Thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 22:46, 31/10/2022

“Xanh hóa” tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đang là một xu thế tất yếu và đã nhận được sự quan tâm của các ngân hàng thương mại (NHTM).
“Xanh hóa” tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đang là một xu thế tất yếu và đã nhận được sự quan tâm của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng được ngành Ngân hàng hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro, hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung. Tín dụng xanh là một biểu hiện của tài chính bền vững nhằm mục đích hướng đến sự phát triển bền vững.

“Xanh hóa” tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu (Nguồn: Internet)
Khuyến khích khách hàng vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”

Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các NHTM thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Những năm gần đây, cụm từ “tín dụng xanh” đã trở nên quen thuộc hơn với giới tài chính, ngân hàng.

Tại Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các tổ chức tín dụng (TCTD) để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo.

Ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có thể hiện rõ mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025 là: “Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng”.

Theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện thường xuyên của ngành Ngân hàng Việt Nam, trong đó có việc “triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các TCTD để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng”.

Tại thời điểm hiện tại, tín dụng xanh đã nhận được sự quan tâm đúng mức của các NHTM. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”.

Chẳng hạn, dự án chuyển hóa carbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF). Hay sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngoài ra, còn có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020 - 2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN). 

Những khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đạt những kết quả nhất định nhưng việc triển khai đẩy mạnh tín dụng xanh tại Việt Nam còn có một số vướng mắc:

Cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh còn thiếu, đồng thời thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể (khái niệm, quy định, tiêu chuẩn/điều kiện về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh) làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh, thêm nữa là thiếu cơ chế hợp tác liên ngành khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xanh và khuyến khích tạo động lực cho các ngân hàng phát triển tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy các TCTD khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay do nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, huy động theo cơ chế thương mại có chi phí cao.

Số lượng các ngân hàng quan tâm và ban hành quy trình nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, quy trình thẩm định đối với các dự án xanh chưa nhiều. Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản để thực hiện thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trong khi các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro và khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và tài chính, tài sản bảo đảm.

Nhiều nghiên cứu nhận định, năng lực đánh giá rủi ro môi trường - xã hội của các cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế, đa phần chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số sẽ kiểm tra công nghệ xả thải và kế hoạch di dân (nếu có) của công trình/dự án, nhưng hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm của người thẩm định. Hiệu quả của việc thẩm định này còn nhiều tranh cãi khi thực tế trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều dự án sản xuất - kinh doanh phải dừng thi hành do những tác động tiêu cực tới môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các ngân hàng, tổ chức cấp tín dụng. Nhìn chung, các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hầu hết các dự án còn chưa phòng ngừa các nguồn ô nhiễm môi trường, các tổ chức kinh tế vẫn chú trọng đến lợi ích kinh tế và coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, thực tiễn thực thi và tuân thủ chính sách, quy định về môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế là khó khăn cho các TCTD khi dự án có thể bị đình chỉ thực hiện do vi phạm quy định về môi trường. Ngoài ra, còn thiếu cơ chế chính sách trong việc tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Giải pháp để lan tỏa dòng vốn tín dụng xanh

Để khuyến khích tín dụng xanh, các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự tham gia của các chủ thể kinh tế, tổ chức tài chính trên thị trường thông qua các công cụ chính sách, quy định giám sát vĩ mô, vi mô, cơ chế phân bổ tín dụng… phù hợp với đặc điểm của thị trường tài chính quốc gia.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp hệ thống tài chính trong nước có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn quốc tế và xây dựng chương trình tín dụng có mục tiêu phù hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển của quốc gia, trên cơ sở tham vấn ý kiến của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính thế giới. 

Về phía NHNN

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, với vai trò, nhiệm vụ, chức năng của ngành Ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể: (i) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ngân hàng xanh; hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD để triển khai thực hiện các nội dung về tín dụng xanh đặt ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; (ii) Nghiên cứu, xây dựng, tích hợp các nội dung nhiệm vụ của NHNN triển khai Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (iii) Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường; các dự án, chương trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.​

Thời gian tới, NHNN cần tiếp tục thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

Trong bối cảnh các ngân hàng lớn trong hệ thống đã đáp ứng chuẩn Basel II, việc đa dạng hóa các công cụ chính sách để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, cân nhắc áp dụng các chính sách giám sát thận trọng vĩ mô và vi mô trong giai đoạn tới sẽ giúp Ngân hàng Trung ương kiểm soát rủi ro hệ thống liên quan tới rủi ro môi trường.

Bên cạnh đó, NHNN có thể nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền để có các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy các TCTD đẩy mạnh tín dụng xanh như được cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc áp dụng lãi suất thấp, cấp bù lãi suất chênh lệch… Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao cũng nên được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn để cung cấp tín dụng xanh như phát triển thị trường trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp vốn xanh.

Ngoài ra, NHNN phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức, đào tạo, tăng cường năng lực cho các TCTD, các cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách cho sản phẩm tín dụng xanh nhằm nâng cao năng lực của toàn ngân hàng trong việc thực hiện tín dụng xanh.

Về phía các bộ, ngành liên quan

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chí môi trường đối với dự án hoặc hạng mục của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Về phía NHTM

Thứ nhất, cần tiếp tục xây dựng các chính sách riêng cho hoạt động tín dụng xanh, gắn với mục tiêu xanh gồm năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, vệ sinh nước sạch... sau khi NHNN ban hành hệ thống văn bản, quy định nhằm gia tăng hiệu quả cho hoạt động này.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản phẩm tín dụng xanh, sử dụng hợp lý nguồn vốn từ các ngân hàng hay các chương trình dự án của Nhà nước cho các dự án “xanh” nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.

Thứ ba, các NHTM cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm giảm thiểu lưu thông tiền mặt trong thị trường, góp phần phát triển sản phẩm tín dụng xanh; nâng cao năng lực tài chính bằng cách huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế hay các nhà tài trợ nước ngoài.

Thứ tư, phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng và vai trò của tăng trưởng xanh; nâng cao ý thức của mọi người trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền về tín dụng xanh tại các hội thảo, hội nghị để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng. Từ đó, cung cấp thông tin để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tín dụng xanh cũng như lợi ích của tín dụng xanh. Nhiều khách hàng quan tâm đến tín dụng xanh sẽ đẩy mạnh quá trình phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.

Thứ năm, các nhân viên ngân hàng phải được tập huấn thường xuyên để nâng cao hiểu biết về tín dụng xanh, từ đó có thể hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3.Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
4. https://www.sbv.gov.vn

Thu Trang

Thu Trang