Áp lực vốn vẫn dồn lên ngân hàng
Tin tức - Ngày đăng : 17:36, 14/08/2022
Lãi suất thấp, trái phiếu TCTD vẫn đắt hàng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu phát hành đạt 280.641 tỷ đồng. Trong đó các TCTD đã “soán ngôi” của nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng về khối lượng phát hành trái phiếu. Cụ thể, nếu như trong quý I/2022, hai nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng có khối lượng trái phiếu phát hành lớn nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%; thì trong quý II, khối lượng phát hành trái phiếu của các TCTD chiếm tới 64,73% khối lượng phát hành, trong khi doanh nghiệp bất động sản giảm còn 15,49%, xây dựng chỉ còn 0,44%. Lũy kế 7 tháng, các TCTD nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 37,2% tổng khối lượng; còn các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 31,5% và 8,8%.
Một chuyên gia của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định, việc các TCTD đẩy mạnh phát hành trái phiếu do đây là kênh huy động vốn trung dài hạn khá hiệu quả, trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn của các TCTD đang rất lớn; một mặt để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mặt khác cũng để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm còn 34% từ 1/10 tới. Bên cạnh đó, trái phiếu do các TCTD phát hành vẫn hút khách, dù mặt bằng lãi suất phát hành bình quân không thuộc nhóm cao nhất, cho thấy độ tin cậy, sự an toàn của hệ thống TCTD vẫn tương đối tốt so với mặt bằng chung của thị trường.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lãi suất phát hành bình quân của các TCTD thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường (4,64%/năm), thấp hơn đáng kể so với nhóm cao nhất là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ (10,38%/năm) và nhóm doanh nghiệp bất động sản (10,27%/năm). Sự tham gia của các TCTD chuyên nghiệp, có quy củ cũng phần nào thể hiện rằng sự đảm bảo của thị trường trái phiếu vẫn đang được duy trì và củng cố.
Đáng chú ý theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay nguồn vốn từ trái phiếu của các TCTD phát hành so với tổng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn rất nhỏ bé. Cùng với mặt bằng lãi suất phát hành không quá cao, khối lượng phát hành chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ, có thể nói hoạt động phát hành trái phiếu của các TCTD không dẫn tới rủi ro lãi suất tăng lên.
Chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực
Phân tích của Fiin Pro và VietData đều ghi nhận, cho tới cuối tháng 7/2022 các trụ cột quan trọng của thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành trong 7 tháng giảm tới gần 40% so với cùng kỳ. Trên thị trường chứng khoán VN-Index có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7, song giá trị giao dịch cả tháng vẫn giảm về mức thấp kỷ lục, giảm hơn 26% so với tháng trước và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Khi các trụ cột quan trọng của thị trường vốn chưa phục hồi, thì nhu cầu vốn cho nền kinh tế đang dồn cả lên vai các ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng đồng thời phải đáp ứng các mục tiêu khác về ổn định vĩ mô. TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định, đây là bài toán rất thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay. Điều hành chính sách tiền tệ phải làm sao để vừa góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng, duy trì đà phục hồi, song vẫn phải kiểm soát lạm phát để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Chia sẻ quan điểm này một chuyên gia phân tích, triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi nhanh chóng, trong khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia khiến người tiêu dùng tại các thị trường này thắt chặt hầu bao. Trong khi hiện Fed và nhiều NHTW lớn đang tăng nhanh lãi suất khiến dòng vốn đầu tư cũng có xu hướng đảo chiều. Tất cả những điều đó đã và đang tác động tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế trong nước, đồng thời mang tới nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Trong khi do kinh tế thế giới khó khăn, các động lực tăng trưởng đang quay trở lại thị trường trong nước, khiến nhu cầu vốn lại càng cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói chung và hoạt động của các NHTM nói riêng đang đứng trước thách thức. Do một mặt vẫn phải góp phần quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; mặt khác phải làm sao để không bị trôi khỏi khả năng kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được ổn định nền kinh tế.
“Việc lựa chọn chính sách của NHNN lúc này là đầy thách thức do phải đối diện với nhiều biến số. Chính vì vậy, ngay cả đối với chương trình phục hồi kinh tế hay công tác điều hành trong thời điểm hiện tại, phần nào phải dựa nhiều hơn vào chính sách tài khoá vì nguồn thu còn tốt, trong chừng mực nợ công lên nhưng dư địa vẫn còn”, ông Thành khuyến nghị.