So sánh Việt Nam với khủng hoảng Thái Lan năm 1997 là rất thiếu khoa học và thực tiễn

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 21:21, 23/10/2022

Đặt vấn đề nhìn vào dự trữ ngoại hối để thấy sắp có khủng hoảng cũng giống như “thấy lính phòng cháy nghĩa là sắp có hoả hoạn đâu đó”, là cách lập luận non nớt, thiếu cơ sở khoa học và thực tế

Vài ngày qua xuất hiện thông tin đề cập đến quốc gia N – với các dữ liệu khá tương đồng với Việt Nam – đang tiến gần cuộc khủng hoảng giống như khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997.

Có 3 lý do hỗ trợ cho nhận định từ thông tin này: (1) thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhiều tháng (2) thanh khoản bị thắt chặt trong quý 3 và (3) Ngân hàng trung ương can thiệp bán (mất) dự trữ ngoại hối. Nhưng đâu thể so sánh tình hình Việt Nam hiện tại với bối cảnh khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 vì có quá nhiều khác biệt: như thể tìm mọi cách gán ghép lẩu Thái “Tom yum kung” giống với phở Việt (khủng hoàng tài chính Thái Lan còn được gọi là cuộc khủng hoảng “Tom yum kung”).

Khủng hoảng tài chính Thái Lan năm1997 còn được gọi là một "cơn bão hoàn hảo": Đó là sự kết hợp của nhiều điều kiện khác nhau, không chỉ tạo ra sự hỗn loạn tài chính và kinh tế, mà còn khuếch đại tác động của chúng lên rất nhiều.

Một trong số các điều kiện chủ yếu mang tính quyết định: Thái Lan áp dụng chế độ tỷ giá cố định; thâm hụt tài khoản vãng lai lớn tạo ra áp lực giảm giá đồng nội tệ, khuyến khích các cuộc tấn công đầu cơ; các công ty trong nước nghiện vay nợ nước ngoài bằng USD quá lớn.

Cuối cùng, cơ chế giám sát yếu kém đối với hệ thống ngân hàng – chẳng hạn nợ xấu ngân hàng Thái lên đến 50%; thâm hụt ngân sách lớn kết hợp với nợ công tăng cao, tất cả đã góp phần phóng đại cuộc khủng hoảng, làm cho tác động tồi tệ hơn khi các vấn đề vừa mới xuất hiện. Chúng tạo thành một cơn sóng thần hoảng loạn khủng khiếp với 10.400 người tự sát khi khủng hoảng lan rộng ra châu Á. Rất dễ kiểm chứng bằng dữ liệu, bối cảnh hiện tại cho thấy Việt Nam không có bất kỳ điều kiện và yếu tố nào hỗ trợ (lại phải thoả mãn điều kiện kết hợp với nhau cùng lúc) giống như khủng hoảng 1997.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, khủng hoảng 1997 cho đến nay là cuộc khủng hoảng cuối cùng trong chuỗi dài các khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi thập niên 1980 và 1990. Hiện tại, với quyết tâm chống lạm phát với bất kỳ cái giá phải trả, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất một cách không thương tiếc. Giá USD tăng vọt, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái trên diện rộng.

.
Kể từ khi Fed tăng lãi suất đầu năm đến giờ, ngoại trừ khủng hoảng nợ có thể xảy ra do một vài nước vay nợ nước ngoại tệ quá nhiều, chưa có bất kỳ một cuộc tháo chạy vốn ào ạt nào khỏi các nền kinh tế mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đang thu hút vốn ròng ấn tượng nhất khu vực.

Như một sự mặc định, hầu như ai cũng nghĩ các nạn nhân đầu tiên sẽ là các thị trường mới nổi. Nhưng thay vào đó là một sự bình tĩnh đến kỳ lạ. Chưa có bất kỳ một tổ chức hoặc nghiên cứu quốc tế có uy tín nào dự báo sẽ có khủng hoảng tài chính giống như năm 1997 tại các nền kinh tế mới nổi.

Ngược lại, sự hoảng loạn đang xảy ra tại các nền kinh tế phát triển khi tiền tệ liên tục mất giá kỷ lục. Kể từ khi Fed tăng lãi suất đầu năm đến giờ, ngoại trừ khủng hoảng nợ có thể xảy ra do một vài nước vay nợ nước ngoại tệ quá nhiều, chưa có bất kỳ một cuộc tháo chạy vốn ào ạt nào khỏi các nền kinh tế mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đang thu hút vốn ròng ấn tượng nhất khu vực.

Khả năng linh hoạt của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế mới nổi nói chung chỉ là một phần đương nhiên từ việc học hỏi sai lầm các khủng hoảng tài chính trong lịch sử.

Các nghiên cứu cho thấy, 5 yếu tố sau khiến các nước có khả năng phục hồi tốt sau mỗi cú sốc lớn: (1) thị trường tài chính phát triển sâu rộng (2) các ngân hàng được quản lý tốt với các chuẩn mực quản trị ngân hàng quốc tế (3) chính sách tài khóa thận trọng với nợ công thấp, nhất là nợ nước ngoài bị khống chế và giám sát rất nghiêm ngặt (4) không có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn (5) các ngân hàng trung ương độc lập hơn và đã áp dụng chế độ tỷ giá linh hoạt cùng với việc tiếp cận lạm phát mục tiêu. Nếu cho điểm các yếu tố trên, Việt Nam ắt sẽ nằm trong top các nền kinh tế mới nổi (nhất là các yếu tố 3,4,5), như đánh giá của nhiều định chế quốc tế thời gian qua.

Còn nếu chỉ nhìn vào việc Ngân hàng nhà nước can thiệp làm giảm dự trữ ngoại hối để cho rằng sắp có một dấu hiệu xấu gì đó, càng sai lầm. Năm 1982, các nước phát triển G7 công bố kết luận, can thiệp tiền tệ có rất ít tác dụng lâu dài. Các bằng chứng cũ cho thấy, một khi thiếu hụt cầu USD xảy ra trên diện rộng và kéo dài, can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối là không hiệu quả.

Nhưng nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của công nghệ xử lý dữ liệu và các phát triển mới về lý thuyết và thực nghiệm, nghiên cứu vừa công bố vào tháng 6-2022 bởi các tác giả của Viện Hoover và IMF, đã đảo ngược các lập luận truyền thống tồn tại hàng thập kỷ nay. Kết luận từ bài báo cho rằng, nếu một đồng tiền đang bị mất giá hơn 10%, việc (bán) dự trữ ngoại hối khoảng 0,1% GDP để can thiệp trên thị trường có thể làm đồng tiền mạnh hơn 4%. Nếu can thiệp có hệ thống trong nhiều quý, kết quả càng tốt hơn.

Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu làm một phép tính thô, việc Ngân hàng nhà nước thời gian qua can thiệp vào thị trường khoảng 20 tỷ USD, khoảng 5% GDP, cho dù điều này không làm thay đổi cục diện trong dài hạn, tác động củng cố giá trị đáng kể tiền đồng trong thời gian qua là điều không thể phủ nhận.

Can thiệp ngoại hối không chỉ đơn thuần nâng hay giảm giá tiền tệ mà còn hướng đến điều chỉnh những sai lệch để đưa tỷ giá tìm điểm cân bằng mới khi các điều kiện thị trường thay đổi quá lớn. Vì vậy, cách đặt vấn đề hãy nhìn vào dự trữ ngoại hối để thấy sắp có khủng hoảng cũng giống như: “thấy lính phòng cháy nghĩa là sắp có hoả hoạn đâu đó”. Cách lập luận non nớt này tự bản thân đã cho thấy chất lượng thông tin lan truyền về dấu hiệu khủng hoảng ở Việt Nam mấy ngày gần đây rất thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM