Kinh tế 2022 - 2023: Nhìn vào động lực tăng trưởng để cân lại giải pháp

Tin tức - Ngày đăng : 15:58, 28/10/2022

Khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao và những thay đổi rất nhanh của tình hình kinh tế - xã hội khiến nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cân nhắc điều chỉnh một số gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội thảo luận ở nghị trường về phát triển kinh tế - xã hội. 

Không thể đặt mãi câu hỏi tại sao

Những lo ngại về những chậm trễ trong triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 tiếp tục làm nóng ngày thảo luận tại Hội trường đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022-2023.

Điều đáng nói là, sự chậm trễ này đang được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong bối cảnh đã có những thay đổi hoàn toàn khác so với thời điểm Chương trình được xây dựng, thảo luận và thông qua. Những biến động về địa chính trị và chuyển hướng trong chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới dẫn đến những thay đổi lớn về giá cả, lạm phát, triển vọng tăng trưởng chung toàn cầu.

Điều đó một mặt tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đòi hỏi những điều chỉnh chính sách cần thiết.

Phải nhắc lại, chương trình này được Chính phủ lên ý tưởng từ khoảng tháng 7/2021, khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch; được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022, khi vừa ra khỏi tâm dịch. Mục tiêu phục hồi và phát triển được đặt song song, nhiều chính sách ưu tiên cho sự trở lại cuộc sống bình thường của người dân, doanh nghiệp, bên cạnh các chính sách tạo đà cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn rất trăn trở với tình trạng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế triển khai rất chậm.

“Tại sao các giải pháp được cân nhắc thận trọng, tính toán chi tiết cả tính khả thi mà khó đến được tới người cần. Chặng đường này sao dài quá”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang) bày tỏ tâm tư tại nghị trường.

Nhưng điều mà nhiều đại biểu lo ngại hơn cả là nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đối mặt với rất nhiều thách thức mới. Ví dụ, trong bối cảnh mới, việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1% trong 2 năm 2022-2023 như đã đề ra hầu như không thể thực hiện được.

Việc Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng cho cả năm ở mức 14% làm cho việc thực hiện các chỉ tiêu hỗ trợ lãi suất 2% càng khó khăn.

Nhiều giải pháp đã được đề xuất, chứ không chỉ dừng lại ở những câu hỏi, từ các vấn đề về xử lý cán bộ, tâm tư sợ sai, sợ trách nhiệm, đến những vướng mắc trong quy trình, thủ tục...

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM nhìn trực tiếp vào các con số chưa giải ngân được. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được khoảng 13,5 tỷ đồng trong quy mô 40.000 tỷ đồng, đạt 0,03% - một con số quá nhỏ. Nhưng gói gia hạn thuế lại giải ngân được 72,5%.

“Đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân sang hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Thực hiện như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và nhiều hộ kinh doanh hơn”, ông Ngân đề xuất.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ đầu tiên của kỳ họp này về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đã có đại biểu nhắc đến việc cân nhắc, đánh giá lại một số chính sách trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, bởi có chính sách có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét nguồn lực của một số chính sách, có thể cân nhắc linh hoạt sử dụng cho các mục đích đầu tư khác.

Thậm chí, sức ép giải ngân để thực hiện Chương trình trong bối cảnh có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành sẽ làm tăng chi phí thực thi, tạo sự dồn nén về cầu không cần thiết đối với nền kinh tế, có thể dẫn đến những hệ lụy không mong đợi, làm giảm hiệu quả của Chương trình đã được nhắc tới.

Ngay trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đã đưa Danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9/2022 vào phần khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Chuyển dịch nguồn không chỉ vì giải ngân chậm

Đây không chỉ là những ý kiến từ phía các đại biểu Quốc hội.

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đang có những đề xuất tương tự, dựa trên những đánh giá 1/3 chặng đường đầu tiên của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng nói là, tiến độ giải ngân chậm với tỷ lệ giải ngân thấp của hầu hết các nội dung có nguồn vốn lớn trong Chương trình trong năm 2022 đang được cho là là tạo ra sức ép giải ngân rất lớn cho thời gian còn lại của Chương trình, đặc biệt là trong năm 2023.

Điều đó sẽ tạo sự dồn ép về cầu cho nền kinh tế khi một lượng vốn đáng kể đổ vào nền kinh tế trong một thời gian ngắn với kỳ vọng thực hiện các cam kết về tiến độ của Chương trình.

“Trong bối cảnh lo ngại về lạm phát, hiệu quả đầu tư, sự dồn ép đó có thể không cần thiết bởi có thể gây ra những hệ lụy không mong đợi, bao gồm cả những chi phí thực thi”, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và các cộng sự nhận định.

Hơn thế, việc triển khai một số nội dung trong Chương trình đang đòi hỏi chi phí thực thi đáng kể tại cơ sở.

Ví dụ, việc xác minh đối tượng, phê duyệt hồ sơ, mặc dù đã có những cải tiến, đơn giản hóa nhất định, nhưng vẫn là gánh nặng cho các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh eo hẹp về nhân lực, được cho là nguyên nhân chính của sự chậm trễ trong việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà tại một số địa phương.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đang đối mặt với các chi phi thực thi rất lớn, tạo sức ép lên cho các ngân hàng thương mại do việc phải xét duyệt, thẩm định các tiêu chí, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang phải xử lý một loạt các vấn đề khác không kém phần quan trọng trong tình hình mới.

“Xem xét việc dừng thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại hoặc chỉ thực hiện trong phạm vi nguồn vốn đã phê duyệt (16.000 tỷ đồng) trong năm nay cho cả Chương trình”, PGS-TS Bùi Quang Tuấn khuyến nghị.

Đồng tình với nhận định trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bối cảnh phát triển mới có thể làm giảm tính khả thi của một số nội dung, gia tăng những tác động không mong muốn khi triển khai Chương trình, nên cần cân nhắc điều chính.

Theo ông Cung, cần đánh giá lại tính cần thiết của một số gói giải pháp, như gói cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (tổng nguồn vốn tối đa 3.000 tỷ đồng); cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (tổng nguồn vốn 1.400 tỷ đồng) không còn phù hợp.

Ngay cả gói hỗ trợ ngành y, bao gồm 46.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) dự kiến sử dụng để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế do việc thực hiện cần căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cũng cần phải xem xét lại.

“Lúc này, ngành ý không cần gói đó, mà cần một kế hoạch nâng cấp các cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Việc cân đối lại các chính sách cụ thể sẽ dành thêm nguồn lực cho các hợp phần đang triển khai tốt, để đến được với doanh nghiệp, người dân”, ông Cung làm rõ.

Cụ thể, các nguồn lực sẽ dồn cho các gói chính sách tài khóa như giảm thuế, mở rộng đối tượng cho các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ nhà ở cho người lao động...

Một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn sẽ được Chính phủ tập trung ưu tiên

- Tiến hành rà soát các quy trình, thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo các gói hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh hoặc báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm cắt giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kịp thời được thụ hưởng các chính sách, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Mở rộng kênh huy động vốn ngoài ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc thí điểm và cấp phép cho các mô hình công nghệ tài chính mới như gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng để tạo thêm kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Tăng cường quản lý rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp;

- Thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

- Tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần tăng cường đối thoại giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn và xử lý nhanh chóng những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

- Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường kinh tế số và xanh.

(Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV)

Khánh An