Hết thời 'lách' quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Chính sách - Ngày đăng : 09:23, 21/09/2022
Ngay sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề công bố các quy định mới cần lưu ý trong Nghị định mới.
Đánh giá về vụ việc sai phạm gần đây liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng, phần lớn xuất phát từ khâu thực thi chính sách, sai phạm từ các tổ chức trung gian, nhà đầu tư.
Đại diện Bộ Tài chính đề nghị trước khi tham gia thị trường, nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá năng lực, tìm hiểu đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
"Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu mà còn là hành vi vi phạm pháp luật", đại diện Bộ Tài chính nói.
Để tránh tình trạng "lách" quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Nghị định 65 đã bổ sung khá nhiều quy định so với Nghị định 153.
Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 1 Nghị định 65: Đối tượng mua TPDN phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Bổ sung trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu gồm: Trước khi mua trái phiếu (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp), nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này (Tiếp cận đủ thông tin; hiểu rõ rủi ro; tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm) và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận.
Thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định; không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức.
Có thể thấy điểm khác biệt lớn trong quy định về "Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" trong Nghị định mới so với Nghị định 153.
Cụ thể, theo quy định cũ tại Nghị định 153, "Nhà đầu tư chuyên nghiệp", chỉ cần nắm giữ danh mục đầu tư có giá trị thị trường trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Vì vậy, nhà đầu tư có thể thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông qua việc vay mượn để có danh mục đầu tư 2 tỷ đồng trong vài ngày, hoặc đầu tư thông qua hợp đồng góp vốn.
Đến Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng, trong tối thiểu 180 ngày, bằng tài sản không bao gồm tiền vay ký quỹ. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đủ thông tin; hiểu rõ rủi ro; tự đánh giá và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình. Đặc biệt, không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị định mới không thắt chặt quy định phát hành, không bổ sung thêm yêu cầu, mà thay vào đó là bổ sung theo hướng tăng tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.