Thiếu cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới
Chính sách - Ngày đăng : 08:32, 04/01/2023
Sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư khiến cho một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều thương hiệu lớn như Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, Công ty cổ phần Sữa TH, Nestlé Việt Nam,... cũng có chủ trương tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn dựa trên lợi ích mang lại do đổi mới công nghệ, tái sử dụng, tái chế chất thải. Tuy nhiên, việc thiếu nền tảng pháp lý có thể khiến các mô hình kinh tế mới ở Việt Nam gặp nhiều rủi ro hoặc kém hiệu quả.
Không thể vận hành theo cách truyền thống
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn chứng: Một doanh nghiệp có dự án nuôi bò theo quy trình khép kín xử lý chất thải làm năng lượng sinh khối vừa bị chính quyền địa phương từ chối bố trí vào khu công nghiệp vì cho rằng nuôi bò là hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong thực tiễn, hoạt động của doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn rất đa dạng, khó có thể phân loại chính xác vào một ngành kinh tế cụ thể.
Nếu thật sự muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, chính quyền địa phương phải dành cho doanh nghiệp một khu đất sạch, nhưng vướng Luật Đất đai cho nên họ yêu cầu phải có văn bản rõ ràng về pháp lý mới chấp nhận dự án. Làm theo cách truyền thống như vậy phải mất 10 năm mới gỡ được những vướng mắc, chồng chéo về quy định của chính sách.
Trên bình diện chung, nhận thức của doanh nghiệp, người dân và xã hội về kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế, cho dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa khá toàn diện chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về vấn đề này. Dự kiến quý I/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ phê duyệt cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, ý tưởng xây dựng cơ chế thử nghiệm để phát triển thị trường được đề ra từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Thông tin cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đang ở giai đoạn trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Trong khi đó, tốc độ phát triển của thị trường đang có những bước tăng trưởng rất nhanh với sự tham gia của hơn 150 công ty Fintech hoạt động trên nhiều lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P lending); trung gian thanh toán và ví điện tử; công nghệ chuỗi-khối (blockchain)... và nhiều dịch vụ của các ngân hàng. Một số tổ chức nghiên cứu ước tính giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam có thể đạt mức 10-11 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Sớm triển khai để không tụt hậu
Vấn đề của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và lĩnh vực Fintech, kinh tế tuần hoàn nói riêng ở Việt Nam hiện nay không phải là ứng dụng công nghệ nào để tăng tốc phát triển mà là làm thế nào để không vi phạm pháp luật, vì khung pháp lý vẫn chưa được ban hành, ngay cả ở quy mô thử nghiệm.
Trong báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực có khả năng áp dụng ở Việt Nam được công bố mới đây, CIEM chỉ rõ: Cơ chế thử nghiệm không phải là một cách tiếp cận mới. Năm 2016, lần đầu cơ chế thử nghiệm được giới thiệu ở Vương quốc Anh, sau đó lan tỏa ra nhiều nước khác như Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Singapore,...
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2020 có 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm với 73 loại hình khác nhau cho các công ty Fintech. Bản chất của hoạt động sáng tạo nhiều rủi ro, có thể thành công, cũng có thể thất bại cho nên cơ quan hoạch định chính sách quá cầu toàn sẽ không thể đưa ra chính sách kịp thời và phù hợp thực tiễn.
Chia sẻ luận điểm này, một thành viên Ban soạn thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech cho biết, cơ chế thử nghiệm là phương thức cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro. Nếu định hướng là đổi mới sáng tạo thì cán cân kiểm soát rủi ro sẽ ít hơn và ngược lại. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về Fintech, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động tài chính trong môi trường điện tử, môi trường số đòi hỏi phải kiểm soát chặt rủi ro, khiến quá trình thảo luận mất rất nhiều thời gian.
Nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, không để bị tụt hậu và tạo thêm không gian, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Tư duy chính sách xây dựng thể chế sandbox cần đặt lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu và thường xuyên thay đổi, nâng cấp để phù hợp thực tiễn triển khai; có cơ chế xử lý tranh chấp và khiếu nại hiệu quả.
Nhắc đến điểm hạn chế của Việt Nam là năng lực ra nghị quyết tốt nhưng triển khai thực hiện luôn có nhiều hạn chế, PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi xây dựng cơ chế thử nghiệm cho Fintech và kinh tế tuần hoàn cần làm rõ các giải pháp về điều kiện thi hành, tính đồng bộ của cơ chế, chính sách đi kèm và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. “Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Singapore.
Họ quy định người đứng đầu các ngành phải thỏa thuận, cam kết cùng phối hợp và ba tháng phải họp một lần để đánh giá cụ thể từng nội dung, nhằm bảo đảm cho các chính sách được triển khai trong cuộc sống. Làm được như vậy mới sâu sát, không đánh trống bỏ dùi, tăng tính khả thi cho chính sách”, PGS, TS Bùi Quang Tuấn đề xuất.
Thể chế sandbox là cách tiếp cận mới, hiện đại cho quản lý nhà nước trong bối cảnh thế giới không ngừng đổi mới sáng tạo, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức đầu tư và mô hình kinh tế mới. Thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu, Việt Nam cần sớm triển khai thực hiện để có cơ hội bắt kịp và đi cùng sự phát triển với các nước tiên tiến.