹ thuật số và loại bỏ các trung gian. Nhờ đó, tính hiệu quả các giao dịch thông qua hệ thống Blockchain càng được đảm bảo (Zheng và cộng sự, 2018). Việc thực hiện các giao dịch nhanh chóng làm giảm rủi ro thanh khoản cho khách hàng và cả ngân hàng. Bên cạnh đó, Accenture (2017) dự đoán rằng, việc cải thiện tốc độ giao dịch sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm 50% chi phí cho các quy trình hoạt động.
Ngoài ra, tính bất biến (immutability) của Blockchain rất giá trị đối với lĩnh vực kinh tế, tài chính. Dữ liệu là vĩnh viễn và chỉ có thể sửa đổi nếu có sự đồng ý của tất cả các người dùng trong mạng lưới. Tất cả sự thay đổi nếu có đều lưu lại dấu vết công khai trên hệ thống (Deshpande và cộng sự, 2017). 
Truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch: Blockchain là cơ sở dữ liệu “chỉ dành cho phần thêm vào”. Nói cách khác, các bản ghi không thể bị xóa hoặc thay đổi khi chúng đã được lưu trữ trong khối. Điều này cung cấp khả năng truy xuất đầy đủ các giao dịch. Sổ cái cũng được chia sẻ giữa những người tham gia mạng, do đó tăng tính minh bạch của các giao dịch. Thật vậy, bằng cách khóa các khối, toàn bộ quyền truy cập dữ liệu lịch sử, đặc quyền ủy quyền và các thay đổi hiển thị công khai cho tất cả các bên, đạt được mức độ minh bạch cao chưa từng có. Tuy nhiên, Malinova và Park (2017) đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư thường thích quyền riêng tư hơn tính minh bạch vì chung quy không ai muốn người khác hay các cơ quan tài chính thấy các giao dịch cá nhân ngay cả khi điều này có thể được xã hội mong muốn. Do đó, cần thiết lập thị trường minh bạch dựa trên Blockchain, tối đa hóa phúc lợi xã hội nhưng đồng thời cũng bảo vệ quyền riêng tư của các nhà đầu tư (Cortis và cộng sự, 2019). Ngoài ra, tính minh bạch sẽ cho phép kiểm toán thời gian thực, báo cáo tài chính tự động, hành động nhanh chóng liên quan đến vi phạm tuân thủ và liên lạc trong thời gian thực giữa các ngân hàng và cơ quan quản lý.
Smart Contract: Là hợp đồng kỹ thuật số, hoạt động dựa trên Blockchain, cho phép tự động hóa thực hiện các điều khoản của hợp đồng, với khả năng chống giả mạo cao và không cần sự tham gia của bên thứ ba (Alharby và van Moorsel, 2017; Cong và He, 2019; Giancaspro, 2017). Smart Contract có thể đảm bảo rằng các khoản thanh toán được thực hiện tự động sau khi đạt được thời gian và kết quả xác định trước. Điều này sẽ cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng tài chính, giảm rủi ro do thực hiện thủ công và giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí một cách đáng kể (Guo và Liang, 2016). Thật vậy, việc áp dụng Blockchain trong chuỗi cung ứng tài chính có thể giúp giảm chi phí cho các ngân hàng. Theo tính toán của McKinsey, Blockchain sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động từ 13,5 - 15 tỷ USD hằng năm và chi phí rủi ro 1,1 - 1,6 tỷ USD hằng năm (Guo và Liang, 2016). Hơn nữa, Blockchain góp phần cải thiện hiệu quả giao dịch đảm bảo dòng chảy thông suốt hơn của các kênh tài trợ thương mại tổng thể, điều này giúp tăng thu nhập cho chuỗi thương mại tổng thể. Theo Hassani và cộng sự (2018), 60% giám đốc điều hành được khảo sát tin rằng Blockchain và Smart Contract sẽ rất quan trọng trong ba thập kỷ tới. Họ cũng cảnh báo rằng các ngân hàng nên sớm triển khai các giải pháp Smart Contract để không bị mất vai trò quản lý hợp đồng trong tương lai.
3. Kết luận và một số khuyến nghị
Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về Blockchain và các tài liệu hiện có về các ứng dụng của công nghệ tiên tiến này đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bất chấp tất cả những lời thổi phồng và tất cả những hứa hẹn xung quanh Blockchain, đây vẫn là một công nghệ giai đoạn đầu; số lượng sử dụng tiềm năng ngày càng lớn nhưng rất ít trường hợp trong số đó đã được đưa ra thị trường. Điều này đặc biệt đúng đối với các dịch vụ tài chính, nơi mà sự bảo thủ và các yêu cầu về quy định là những thách thức lớn đối với sự đổi mới.
