Vì sao 'kinh tế tuần hoàn' là xu hướng tất yếu?

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 20:17, 04/09/2022

Thách thức đặt ra với nền kinh tế tuyến tính hiện nay chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và việc xử lý các chất thải ra môi trường khó khăn. Do đó, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một xu thế, một tư duy mới và dần trở nên tất yếu.
fdi-1459-2334

Ảnh minh hoạ: PC.

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner từ năm 1990. Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác". Hay nói một cách đơn giản là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu

Khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình được Việt Nam áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm "khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone", "sản xuất sạch hơn – Cleaner production", "Không phát thải – zero emission", tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của kinh tế tuần hoàn  – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Bốn lý do chính mà bắt buộc diễn ra sự chuyển đổi này bao gồm:

Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được;

Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu;

Tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu;

Tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn, … đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Các quan điểm về kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, có những quan điểm tương đối đồng thuận về kinh tế tuần hoàn. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là "một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo" thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm 'kết thúc vòng đời' của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó".

Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi.

Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững trên thế giới

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Trong những năm gần đây, một số quốc gia đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…

Tại châu Âu, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia loại hình kinh tế này. Theo ước tính, tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ Euro mỗi năm, hàng trăm nghìn việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại quốc gia này, Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học…

Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế trên 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, khoảng 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm "thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất".

Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử  lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày.

Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ việc xác định quan niệm phát triển đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn đến thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp... 

Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã khẳng định vai trò của nền kinh tế tuần hoàn cùng với các nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp hướng đến phát triển bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực tháng 1 năm 2022 cũng đã khẳng định và đặt cơ sở pháp lý rất cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn… 

Mặc dù nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đã được triển khai tại Việt Nam và đem lại một số thành quả nhất định, nhưng với việc khung khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện hứa hẹn sẽ giúp cho các mô hình kinh tế, tư duy đổi mới sớm được hình thành, góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, chuyển mô hình sử dụng năng lượng từ nâu sang xanh, từ phát thải khí nhà kính sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này cũng đảm bảo cho sự phát triển bền vững thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn đang ngày càng khan hiếm.

My Anh