Tôn bồi bản lĩnh điều hành nền kinh tế
Tin tức - Ngày đăng : 10:00, 11/01/2023
Năm 2022 đã trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc của những người nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Chưa bao giờ trong vòng 40 năm trở lại đây, kinh tế thế giới có nhiều biến động không thể dự báo được như vậy. Trên cơ sở kết quả đạt được từ hai năm phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội với quan điểm nhất quán “ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững”. Nhưng vừa triển khai được 55 ngày, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều điểm mới.
Ngày 24/2, cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra làm cho các yếu tố rủi ro gia tăng vượt dự báo của kịch bản xấu nhất cả về quy mô, tính chất, nhất là về kinh tế vĩ mô, tài chính-tiền tệ. Nhiều chính sách, quyết định được các quốc gia ban hành không dựa vào các yếu tố kinh tế mà chủ yếu dựa vào quyết định chính trị, làm cho thế giới suy giảm tăng trưởng và làm nguy cơ suy thoái ngày càng rõ nét hơn. An ninh lương thực thế giới bị đe dọa khi nguồn cung ứng lúa mì, dầu hướng dương, phân bón… bị đứt gãy.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được các thành tựu ấn tượng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 11 tháng đạt 3,02%. So cùng kỳ năm trước vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 15,1%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 11,8%. Đặc biệt khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, đáng chú ý, lần đầu xuất khẩu thủy sản chạm mốc 10 tỷ USD. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa-dịch vụ tiêu dùng đều tăng tương đối cao. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,2% so cùng kỳ năm 2021. Kết quả này thể hiện sự chủ động tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức đồng lòng của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam).
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công nói trên là sự phối hợp chủ động, kịp thời và nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ. Ngay trong tháng 12/2021, sau khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến trong nước như: giá dầu thế giới có xu hướng tăng mạnh, các nước trên thế giới liên tục có các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới gần 10% GDP. Hành động này đã tạo ra sức ép rất lớn đến khả năng cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp Việt Nam. Để sớm khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã chủ động tổ chức phiên họp đột xuất thông qua Chương trình khôi phục kinh tế hai năm 2022-2023 do Chính phủ trình với tổng giá trị lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ đã tập trung vào những khâu đột phá như: bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 về chỗ ở, việc làm cũng như hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ngành hàng ưu tiên. Nhờ có quyết định kịp thời, Chính phủ đã có căn cứ pháp lý trong điều hành kinh tế cả nước từ sớm.
Bên cạnh đó, sự phối hợp ăn ý hơn của các cơ quan Chính phủ dưới sự điều hành quyết liệt của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm, với nhận định công tác điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn, đã ghi nhiều dấu ấn đột phá. Chính sách tiền tệ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không chuyển trạng thái đột ngột, giật cục với các quan điểm được xác định rõ ngay từ đầu năm là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, công bố hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm gắn với chủ động miễn, hoãn và giảm nhiều loại thuế như VAT, bảo vệ môi trường… đã góp phần giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động hơn trong triển khai sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Sự phối hợp của ngành lao động-thương binh và xã hội với các địa phương trong việc triển khai nhanh các gói hỗ trợ người lao động phù hợp với từng vùng miền, làm tăng sự gắn bó với doanh nghiệp và ổn định xã hội.
Tuy nhiên, nền kinh tế trong năm 2022 cũng có những sự việc phát sinh như hoạt động bán lẻ xăng dầu làm người tiêu dùng không hài lòng. Trước tình hình biến động, tăng mạnh giá năng lượng trên thị trường thế giới, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và trình Quốc hội điều chỉnh giảm thuế môi trường hai lần để kiềm giữ lạm phát, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, nguồn cung được bảo đảm ổn định, phục vụ cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh định mức chi phí bán lẻ xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của khối bán lẻ, dẫn đến tình trạng nghịch lý là xăng dầu trong tổng kho còn nhưng người dân phải xếp hàng đến nửa đêm để đổ xăng dầu tại các cây xăng của doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Chậm xác định mức chi phí hợp lý phù hợp cho kinh doanh xăng dầu là do chưa phân công quyền và trách nhiệm của các bộ cụ thể trong lĩnh vực này, đã để xảy ra sự việc kể trên. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phù hợp với vận hành của nền kinh tế thị trường, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động và hiệu quả trong quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Một việc đúng ra là của các bộ phải phát hiện và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉnh sửa thì nay lại từ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tác động điều hành của Chính phủ đối với kinh tế vĩ mô. Hy vọng sau sự việc này, các bộ, ngành có được bài học quý báu trong phối hợp điều hành.
Bước sang năm mới, tuy khó khăn còn nhiều, thách thức còn lớn, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng dân tộc ta, nhân dân ta sẽ cùng với Đảng và Nhà nước vượt qua thử thách, đồng tâm nhất trí thực hiện mục tiêu xây dựng thành công một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”