Về bản chất, Blockchain là một sự đổi mới công nghệ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn các nghiên cứu cho đến nay đều đến từ lĩnh vực khoa học máy tính. Tuy nhiên, ngày nay Blockchain đã được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội từ vận tải và logistics, sản xuất, truyền thông và viễn thông, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, bán lẻ, giáo dục, y tế, du lịch cũng như hỗ trợ quản lý dữ liệu quốc gia. Mặc dù vậy, việc tích hợp các hệ thống kế thừa hiện có với Blockchain vẫn là một nhiệm vụ rất khó khăn; thật không đúng khi nghĩ rằng các tổ chức sẽ loại bỏ các hệ thống hiện có để chuyển sang các hệ thống dựa trên Blockchain vì quá trình chuyển đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Bên cạnh những lợi ích mà Blockchain mang lại, một số thách thức cơ bản được chỉ ra khi ứng dụng công nghệ này bao gồm: Thuật ngữ vẫn chưa rõ ràng, các rủi ro tiềm ẩn khi áp dụng và có khả năng làm gián đoạn các hoạt động thực tiễn, thiếu các quy định chặt chẽ, khả năng duy trì bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu chưa đảm bảo, tiêu tốn nhiều năng lượng... (Deshpande và cộng sự, 2017).
Tại Việt Nam, Blockchain vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển và mức độ thay đổi mà công nghệ mới này có thể tạo ra trong lĩnh vực tài chính phụ thuộc vào việc khắc phục những hạn chế kỹ thuật hiện tại và tăng cường sự chấp nhận của các bên hữu quan. Bài viết này đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần phát triển ứng dụng của công nghệ Blockchain trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng về sự phát triển của công nghệ Blockchain cũng như các lĩnh vực ứng dụng của công nghệ này. Để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm giúp các bên hữu quan có cái nhìn bao quát về xu thế phát triển của Blockchain, cách vận dụng công nghệ mới này nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như vận hành tổ chức một cách hiệu quả.
Thứ hai, sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain. Hiện tại, Bộ Tài chính bước đầu đã triển khai nghiên cứu về tiền ảo nhằm đưa ra những đề xuất trong việc quản lý, giám sát các hoạt động có liên quan đến tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành mới; đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các quy định và xây dựng lộ trình cho việc ứng dụng Blockchain vào các lĩnh vực đời sống nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ ba, Nhà nước cần ủng hộ các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain vào hoạt động sản xuất, quản lý doanh nghiệp. Xem xét việc thành lập cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ về Blockchain để bước đầu tạo ra hệ sinh thái cho công nghệ này. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Mặt khác, các doanh nghiệp cần thiết lập nền tảng ứng dụng Blockchain một cách nghiêm túc nhằm mang lại các giá trị thiết thực cho người sử dụng, đồng thời giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống chứ không vì chạy đua theo trào lưu Blockchain để kêu gọi vốn đầu tư.
Thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc ứng dụng Blockchain vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng là căn cứ để các doanh nghiệp bước đầu áp dụng hợp đồng thông minh, góp phần minh bạch quá trình quản lý và bảo mật dữ liệu khi sử dụng hệ sinh thái Blockchain. Cùng với đó, nhân lực tương xứng với việc áp dụng Blockchain hiện đang gặp không ít thách thức; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa vì thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì thế, rất cần những chính sách đãi ngộ, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu về Blockchain hiện nay.
Nhìn chung, Blockchain đã và đang mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, xã hội thông qua những ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực đời sống. Trong tương lai, để các ứng dụng của Blockchain phát triển đúng định hướng, các bên có liên quan cần nâng cao nhận thức, có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghệ; đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững cho thế hệ mai sau.

Tài liệu tham khảo:
1. Adhami, S., Giudici, G., & Martinazzi, S. (2018). Why do businesses go crypto? An empirical analysis of initial coin offerings. Journal of Economics and Business, 100, 64 - 75.
2. Agenda, I. (2016). The Role of Financial Services in Society Understanding the impact of technology-enabled innovation on financial stability.
3. Bátiz-Lazo, B. (2009). Emergence and evolution of ATM networks in the UK, 1967 - 2000. Business History, 51(1), 1 - 27.
4. Beck, R., & M-ller-Bloch, C. (2017). Blockchain as radical innovation: A framework for engaging with distributed ledgers as incumbent organization.
