Nền tảng tăng trưởng mới
Tin tức - Ngày đăng : 16:11, 21/01/2023
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhấn mạnh: công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”; đồng thời chỉ ra rằng: “chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột pháđể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhờ “tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên”.
Các ngành và lĩnh vực mà Nghị quyết yêu cầu ưu tiên phát triển có:“công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn)”, “chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh…” và “cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số”.
Như vậy, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, con đường, lộ trình chuyển đổi số quốc gia để phát triển đất nước trong những năm tới, nhất là khi các lợi thế so sánh về tài nguyên, dân số trẻ, đầu tư công, kể cả xuất khẩu và tiêu dùng… vốn là các động lực phát triển của những năm trước có thể sẽ eo hẹp hơn. Vấn đề là ở cấp quản trị quốc gia, chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào?
Có một điều chắc chắn rằng, lợi ích của việc số hóa nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ là không thể phủ nhận nhưng chuyển đổi số quốc gia luôn gắn liền với việc hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật để phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Đơn cử, số hóa lĩnh vực giao thông vận tải sẽ góp phần tối ưu hóa hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách đa phương thức trên nền tảng hạ tầng số vận tải quốc gia dùng chung cho nền kinh tế; có thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia theo mô hình “một cửa” liên ngành, liên vùng, tạo ra hệ sinh thái vận tải số mở, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, góp phần giảm chi phí logistics, năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được như vậy rất cần có quy định của pháp luật về các tiêu chuẩn, quy định, quy trình kết nối thông tin, dữ liệu dùng chung, vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trong vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.
Trong ngành dệt may, ngoài việc số hóa quá trình quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư cho nhà máy thông minh với lộ trình hợp lý, vừa với sức mình, bắt đầu bằng Nhà máy Sợi Phú Bài. Nhà máy hoàn toàn tự động, kết nối cơ sở dữ liệu và thông tin chất lượng, sản lượng với các trung tâm quản lý chất lượng sản phẩm và khách hàng toàn cầu, giảm tới 84% lao động, 50% diện tích đất sử dụng so với nhà máy cùng công suất, chi phí tiết kiệm lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm của nhà máy mới.
Hay trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ mà lằn ranh cách biệt giữa các doanh nghiệp fintech (công nghệ tài chính) và ngân hàng như dần mờ nhạt. Các doanh nghiệp fintech Việt Nam đã tham gia tích cực vào thực hiện các chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính bao trùm, phục vụ các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp trong xã hội, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tiếp cận dịch vụ ngân hàng với nhiều tiện ích và trải nghiệm mới. Các ngân hàng thương mại đã phát triển nhiều dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số với các siêu ứng dụng trên nền điện thoại thông minh, intrenet để thanh toán, chuyển khoản, quản lý tài khoản, tài chính cá nhân online vô cùng thuận tiện.
Những khả năng, mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ mới mang lại những trải nghiệm mới “không tưởng”, những bứt phá trong phát triển rất cần khung khổ pháp lý mới, cập nhật được các tiến bộ khoa học, công nghệ. Ngoài những vấn đề như tài chính và chất lượng nguồn nhân lực, khung khổ pháp lý chính là bệ phóng cho các nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tạo ra nền tảng vững chắc mới cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi của người dân. Trong nền kinh tế số, giá trị của tài sản vô hình là các giải pháp phần mềm, bí quyết công nghệ, cơ sở dữ liệu… cũng cần được đối xử công bằng với các tài sản hữu hình và xác định giá trị, khấu hao.
Chính vì thế, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã đề nghị Chính phủ đẩy mạnh triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chú trọng công tác xây dựng pháp luật, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gắn với Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đổi mới về thể chế vẫn là điều kiện tiên quyết hình thành khung khổ pháp lý để tạo ra những bước phát triển đột phá, nhất là trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực số hóa đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Trong năm mới Quý Mão, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất mong chờ được tiếp cận các quy định pháp luật mới, liên quan tới quá trình chuyển đổi số cho các ngành và lĩnh vực cũng như tổng thể nền kinh tế, góp phần khích lệ, động viên, ủng hộ đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển mới cho đất nước để rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.