Chuyển đổi số dữ liệu kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Multimedia - Ngày đăng : 14:42, 03/11/2022
Thưa ông, trong những năm qua, chủ trương liên kết vùng của Đảng và Nhà nước đã từng bước được hiện thực hóa, tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết (nguồn nước, biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng kết nối…) mà từng địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc không giải quyết hiệu quả. Theo đó, các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế vùng, nội vùng đồng thời giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh nhằm tạo lợi thế so sánh trong cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhìn nhận những kết quả đạt được trong liên kết vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021) cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng, như: chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi; vai trò của các chủ thể tham gia liên kết vùng còn mờ nhạt cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất.
Một số nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng này là vẫn còn tồn tại tư duy “nhiệm kỳ”, “lợi ích cục bộ địa phương” và chưa có cơ chế hình thành tài sản chung của vùng khiến cho chính quyền địa phương chưa thấy được lợi ích từ liên kết vùng; cơ chế phân công nhiệm vụ phát triển kinh tế ở cấp địa phương có thể khiến cho chính quyền địa phương không tích cực tham gia liên kết vùng, bên cạnh các nguyên nhân khác.
Nhận rõ tầm quan trọng của liên kết vùng với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, chủ trương liên kết vùng của Đảng và Nhà nước đã dần đi vào thực tiễn đất nước, xây dựng cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý có nhiều thuận lợi cho các cấp ngành, địa phương, cơ sở thực hiện hiệu quả liên kết vùng cũng như từng bước tháo gỡ những tồn tại, hạn chế để thúc đẩy liên kết vùng.
Mới đây, CIEM phát hành báo cáo Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số. Ông đánh giá như thế nào về các mục tiêu kinh tế - xã hội mà các địa phương đưa ra trong mối liên kết với phát triển vùng?
Trong các vùng kinh tế - xã hội, vùng Trung du và miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong thúc đẩy liên kết vùng nói riêng. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước.
Tuy nhiên, vùng lại có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm. Vì vậy, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong phát triển của Vùng thời gian qua, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng.
Bên cạnh đó, căn cứ Đề án Thể chế liên kết vùng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương thực hiện một loạt nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Trong đó, một nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là “Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tính khả thi của việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng vùng”.
Việc giao chỉ tiêu này không hướng tới yêu cầu hành chính một cách thuần túy, mà hướng tới tạo động lực thực chất để các địa phương trong vùng cùng hợp tác, hành động vì mục tiêu phát triển chung của vùng. Nhiệm vụ này cũng gắn bó mật thiết với nhiệm vụ khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Nghị quyết số 57/NQ-CP về xây dựng các tiêu chí cho các dự án liên kết vùng.
Tuy nhiên, nghiên cứu đánh giá về hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương cho thấy các chỉ tiêu đang được áp dụng ở cấp tỉnh khá dàn trải. Trong khi đó, các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng hiện nay vẫn chỉ cộng gộp từ các địa phương, nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong vùng.
Ngoài ra là những bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc như: chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện; quy hoạch định hướng phát triển cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong vùng còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng còn khó khăn...
Vậy, tại sao phải đặt câu chuyện liên kết giữa các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chuyển đổi số, thưa ông?
Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Việc thúc đẩy quy hoạch vùng và liên kết vùng cũng là một hoạt động quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.
Cụ thể, với việc tăng cường thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như điều hành kinh tế-xã hội, Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số có thể giúp các địa phương gắn kết các ngành lĩnh vực chủ lực, thúc đẩy ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số cũng giúp chính phủ và cơ quan điều phối phát triển vùng có cái nhìn tổng quát và khả năng theo dõi, đánh giá cập nhật hơn về tình hình phát triển kinh tế theo vùng, thay vì chỉ theo báo cáo tổng hợp của từng địa phương riêng lẻ.
VnEconomy 03/11/2022 06:00