5. Beck, T., & Demirguc-Kunt, A. (2006). Small and medium-size enterprises: Access to finance as a growth constraint. Journal of Banking & Finance, 30(11), 2931 - 2943.
6. Benos, E., Garratt, R., & Gurrola-Perez, P. (2017a). The economics of distributed ledger technology for securities settlement. Available at SSRN 3023779.
7. Buitenhek, M. (2016). Understanding and applying blockchain technology in banking: Evolution or revolution? Journal of Digital Banking, 1(2), 111 - 119.
8. Catalini, C., & Gans, J. S. (2018). Initial coin offerings and the value of crypto tokens. National Bureau of Economic Research.
9. Cortis, D., Debattista, J., Debono, J., & Farrell, M. (2019). InsurTech. In Disrupting finance (pp. 71- 84). Palgrave Pivot, Cham.
10. Dam, H., Phan, D., Vu, D., & Nguyen, L. (2020). The determinants of customer’s intention to use international payment services by applying blockchain. Uncertain Supply Chain Management, 8(3), 439 - 456.
11. Das, P., Verburg, R., Verbraeck, A., & Bonebakker, L. (2017). Barriers to innovation within large financial services firms: An in-depth study into disruptive and radical innovation projects at a bank. European Journal of Innovation Management.
12. Deshpande, A., Stewart, K., Lepetit, L., & Gunashekar, S. (2017). Distributed Ledger Technologies/Blockchain: Challenges, opportunities and the prospects for standards. Overview Report The British Standards Institution (BSI), 40, 40.
13. Duy, T. P. K. (2021). Ứng dụng Blockchain trong tài chính - ngân hàng: Chi phí, lợi ích, thách thức và cơ hội. Kinh tế Việt Nam trên con đường chuyển đổi số. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Gardner, J. A. (2011). Innovation and the future proof bank: A practical guide to doing different business-as-usual. John Wiley & Sons.
15. Gomber, P., Kauffman, R. J., Parker, C., & Weber, B. W. (2018). On the fintech revolution: Interpreting the forces of innovation, disruption, and transformation in financial services. Journal of Management Information Systems, 35(1), 220 - 265.
16. Guo, Y., & Liang, C. (2016a). Blockchain application and outlook in the banking industry. Financial Innovation, 2(1), 1 - 12.
17. Guo, Y., & Liang, C. (2016b). Blockchain application and outlook in the banking industry. Financial Innovation, 2(1), 1 - 12.
18. Harrison, T., & Estelami, H. (2015). The Routledge companion to financial services marketing. Routledge Oxfordshire.
19. Hassani, H., Huang, X., & Silva, E. (2018a). Banking with blockchain-ed big data. Journal of Management Analytics, 5(4), 256 - 275.
20. Hassani, H., Huang, X., & Silva, E. (2018b). Banking with blockchain-ed big data. Journal of Management Analytics, 5(4), 256 - 275.
21. Hawlitschek, F., Notheisen, B., & Teubner, T. (2018). The limits of trust-free systems: A literature review on blockchain technology and trust in the sharing economy. Electronic Commerce Research and Applications, 29, 50 - 63.
22. Higginson, M., Hilal, A., & Yugac, E. (2019). Blockchain and retail banking: Making the connection. McKinsey & Company.
23. Howell, S. T., Niessner, M., & Yermack, D. (2020). Initial coin offerings: Financing growth with cryptocurrency token sales. The Review of Financial Studies, 33(9), 3925 - 3974.
24. Kawasmi, Z., Gyasi, E. A., & Dadd, D. (2017). Blockchain Adoption Model for the Global Banking Industry. 28(4), 44.
25. Nakamoto, S., & Bitcoin, A. (2008). A peer-to-peer electronic cash system. Bitcoin. - URL: Https://Bitcoin. Org/Bitcoin. Pdf, 4, 2.
26. Osmani, M., El-Haddadeh, R., Hindi, N., Janssen, M., & Weerakkody, V. (2020). Blockchain for next generation services in banking and finance: Cost, benefit, risk and opportunity analysis. Journal of Enterprise Information Management.
27. Roman, D., & Stefano, G. (2016). Towards a reference architecture for trusted data marketplaces: The credit scoring perspective. 95 - 101.
28. Zheng, Z., Xie, S., Dai, H., Chen, X., & Wang, H. (2017). An overview of blockchain technology: Architecture, consensus, and future trends. 557 - 564.
29. Zheng, Z., Xie, S., Dai, H.-N., Chen, X., & Wang, H. (2018). Blockchain challenges and opportunities: A survey. International Journal of Web and Grid Services, 14(4), 352 - 375.

Nguyễn Thị Ánh Ngọc / Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Mi