Nhập siêu có nguy cơ quay lại?

Tin tức - Ngày đăng : 20:31, 08/08/2022

Trong khi số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) ghi nhận cán cân thương mại 7 tháng đầu năm xuất siêu 764 triệu USD, thì số liệu của cơ quan hải quan lại cho thấy nhập siêu khoảng 950 triệu USD tính tới giữa tháng 7. Nếu đà giảm tốc của xuất khẩu tiếp diễn, khả năng nhập siêu quay trở lại trong năm nay là có thể xảy ra.

Chi phí đầu vào tăng vọt

Ngay cả với số liệu của TCTK thì một chuyên gia của Cục Thống kê thương mại và dịch vụ thuộc cơ quan này cho rằng, nếu so với cùng kỳ các năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì mức xuất siêu trong 7 tháng năm nay cũng thấp, thiếu tính bền vững, nguy cơ nhập siêu vẫn luôn hiện hữu.

Sở dĩ như vậy là vì số liệu của cơ quan này cho thấy, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%. Trong khi đó giá cả nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu duy trì xu hướng tăng nhanh hơn giá xuất khẩu.

nhap sieu co nguy co quay lai
Ảnh minh họa

Chẳng hạn riêng 3 nhóm hàng nhiên liệu chủ lực phục vụ cho sản xuất tại Việt Nam đều ghi nhận mức giá nhập khẩu tăng cao và có sự ngược chiều giữa xu hướng tăng của giá và giảm của lượng.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu than đá giảm 15,5% về lượng, nhưng tăng tới hơn 222% về giá trị; dầu thô giảm 2,6% về lượng, tăng hơn 130% về giá trị; xăng dầu chỉ tăng 16% về lượng, trong khi giá trị tăng tới 225%.

Với một nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu (tỷ trọng nguyên vật liệu nhập khẩu trong hàng hoá xuất khẩu chiếm tới 60-70% kim ngạch), thì giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng đã tác động mạnh tới giá hàng hoá trong nước và hàng sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Trong khi đó do giá bán không thể tăng nhanh như giá đầu vào nên khả năng nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, khiến nhập siêu quay lại là có thể lý giải được.

Dệt may là một trong những ngành đang “ngấm đòn” do chi phí đầu vào tăng cao. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, cùng diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… đã đẩy chi phí của các doanh nghiệp trong ngành tăng khoảng 20 - 25%.

Trong khi đó, cầu dệt may thế giới vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu sau dịch, đã ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành này.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, đa số các đơn vị trong Vinatex mới ký đơn hàng đến tháng 8, có đơn vị ký đến tháng 10 nhưng non tải (khoảng 30% năng lực). Chỉ một số ít các đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên vật liêu, thiếu lao động, chi phí tăng.

Tình trạng khách hàng giãn đơn đối với các đơn hàng đã đặt, lùi giao hàng đối với các đơn hàng đã sản xuất, dẫn đến tình trạng tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm, gây ảnh hưởng đến dòng tiền…

Không dễ giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng

Không riêng ngành dệt may chật vật đối phó với bài toán chi phí đầu vào tăng cao, các ngành xuất khẩu khác cũng đang lao đao vì chuỗi cung ứng đứt gãy gây tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, 2 mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) là điện thoại và linh kiện; đồ điện tử, máy tính và linh kiện đang thiếu hụt nguồn cung khí Heli-nguyên liệu để sản xuất chip, do Nga chiếm 1/3 lượng sản xuất khí Heli toàn cầu. Ngành thuỷ sản trong những tháng cuối năm cũng đối diện nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, trong khi giá thành sản xuất tăng do giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng…

Bối cảnh này càng cho thấy việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu đã gây nhiều khó khăn cho các ngành hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi, chuỗi cung ứng vẫn trong tình trạng đứt gãy.

Để đối phó với tình trạng giá cả đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia khuyến nghị, giải pháp trước mắt cần tập trung là cân đối kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex, giải pháp trong thời gian tới đối với ngành sợi là phải theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, chọn thời điểm mua nguyên liệu phù hợp và nên mua theo từng lô nhỏ để trung hoà giá và tránh rủi ro.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng tính tới việc chuyển đổi mặt hàng, tăng cường các mặt hàng sợi pha nhằm giảm sử dụng bông; tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê, trong dài hạn để tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp để ứng phó với việc tăng giá USD, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, vấn đề này cần được theo dõi chặt chẽ vì nếu nhập siêu quay trở lại, sẽ không chỉ tác động đến kinh tế vĩ mô (cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, công nợ ngoại tệ, lạm phát…), mà còn tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.

Ngọc Khanh - Theo Thời báo Ngân hàng