Sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền và một số góp ý hoàn thiện dự án Luật này nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Chính sách - Ngày đăng : 07:48, 15/11/2022
Công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc1. Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin làm rõ sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền và một số góp ý hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.
Tóm tắt: Công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc1. Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin làm rõ sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền và một số góp ý hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.
Từ khóa: Quốc hội; Luật Phòng, chống rửa tiền; góp ý hoàn thiện dự án Luật; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
1. Sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền
1.1. Cơ sở chính trị
Một trong các giải pháp được đưa ra tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung phát triển và hoàn thiện, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về tham nhũng, rửa tiền. Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017, tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”. Do vậy, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ (điểm 1 Phần IV Kế hoạch) và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố” ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 07/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
1.2. Cơ sở pháp lý
1.2.1. Các điều ước quốc tế
Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 605/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo) bao gồm nhiều điều khoản về chống tội phạm có tổ chức và yêu cầu những nước đã thông qua Công ước này phải thực hiện các điều khoản của Công ước bằng cách nội luật hóa, bao gồm cả các quy định về phòng, chống rửa tiền như hình sự hóa đầy đủ tội rửa tiền (Điều 6), xây dựng các biện pháp để phòng ngừa và phát hiện mọi hành vi rửa tiền trao quyền hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền (Điều 7), thành lập một đơn vị tình báo tài chính của quốc gia và thúc đẩy hợp tác quốc tế (Điều 7). Để triển khai Công ước trên, điểm 2 (a) mục II Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Palermo đã quy định về nhiệm vụ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm cho phù hợp với Công ước và Nghị định thư, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần (Công ước Viên 1988) vào tháng 11/1997 và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước Merida) tháng 8/2009. Công ước Viên chủ yếu đề cập đến các điều khoản để chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật. Mặc dù trong Công ước Viên không sử dụng thuật ngữ rửa tiền nhưng khoản 1 Điều 3 Công ước đã đưa ra định nghĩa về khái niệm này và yêu cầu các nước hình sự hóa hoạt động đó.
Công ước Merida yêu cầu các quốc gia thành viên phải: Xây dựng các biện pháp chống rửa tiền (Điều 14); phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có (Điều 52); thành lập đơn vị tình báo tài chính có trách nhiệm nhận, phân tích và chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về các giao dịch tài chính đáng ngờ (Điều 58); hình sự hóa các tội phạm liên quan đến tài sản do phạm tội mà có trong đó có tội tham nhũng (Chương 3), đồng thời có các biện pháp xử lý tội tham nhũng hiệu quả, tăng cường hợp tác quốc tế (Chương 4).
Như vậy, theo yêu cầu của các Công ước nêu trên, các quốc gia thành viên, tham gia hoặc phê chuẩn Công ước đều phải có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần, phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia và hành vi tham nhũng, tài trợ khủng bố. Để thực hiện các biện pháp này, các quy định pháp luật về biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng cần được áp dụng có hiệu quả để phòng ngừa, phát hiện các hành vi nêu trên. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là một yêu cầu để thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.
1.2.2. Các cam kết quốc tế của Việt Nam
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Việc gia nhập APG khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới trong việc xây dựng một thể chế tài chính lành mạnh và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (RT/TTKB/TTPBVKHDHL) nói riêng. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là cơ sở để Việt Nam tham gia các hoạt động hợp tác song phương, đa phương thông qua các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các hoạt động chính trị, xã hội khác. Trên thực tế, việc Việt Nam trở thành thành viên của APG đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Việt Nam tham gia các diễn đàn của Liên hợp quốc như hoạt động của Văn phòng phòng, chống tội phạm và ma túy, gia nhập và triển khai các Công ước và Nghị quyết có liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận được các chính sách ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á... cũng như sự hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế khác cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Việc gia nhập APG cũng tạo điều kiện cho các thành phần trong nền kinh tế mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài và hợp tác với các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, với tư cách thành viên của APG, Việt Nam đã được hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo về phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL thông qua các chương trình hỗ trợ phù hợp dành cho các nước thành viên của APG để nâng cao việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, hằng năm, APG xây dựng các mô hình để xem xét các xu hướng RT/TTKB/TTPBVKHDHL mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để cung cấp cho các thành viên nhằm phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả hơn. Trước yêu cầu về công tác phòng, chống rửa tiền trong hình hình mới ngày càng khó khăn, phức tạp, việc tiếp tục là thành viên của APG và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của thành viên tạo điều kiện hỗ trợ cho công tác phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam; qua đó, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh những lợi ích thành viên nêu trên, Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên của APG. Theo