Chuyển đổi số trong tài chính ngân hàng: Không làm ngay sẽ bị loại khỏi cuộc chơi
Tin tức - Ngày đăng : 17:26, 24/11/2022
Mở đầu buổi toạ đàm, ông Nguyễn Nhật, Phó Tổng biên tập Thường trực báo SGGP cho biết, đối với Việt Nam, một trong các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Và đó cũng là lý do tổ chức buổi tọa đàm hôm nay.
Góc nhìn từ Hàn Quốc
TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, chia sẻ về những kinh nghiệm trong CĐS lĩnh vực tài chính, NH của Hàn Quốc. Ông Văn đã lấy những ví dụ cụ thể về tốc độ phát triển nhanh chóng của các NH số như Toss Bank, Kakao Bank… những NH định hướng phục vụ cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ hộ kinh doanh và các đối tượng yếu thế.
Ông Văn cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH, Hàn Quốc đã sớm ban hành các luật có liên quan đến fintech và NH số (internet only banking hay neo – banking) như: Luật NH internet only; Luật Hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính mà cốt lõi là các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với phương châm “cấp phép trước, điều chỉnh sau”, với thời hạn thử nghiệm 2 năm và chỉ gia hạn một lần 2 năm.
“Thực sự khó có thể CĐS mạnh mẽ ngành tài chính, NH nếu thiếu các quy định của pháp luật vì mọi thứ đều rất mới mẻ. Cho dù công nghệ có tiên tiến đến đâu cũng khó tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn, cả từ phía người dùng đến nhà cung cấp dịch vụ” - ông Văn chia sẻ.
Từ câu chuyện của Hàn Quốc, ông Văn nhìn nhận đối với Việt Nam sau khi sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Phòng chống rửa tiền, và trong năm 2023 là những Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Bảo hiểm tiền gửi hay Luật NHNN sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi để theo kịp thực tiễn đang đặt ra cho quá trình CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH góp phần thúc đẩy 3 trụ cột CĐS quốc gia: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Lắng nghe những chia sẻ của TS. Trần Văn về kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán NHNN cho rằng, đây là những cập nhật tham chiếu tốt cho Việt Nam trong quá trình CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH. Trên cơ sở rà soát quy định về cấp phép và an toàn hoạt động NH trong nước, ông Dũng nêu một số kiến nghị.
Thứ nhất, nghiên cứu xem xét và đề xuất sửa đổi bổ sung quy định tại Luật NHNN, Luật Các TCTD theo hướng bổ sung thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép của NHNN đối với mô hình NH số như một loại hình TCTD mới, riêng biệt cùng với đó là điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục cấp, thu hồi giấy phép NH số, từ đó làm căn cứ để sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy định pháp lý, hướng dẫn triển khai Luật.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng đề xuất cơ chế cấp giấy phép NH số với một số tiêu chí điều kiện cấp phép như: các điều kiện tiêu chuẩn về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, quản trị hoạt động NH. Cần phải duy trì tương đương với yêu cầu tiêu chuẩn của các NH truyền thống hiện hữu, đặc biệt chú trọng các quy định, yêu cầu tuân thủ về phòng chống rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin.
Các điều kiện tiêu chuẩn mới về vốn pháp định - vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu và điều kiện năng lực tài chính của các cổ đông sáng lập, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài… Đồng thời, cần xem xét quy trình cấp phép theo từng giai đoạn.
Thứ ba, điều chỉnh hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, giám sát hoạt động các mô hình/nền tảng NH số nói chung và giám sát các NH số sau khi được cấp phép nói riêng.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Với những chia sẻ của TS. Trần Văn về kinh nghiệm của Hàn Quốc và góc nhìn thực tế và khuyến nghị cho Việt Nam của ông Lê Anh Dũng, các diễn giả tham gia toạ đàm lần này đã đưa ra nhiều góc nhìn đa chiều xung quanh nội dung này.
TS. Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH có 3 xu hướng chính: Các NH truyền thống áp dụng công nghệ cải tiến quy trình; các fintech tham gia cung cấp dịch vụ; NH số hoàn toàn.
Theo đánh giá của TS. Dương Quốc Anh, hoạt động số hoá mạnh nhất là xu hướng các NH ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để số hoá hoạt động của mình. Các fintech có 2 nhóm chính là cung cấp giải pháp kỹ thuật số cải thiện hoạt động thanh toán, tín dụng hoặc đứng sau các định chế tài chính. Còn NH số ở Việt Nam chưa có, và NHNN chưa có định hướng cấp phép cho NH số đúng nghĩa.
TS. Dương Quốc Anh cũng đưa ra 3 khuyến nghị. Thứ nhất, định hướng nào với Việt Nam để thúc đẩy quá trình CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH. Làm sao để các NH, TCTD tận dụng thành quả công nghệ số, cung cấp sản phẩm tiện ích cho khách hàng. Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý CĐS nhanh trong lĩnh vực tài chính, NH vì môi trường số khác với môi trường truyền thống. Thứ ba, phải có luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
TS. Trương Văn Phước, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, vấn đề CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH là việc phải làm ngay, chúng ta phải hội nhập công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Để làm tốt nhất các Bộ, ngành nên xem xét sửa luật để không ai chịu rủi ro.
Chia sẻ góc nhìn của mình, GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cũng đưa ra 3 gợi ý xung quanh câu chuyện CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH. Thứ nhất, chúng ta quy định sự đổi mới theo cách cũ hay đổi mới các quy định. Thứ hai, chúng ta điều tiết công nghệ hay dùng công nghệ để điều tiết. Thứ ba, thay vì nói sandbox chúng ta cần nói thành safebox (hộp an toàn) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của toàn hệ thống.
TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết ngay từ bây giờ phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực CĐS. Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM đến nay dù chưa có giáo trình cho riêng lĩnh vực này, nhưng chúng tôi đã có tầm nhìn trước và đưa ra những giáo án phù hợp với CĐS cho sinh viên, để khi ra trường không phải bỡ ngỡ.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo, và ông Huỳnh Trọng Thận, Giám đốc điều hành Công ty FinViet, cũng đã đưa ra những khó khăn trong quá trình phát triển mô hình fintech tại Việt Nam. Theo đó, khó khăn không chỉ ở giai đoạn đầu hình thành, phát triển, mà nếu kéo dài vẫn chưa khai thông, thì khi đó thị trường thanh toán sẽ đạt đến mức bão hòa, vậy các fintech phải tự đặt câu hỏi tương lai mình cần làm gì, có làm như NH được hay không…
Khép lại buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá CĐS trong lĩnh vực tài chính, NH là vấn đề sống còn, nếu không chuyển đổi chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, vì thế giới đang đi rất nhanh. TS. Kiên cho rằng chúng ta vẫn bị một “bệnh” cố hữu là dùng tư duy cũ để giải thích vấn đề mới.
Nhiệm vụ mới đặt ra về việc CĐS của NH về mục tiêu dài hạn là phải đáp ứng yêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phải tập trung vào nhóm những khách hàng mà hiện nay tổ chức truyền thống chưa với tới. Phải đảm bảo an toàn hệ thống. Cách thực hiện phải linh hoạt nhưng đảm bảo hiệu quả, thuận tiện cho người tiêu dùng và cho cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát.