Tăng trưởng lập kỳ tích và 'nét khác biệt đáng tự hào' của kinh tế Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 14:50, 29/12/2022
GDP đạt 8,02%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát
Năm 2022, hoạt động kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Các nền kinh tế hàng đầu phải chống chọi với nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của nước ta. Rủi ro, bất ổn đan xen buộc các nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành vĩ mô. Lạm phát tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nhiều nền kinh tế, giá năng lượng, lương thực biến động phức tạp, khó lường. Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, kinh tế thế giới chống chịu khủng hoảng đa tầng, không dễ vượt qua trong ngắn hạn.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế. Chỉ một biến động nhỏ của thế giới cũng gây tác động lớn tới kinh tế -xã hội trong nước.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đã lập kỳ tích, đạt 8,02%, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch.
Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng.
Trong bức tranh tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,15% thấp hơn khá nhiều mục tiêu lạm phát 4% trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt đáng tự hào", trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp.
Củng cố và khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế
Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định. Trong khi tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm sau cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm vượt mốc 730 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu; cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, đạt 10,98 tỷ USD góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.
Điểm sáng FDI trong bối cảnh đầu tư thương mại quốc tế suy giảm
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Năm 2022 có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.
Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó
Năm 2022, kinh tế nước ta phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội giao. Kết quả đạt được là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn.
Hệ luỵ từ đại dịch khiến doanh nghiệp phải đương đầu với giá nguyên, nhiên vật liệu và logistic tăng cao; thiếu hụt linh kiện lắp ráp; khó khăn về vốn, tài chính; thiếu hụt lao động và các rào cản pháp lý.
Trong khó khăn như thế, cộng đồng doanh nhân vẫn hăm hở lao vào kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 148,5 nghìn; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 59,8 nghìn; bình quân một tháng trong năm có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Chính phủ tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả lên trên hết
Cùng với sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nhân, Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh thế giới bất định.
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.
Sẽ sắc nét hơn, ấn tượng hơn nếu như một số bất cập được tháo gỡ kịp thời
Bức tranh kinh tế-xã hội năm 2022 của nước ta sẽ sắc nét hơn, ấn tượng hơn nếu như một số bất cập về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được tháo gỡ kịp thời; nếu như một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý nâng cao tinh thần trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh, bớt vô cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
Trong năm có 208,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhưng có tới 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân cứ 10 doanh nghiệp ra nhập thì có gần 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nếu như đầu tư công - động lực tăng trưởng của nền kinh tế được giải ngân nhanh hơn. Đối với kinh tế nước ta, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.
Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.
Xuất khẩu hàng hóa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong các năm qua và những năm tới. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của nước ta phụ thuộc quá lớn vào một số ít nhóm hàng và khu vực FDI.
Kim ngạch của chỉ 8 nhóm hàng đã chiếm tới 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế; kim ngạch của 2 nhóm hàng thuộc khu vực FDI là điện thoại và linh kiện và điện tử máy tính và linh kiện chiếm tới 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh thương mại quốc tế của nước ta dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2022 giảm 1,36%, phản ánh nền kinh tế cần nhiều hơn giá trị hàng xuất khẩu để đổi được một lượng hàng nhập khẩu so với năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa phát huy và tận dụng lợi ích của các FTA mang lại để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong năm 2022 kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
5 yếu tố định hình kinh tế thế giới 2023
Các chuyên gia kinh tế nhận định có 5 yếu tố định hình kinh tế thế giới trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đó là: lãi suất; biến động của kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa kinh tế thế giới; chuyển đổi năng lượng; can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.
Năm 2023, Trung Quốc đang dần loại bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi nền kinh tế khởi sắc, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa công nghiệp, đẩy giá nguyên liệu thô thế giới tăng lên, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng và các loại dịch vụ khác, khi đó lạm phát toàn cầu sẽ bật tăng.
Nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, Bloomberg ước tính giá năng lượng sẽ tăng 20% và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự báo sẽ giảm xuống 3,9% vào giữa năm, có nguy cơ tăng vọt lên 5,7% vào cuối năm 2023.
Hoạt động kinh tế xã hội nước ta trong năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có hồi kết, gây hệ luỵ đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 suy giảm so với năm 2022, có thể rơi vào suy thoái; các nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tăng lãi suất để xử lý lạm phát; kinh tế nước ta có độ mở lớn.
"Cỗ xe tứ mã" và những mục tiêu không dễ để đạt được
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước ta chủ yếu dựa vào "cỗ xe tứ mã" với tầm quan trọng khác nhau của 4 "con ngựa kéo" - 4 trụ cột, đó là: 1. Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; 2. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước của thị trường gần 100 triệu dân; 3. Thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tính lan toả của nền kinh tế; 4. Xuất khẩu.
Bên cạnh đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là động lực mới và sẽ trở thành trụ cột trong những năm tới.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2023 là 6,5%, với quy mô GDP tăng 916,2 đến 969,7 nghìn tỷ so với năm 2022, tương đương với mức tăng quy mô GDP của năm 2022 so với năm 2021 với tốc độ tăng trưởng 8,02%.
Tuy mục tiêu tăng 6,5% GDP năm 2023 thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022 nhưng 1% GDP năm 2023 đạt 104,1 nghìn tỷ, cao hơn 9,7 nghìn tỷ so với 1% GDP của năm 2022.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, dự kiến khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phải tăng 3%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 7,6%-8,3%; khu vực Dịch vụ tăng 6,5%-7,0%.
Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam.
Với các chính sách, giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, với chỉ đạo khẩn trương, sát sao và cụ thể của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi nhưng không dễ đạt được.
Bức tranh lạm phát 2023 có nhiều nét đáng quan ngại
Về mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% cho năm 2023. Bức tranh lạm phát năm 2023 có nhiều nét đáng quan tâm vì giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ nhiều yếu tố: áp lực lạm phát cầu kéo do thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội làm cho tổng cầu tăng đột biến; áp lực lạm phát chi phí đẩy trong bối cảnh USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu.
Đặc biệt, xăng dầu, điện là hai mặt hàng năng lượng chiến lược, quan trọng trong tiêu dùng và sản xuất, nhu cầu sử dụng hai mặt hàng này sẽ tăng trong năm 2023 khi tổng cầu tăng.
Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo giá xăng dầu có nhiều khả năng tăng trong thời gian tới. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác quyết định cắt giảm sản lượng và Liên bang Nga thông báo có thể cắt giảm 5-7% sản lượng dầu mỏ vào đầu năm 2023 sẽ tác động đến giá dầu trên thị trường thế giới.
Giá điện trong nước đã bị kìm giữ không tăng trong mấy năm qua, trong khi giá than, giá khí dùng trong sản xuất điện tăng cao, cơ cấu nhiệt điện, điện khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện phát ra. Vì vậy, đã đến lúc Chính phủ cần điều chỉnh giá điện, tạo nguồn lực cung cấp đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế.
Nếu tăng giá điện trong năm 2023 sẽ tạo áp lực lên lạm phát do tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng, đồng thời làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.
Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 lương cơ sở tăng từ mức 1,49 triệu đồng/ tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng tương ứng mức lương cơ sở mới sẽ tăng thêm 20,8% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,67%.
Áp lực lạm phát năm 2023 còn đến từ khả năng điều chỉnh theo lộ trình tăng giá dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, y tế.
Bên cạnh đó, một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc trong năm 2022; thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương bị ảnh hưởng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Với áp lực lên lạm phát từ các yếu tố đề cập ở trên, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% năm 2023 là không dễ.
Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương triển khai và giám sát việc thực hiện các giải pháp trước áp lực lãi suất, lạm phát trong năm 2023
Năm 2023 áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam rất lớn, đến từ nhiều yếu tố. Để giữ ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả trong thực thi chức trách và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiết nghĩ, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp sau.
Đối với Chính phủ:
1. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát.
2. Thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp giữ ổn định vĩ mô; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hạn chế tối đa lạm phát do tỷ giá, đồng thời giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ. Có giải pháp cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, tránh rủi ro biến động của tỷ giá.
3. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ như: giãn, hoãn, miễn thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Xác định cụ thể từng ngành, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ vốn để duy trì và phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô.
4. Minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.
Dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
5. Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của biến động giá xăng dầu thế giới đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.
Điện là mặt hàng năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương cần dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cho từng quý trong năm 2023.
6. Đánh giá tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ sở đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
7. Xây dựng và thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ có mục tiêu cho những người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.
8. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để đưa thông tin kịp thời, chính xác, rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; ổn định tâm lý xã hội, tâm lý người dân về các chủ trương, chính sách điều hành kinh tế - xã hội nhất quán, kịp thời của Chính phủ. Loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả, thị trường, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi thực thi chính sách tài khoá, tiền tệ, điều chỉnh tiền lương và giá điện.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp:
1. Phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt trong ngắn hạn để có giải pháp nhập khẩu kịp thời, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các loại nguyên vật liệu thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
2. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ động nguồn ngoại tệ, nghiên cứu các điều kiện để tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn, quyền chọn, tham gia thị trường phái sinh có uy tín để bảo vệ giá trị tiền vốn của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro tỷ giá khi nhập khẩu.
3. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, tăng lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh. Nắm bắt và đánh giá cách các "đối thủ cạnh tranh" phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.
4. Đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp vừa là giải pháp ứng phó bất ổn, vừa là công cụ để cạnh tranh chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp thực hiện liên kết, chia sẻ nguồn cung nguyên vật liệu; đơn hàng, thị trường; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; hỗ trợ nguồn lực tài chính để cùng phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
5. Để phát huy động lực xuất khẩu cho tăng trưởng, các doanh nghiệp phải cập nhật thông tin mới, đổi mới cách tiếp cận nhằm tận dụng tối đa những lợi ích do các Hiệp định thương mại tự do mang lại; cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.
6. Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu không thể đoán trước, doanh nghiệp tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao, tăng lợi nhuận trong dài hạn, cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư về công nghệ, nhân sự và các lĩnh vực khác để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng mang lại lợi ích lâu dài.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường; không chắc chắn; phức tạp và mơ hồ, khi chính sách, giải pháp đã được ban hành, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện nhằm phát huy hiệu quả các chính sách, giải pháp. Kinh nghiệm, năng lực và khả năng điều hành, ứng phó trước các biến động của tình hình thế giới, khu vực của Chính phủ; sự ổn định chính trị, ổn định vĩ mô, cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đây cũng là những căn cứ quan trọng cho kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.