đó, Việt Nam phải cam kết đóng góp vào quỹ của APG hằng năm trên cơ sở quy mô nền kinh tế theo quy định của APG, cam kết thực hiện các chuẩn mực quốc tế về RT/TTKB/TTPBVKHDHL (40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) ban hành2); cam kết tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo Phương pháp luận đánh giá của FATF. Kể từ khi trở thành thành viên đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 lần đánh giá đa phương của APG (năm 2008 và năm 2019). Tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của APG năm 2017, các quốc gia đã thông qua kế hoạch đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ ngày 04 đến 15/11/2019, Đoàn đánh giá APG đã thực hiện đánh giá tại chỗ đối với Việt Nam. Quá trình đánh giá đa phương lần thứ hai này của APG đối với Việt Nam gồm việc rà soát khuôn khổ pháp lý thực hiện dựa trên việc tuân thủ của các quốc gia thành viên theo 40 khuyến nghị của FATF về phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL đã cập nhật và dựa trên phương pháp luận mới, tập trung vào tình hình và việc thực thi các khuôn khổ pháp lý thông qua đánh giá tính hiệu quả trong quy định tại 11 mục tiêu trực tiếp của FATF. Theo phương pháp đánh giá đa phương của APG hiện hành, các quốc gia sẽ bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường nếu có một trong các tiêu chí: (i) Về khuôn khổ pháp lý (TC): Có 1 trong 6 khuyến nghị cốt lõi (các khuyến nghị số: 3, 5, 6, 10, 11, 20)3 bị đánh giá tuân thủ một phần hoặc không tuân thủ và/hoặc có từ 21/40 khuyến nghị bị đánh giá tuân thủ một phần hoặc không tuân thủ; (ii) Về hiệu quả thực thi (IO): Có 7/11 IO hoặc hơn bị đánh giá hiệu quả Trung bình/Thấp, hoặc có 4/11 IO bị đánh giá hiệu quả Thấp. Tại Báo cáo đánh giá đa phương nhận định: (i) Về khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/404 khuyến nghị của FATF, trong 27/40 khuyến nghị này có 5/6 khuyến nghị cốt lõi; (ii) Về hiệu quả thực thi: Hiện nay, có 2/11 mục tiêu trực tiếp được đánh giá hiệu quả “Khá”5; 2/11 IO được đánh giá là hiệu quả “Trung bình”6; 7 IO bị đánh giá hiệu quả “Thấp”7. Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của APG và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF. Trong một năm, kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023), Việt Nam sẽ phải làm việc thường xuyên với APG/FATF để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương. Sau thời gian này, nếu Việt Nam không thể hiện được sự tiến bộ đối với 09 IO đang bị xếp hạng ở mức Thấp hoặc Trung bình và không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL (gọi tắt là Danh sách Xám) - danh sách công khai toàn cầu của FATF.
Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, theo nghiên cứu của IMF8, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu USD tùy thuộc quy mô nền kinh tế. Hiện nay, trong các nước thành viên của APG, có 23/41 nước bị rơi vào Danh sách Xám của FATF, trong đó chỉ có Mông Cổ đã ra khỏi Danh sách Xám trong vòng 01 năm nhờ thực hiện rất nhanh chóng và hiệu quả các hành động khuyến nghị mà APG đưa ra. Để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống RT/ TTKB/TTPBVKHDHL giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022), trong đó bao gồm Danh mục 41 hành động quốc gia về phòng, chống RT/TTKB/TPBVKHDHL giai đoạn 2021 - 2025 và Phụ lục 83 hành động thực hiện Kế hoạch đến tháng 3/2023. Theo Kế hoạch này, bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn chi tiết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự liên quan đến tội RT/TTKB/TTPBVKHDHL; nghiên cứu tính khả thi và đề xuất xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội tại Việt Nam; giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, rà soát Luật Tương trợ tư pháp; giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản... Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải triển khai thực hiện một loạt các hành động khác như: Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền (Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao); tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát trong phòng, chống rửa tiền thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành có đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành... Như vậy, để khắc phục các thiếu hụt về cơ chế phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL tại Báo cáo đánh giá đa phương, Việt Nam cần phải có rất nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động quốc gia và các nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh đó, việc đánh giá Việt Nam đã khắc phục được các thiếu hụt để không bị đưa vào Danh sách Xám còn phụ thuộc vào quan điểm đánh giá của APG và của FATF.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục những thiếu hụt về cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của FATF đã chỉ ra trong Báo cáo đánh giá đa phương. Cụ thể, hiện nay, các nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) liên quan đến 25/40 khuyến nghị, trong đó có 23/25 khuyến nghị hiện đang bị xếp hạng không tuân thủ hoặc tuân thủ một phần, 2/25 khuyến nghị hiện được đánh giá ở mức tuân thủ phần lớn. Qua đối chiếu với dự thảo Luật, dự kiến có 11 khuyến nghị có thể được coi là đáp ứng9; 14 khuyến nghị có thể được coi là chỉ đáp ứng một phần10 do còn liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản pháp luật khác (như: Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống khủng bố, các quy định xử phạt vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn quy trình, cơ chế, nguồn thông tin để thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia) và quá trình tổ chức thực hiện. Trong số 23 khuyến nghị, có 04 khuyến nghị cốt lõi liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó 3/4 khuyến nghị cốt lõi11 có thể được coi là đáp ứng phần lớn; 01 khuyến nghị là Khuyến nghị 6 chỉ đáp ứng một phần do liên quan đến việc sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến việc quy định chi tiết quy trình chỉ định danh sách, biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu... Đối với các khuyến nghị chưa thể khắc phục do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ được kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính... Các nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022.
1.3. Cơ sở thực tiễn
Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Từ đó đến nay, trải qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống rửa tiền còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua vào năm 2012. Tại thời điểm này, các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền được xây dựng theo hướng phù hợp, nội luật hóa các khuyến nghị của FATF được ban hành trước năm 2012 và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn này. Từ đó đến nay, FATF đã có 11 lần sửa đổi các khuyến nghị, dẫn đến việc một số quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của FATF.
Thứ hai, đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền, theo quy định hiện hành bao gồm hai nhóm: (1) Các tổ chức tài chính (FIs); (2) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính (DNFBPs) phù hợp với các hoạt động của đối tượng báo cáo tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phát sinh một số hoạt động mới cần được bổ sung vào đối tượng báo cáo như hoạt động trung gian thanh toán. Thực tế, về hoạt động trung gian thanh toán, hiện nay, khung pháp lý cho hoạt động này tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các quy định về phòng, chống rửa tiền mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật nên chưa đảm bảo đầy đủ và hiệu quả. Do đó, cần luật hóa hoạt động này vào đối tượng báo cáo tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng thời, trong thực tiễn có thể phát sinh những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền, đặt ra yêu cầu cần phải có quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền để bao quát được các lĩnh vực, hoạt động mới phát sinh này.
Thứ ba, Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia và tại từng đối tượng báo cáo về rửa tiền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý. Trong khi đó, đây là một trong những yêu cầu thuộc nhóm các vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong Bộ 40 khuyến nghị của FATF về phòng, chống rửa tiền.
Thứ tư, về các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với đối tượng báo cáo, qua quá trình triển khai và đối chiếu các quy định theo các yêu cầu tại Bộ 40 khuyến nghị của FATF về các biện pháp phòng ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, vẫn còn một số tồn tại cơ bản như: Các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng do định nghĩa về thỏa thuận ủy quyền được nêu ra trong Luật Phòng, chống rửa tiền chưa phù hợp với khái niệm tương ứng về “legal arrangement” theo khuyến nghị của FATF; quy định về các giao dịch liên quan tới công nghệ mới còn thiếu các quy định theo yêu cầu mới phát sinh tại 40 khuyến nghị của FATF như yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ mới...
Từ các cơ sở nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong nước về tăng cường hiệu quả của quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền cũng như yêu cầu về đáp ứng các khuyến nghị của FATF, khắc phục một số thiếu hụt theo đánh giá đa phương của APG trong thời hạn 01 năm (kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023) việc trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại một kỳ họp vào tháng 10/2022 là cần thiết12.
2. Một số góp ý hoàn thiện Luật Phòng, chống rửa tiền
2.1. Góp ý điểm a khoản 1 Điều 26 (Báo cáo giao dịch đáng ngờ)
Điểm a khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định: “Giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự”.
Trong khi điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ,bị can, bị cáo”13 và khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự lại quy định: “Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành”14.
Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật giữa những người bị buộc tội và giữa người bị kết án với người chấp hành án, cũng như bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất của dự án Luật này với hệ thống pháp luật (được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)15, đề nghị: (1) Bổ sung 03 đối tượng báo cáo (đều là người bị buộc tội) vào điểm a khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đó là: Người bị bắt, người bị tạm giữ và người chấp hành án; (2) Bổ sung cuối điểm này cụm từ “và pháp luật thi hành án hình sự”.
Điểm a khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sau khi bổ sung và viết lại có nội dung như sau: “Giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án hoặc người chấp hành án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự”.
2.2. Góp ý điểm b khoản 1 Điều 26 (Báo cáo giao dịch đáng ngờ)
Điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định: “Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản hoặc tài sản có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội”.
Trong khi Bộ luật Hình sự lại quy định: “1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự. 2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 14); “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt” (Điều 15). “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa” (khoản 3Điều 19).
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự còn quy định: (1) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: “1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ” (Điều 27). “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự đối với các tội phạm sau đây: 1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; 2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự; 3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật Hình sự” (Điều 28). (2) Thời hiệu thi hành bản án hình sự: “1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. 2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau: a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống; b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm; c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm; d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình. 3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm. 4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. 5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ” (Điều 60). “Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật Hình sự” (Điều 61). (3) Xóa án tích: “1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật Hình sự. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. 2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích” (Điều 69)16.
Để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật này với hệ thống pháp luật (được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và thực hiện đúng yêu cầu về ngôn ngữ sử dụng trong dự thảo Luật phải chính xác, cách diễn đạt phải rõ ràng, nội dung quy định phải cụ thể (được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)17, nhất là về thời điểm bắt đầu thực hiện tội phạm và thời điểm kết thúc quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng tôi đề nghị sửa cụm từ “trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội” thành “đang chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm hoặc đã thực hiện tội phạm”, đồng thời bổ sung cụm từ “và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa hết thời hiệu thi hành bản án hình sự hoặc chưa được xóa án tích”vào cuối điểm này.
Điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sau khi sửa và viết lại có nội dung như sau: “Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản hoặc tài sản có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó đang chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm hoặc đã thực hiện tội phạm và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa hết thời hiệu thi hành bản án hình sự hoặc chưa được xóa án tích”.
1 Quốc hội (2022), Dự thảo của Quốc hội về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
2 FATF là tổ chức liên chính phủ ban hành ra các chuẩn mực thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2004, FATF lần đầu ban hành bộ tiêu chuẩn 40+9 khuyến nghị bao gồm 40 khuyến nghị về phòng, chống rửa tiền và 9 khuyến nghị đặc biệt về phòng, chống tài trợ khủng bố; đến tháng 02/2012, FATF sửa đổi, bổ sung 40+9 khuyến nghị thành Bộ 40 khuyến nghị mới về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt. 40 khuyến nghị hiện đang được áp dụng là bộ chuẩn mực quốc tế chung về phòng, chống RT/TTKB/VKHDHL. Hiện nay, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang cam kết thực hiện theo các khuyến nghị của FATF, trong đó có Việt Nam. (Nguồn trích dẫn: website: https://www.fatf-gafi.org/about/).
3 6 khuyến nghị chủ chốt và cốt lõi gồm Khuyến nghị 3 (Tội phạm rửa tiền), 5 (tội phạm tài trợ khủng bố), 6 (các hình phạt tài chính mục tiêu), 10 (nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng), 11 (lưu giữ báo cáo), 20 (báo cáo giao dịch đáng ngờ).
4 27/40 khuyến nghị số: 1, 3, 6, 7, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 34, 35, 38.
5 Công tác tịch thu, thu hồi tài sản (IO8) và chống tài trợ khủng bố (IO9).
6 Hiểu biết về rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố (IO1) và hợp tác quốc tế (IO2).
7 7 IO bị đánh giá thấp liên quan đến công tác thanh tra, giám sát về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ, phổ biến vũ khí, các biện pháp phòng ngừa của các đối tượng báo cáo, pháp nhân và thỏa thuận pháp lý, tình báo tài chính, điều tra và truy tố tội rửa tiền, các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu và chống tài trợ, phổ biến vũ khí.
8 IMF Working Paper WP/21/153.
9 Khuyến nghị số: 2, 9, 11, 13, 14, 17, 18, 20, 21, 23, 25.
10 Khuyến nghị số: 1, 6, 10, 12, 15, 16, 19, 22, 24, 26, 27, 28, 29, 40.
11 Khuyến nghị số: 10, 11, 20.
12 Chính phủ (2022), Tờ trình số 344/TTr-CP ngày 25/9/2022 của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
13 Văn phòng Quốc hội (2021), Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021, số 05/VBHN-VPQH ngày 03/12/ 2021 của Văn phòng Quốc hội.
14 Quốc hội (2019), Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
15 Văn phòng Quốc hội (2020), Văn bản hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, số 23/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020 của Văn phòng Quốc hội. (Điều 5)
16 Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017, số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 của Văn phòng Quốc hội.
17 Văn phòng Quốc hội (2020), Văn bản hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, số 23/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020 của Văn phòng Quốc hội. (Điều 5).
TS. Đỗ Đức Hồng Hà(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)
ThS. Hoàng Mạnh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội)